Báo Công An Đà Nẵng

Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam

Thứ sáu, 03/01/2014 11:28

* Phần 1: Hải chiến Hoàng Sa

Bài 1: Âm mưu bành trướng 

Lời tòa soạn:

Lịch sử luôn cho ta những bài học quý giá.

Lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã từng đối mặt với những thử thách vô cùng nghiệt ngã, thù trong, giặc ngoài, trăm bề bất lợi. Ấy thế nhưng, trong bất kỳ thử thách nào, ý chí quật cường của những người con đất Việt vẫn luôn tỏa sáng, nhằm bảo vệ tới cùng biên cương bờ cõi, bảo vệ giống nòi trước mọi thế lực xâm lăng. Đó là lẽ sống, là tình yêu, là tiềm thức ẩn chứa bên trong mỗi người dân đất Việt, vượt lên trên ý thức hệ, tôn giáo, dân tộc...

Đúng 40 năm về trước, khi quân và dân cả nước đang thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng để giành lại nền độc lập – tự do cho Tổ quốc, trong điều kiện đất nước đang còn bị chia cắt, một bộ phận những người con nước Việt đã phải đương đầu với quân xâm lược Trung Quốc trong trận Hải chiến Hoàng Sa đầy bi tráng. Bất luận đứng ở góc độ nào, hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau, trận Hải chiến Hoàng Sa tháng 1-1974 luôn là biểu hiện của lòng yêu nước và ý chí độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, những người bên kia chiến tuyến và hậu duệ của họ đang trở về với đất nước Việt Nam thống nhất, từng bước xóa mờ đi ranh giới một thời để chúng ta xây dựng và bảo vệ quê hương; đó chính là nhận thức và hành động đúng đắn của mỗi người con đất Việt – đi theo tiếng gọi của quê hương. Ngày nay, công lý và sự thật từng phút từng giờ trở nên sáng tỏ, người Việt Nam, người Trung Quốc và cộng đồng tiến bộ trên thế giới đều nhìn thấy rõ sự vận động của lịch sử, để cùng nhau kiến tạo những giá trị chân chính phục vụ cho hòa bình, thịnh vượng.

Trong bối cảnh đó, tôn trọng nguyên tắc khách quan của sử học, Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu loạt bài “Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam” của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, nhằm mục đích tối thượng của tinh thần xây dựng: Nhìn lại lịch sử để hướng tới tương lai.

Ban Biên Tập

(Cadn.com.vn) - Những ngày này cách đây 40 năm, một trận hải chiến không cân sức đã xảy ra giữa một bên là kẻ xâm lược và một bên là những người con đất Việt đã anh dũng  bảo vệ  mảnh đất thiêng liêng của Mẹ Việt Nam giữa trùng khơi Biển Đông. Đó là trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, một dấu ấn bi hùng không bao giờ phai trong lịch sử đấu tranh gìn giữ và bảo vệ  chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của dân tộc Việt Nam.

Quần đảo Hoàng Sa

Vào đầu năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối. Trước đó, do bị thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27-1-1973), công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ, khỏi miền Nam Việt Nam. Theo đó, Hạm đội 7 của Mỹ  rút khỏi Biển  Đông. Lợi dụng cơ hội đó, quân xâm lược Trung Quốc huy động lực lượng thủy, lục, không quân tiến hành đánh chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lúc bấy giờ.

4 chiến hạm trong trận hải chiến tháng 1-1974 tham chiến bảo vệ Hoàng Sa.

Ngày 11-1-1974, theo nguồn tin của AFP, VNCH đã biết được tin Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố nhóm đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc và tố cáo VNCH chiếm cứ bất hợp pháp quần đảo này (!?).

Trước tình hình đó, ngày 16-1-1974, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Vương Văn Bắc tổ chức họp báo tố cáo Trung Quốc huy động tàu chiến xâm phạm lãnh hải quanh các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và đổ quân lên các đảo này.

Phán đoán được âm mưu của Trung Quốc trong việc xâm chiếm Hoàng Sa, nên ngày 14-1-1974, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển của VNCH ra chỉ thị, lệnh cho một chiến hạm đến quần đảo Hoàng Sa với nhiệm vụ đón viên Trưởng ty khí tượng bị bệnh nặng về Đà Nẵng và quan sát tình hình. Lực lượng cùng đi có 3 sĩ quan và 2 nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 và một nhân viên Tòa lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng (tên là Cetald E.Kóh) công tác trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Theo đó, lúc 6 giờ tối ngày 14-1, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) được lệnh rời Đà Nẵng đi Hoàng Sa.

Sáng 15-1-1974, Tuần dương hạm HQ16 đến Hoàng Sa, phát hiện thấy trên đảo Hữu Nhật (Robert) có cắm cờ Trung Quốc và gần đó có 1 tàu đánh cá Trung Quốc, mang tên Nam Ngư, số 402. Đây là loại tàu đánh cá có vũ trang, đài chỉ huy ở giữa, 2 bên gắn ăng-ten cần loại PRC 25, vỏ tàu bằng sắt, mũi hình chữ V, trọng tải 130 tấn, trên boong trước có 3 xuồng cấp cứu nhỏ và 1 xuồng bằng sắt, vũ trang đại bác 25 ly.

Sơ đồ tác chiến  trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

Nhân viên đài khí tượng đảo Hoàng Sa cho biết tàu đánh cá nói trên của Trung Quốc đến từ ngày 10-1-1974 và trước đó khoảng 1 tháng cũng có 1 chiếc như vậy, nhưng đã rời khỏi đảo. Tàu HQ16 dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi đảo Hoàng Sa, nhưng tàu này không đáp ứng. Tuy nhiên sau đó, vào buổi chiều, tàu Trung Quốc nói trên đã tự động rời khỏi đảo. HQ16 trở lại neo đậu tại đông nam đảo Hoàng Sa  khoảng 1 hải lý.

Tiếp đó, sáng 16-1-1974, tàu HQ16 rời đảo Hoàng Sa đi quan sát các đảo khác và nhận thấy đảo Quang Hòa đã bị chiếm đóng công khai, trên đảo có chòi canh, vọng gác cao, gắn cờ Trung Quốc. Một chiếc tàu vũ trang di chuyển quanh đảo. Tàu này rời Quang Hòa theo hướng tây bắc vào giữa buổi sáng. Đảo Duy Mộng không có người nhưng có 2 tàu nhỏ nên HQ16 Lạc không thể quan sát được. HQ16 rời Quang Hòa và Duy Mộng đến đảo Quang Ảnh  và nhận thấy trên đảo có cắm cờ Trung Quốc. Nhân viên tàu HQ16 đổ bộ 16 nhân viên thám sát, phát hiện trên đảo có 6 nấm mộ, 4 cũ và 2 còn mới, trước mỗi nấm mộ đều có gắn bia đá và chữ Trung Quốc. Ngoài  ra còn phát hiện thấy 1 vỏ lựu đạn Trung Quốc, 1 chai rượu Suntory còn ít rượu, 1 hầm trống làm bằng thùng đạn. Nhân viên tàu HQ16 đã gắn 2 lá cờ VNCH trước khi rời đảo về tàu. HQ16 tiếp tục di chuyển về phía đảo Hữu Nhật  phát hiện thấy ở tây nam đảo khoảng 1,5 hải lý có 2 tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc neo cách nhau khoảng 20m mang số 402 và 407. Từ chiếc 407, quân Trung Quốc đang dùng xuồng di chuyển khoảng 1 trung đội sang chiếc 402.

Biết được thực trạng trên, chiều ngày 16, Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tăng cường ra Hoàng Sa HQ4 chở theo một trung đội biệt hải đồng thời chỉ thị cho HQ16 sử dụng 1 tiểu đội chiếm đóng đảo Quang Ảnh.

Mặt khác, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã báo cáo tình hình trên về Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 (QĐ1- QK1). Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho khối hành quân và Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển báo cáo sự kiện trên lên Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải trình bày trực tiếp với Tổng thống VNCH nhân khi ông ta đến thăm Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải, ngày 16-1-1974. Tổng thống VNCH chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, Phó đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, Tổng thống chỉ thị cho Thủ tướng Chính phủ VNCH triệu tập Hội đồng Nội các họp bàn về việc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Tiến sĩ  Trần Công Trục
(còn nữa)