Báo Công An Đà Nẵng

Hoàng Sa trong trái tim người dân Việt

Thứ ba, 09/12/2014 09:18

(Cadn.com.vn) - Qua những dòng thư sâu lắng, họ đã kể về Hoàng Sa, nhắc nhở về huyện đảo Hoàng Sa vẫn còn chia cắt với đất mẹ Việt Nam...

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng
trao giải cho đại diện các tập thể đoạt giải trong cuộc thi.

“Em rất vui và bất ngờ khi bài viết của em đoạt giải", em Hồ Thị Thanh Thảo-lớp 12C1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tâm sự khi nhận giải nhất cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu khối THPT  do Hội Khoa học lịch thành phố và huyện đảo Hoàng Sa tổ chức. Đọc bài viết của nữ sinh lớp 12 này, hẳn nhiều người sẽ hiểu tình cảm và công sức mà  em đã thực hiện. Mường tượng một người anh sống ở thành phố Venice (nước Ý) gởi thư cho mình nhân sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của đất nước, Thanh Thảo thể hiện tâm trạng xót xa, uất nghẹn khi lãnh thổ Tổ quốc bị xâm lấn.

Dẫn bài thơ của thi sĩ miền Bắc khuyết danh viết vào năm 1974: "Xin kể thêm tôi thành mười chín triệu một người/ Trái tim tôi đạp về trong đó/ Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi/ Hoàng Sa - Hoàng Sa", Thảo viết: "Thử tưởng tượng xem, hai bàn tay này là của anh đây, nhưng anh không thể cử động, không thể sử dụng để phục vụ cuộc sống. Tay anh đang bị kẻ khác dẫm đạp lên, đang bị kẻ khác trói buộc, đang bị kẻ khác điều khiển. Và rồi có thể, kẻ đó chiếm nốt luôn chân anh, chiếm luôn trái tim anh, khối óc anh, biến anh thành một sinh vật sống biết nghe lời, không lương tri, không nhận thức, không tình cảm", để rồi Thảo liên tưởng: "Trường Sa- Hoàng Sa đối với Việt Nam cũng như hai bàn tay đối với mỗi công dân vậy".

Thảo tâm sự: "Em rất xúc động khi đọc bài thơ Tưởng niệm Hoàng Sa của thi sĩ khuyết danh và từ lâu em luôn ấp ủ viết một điều gì đó về huyện đảo Hoàng Sa nên chỉ mất 1 giờ là em viết xong bài này. Em chỉ mong góp tiếng nói để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc như lời thơ của thi sĩ khuyết danh, rằng Xin kể thêm tôi thành mười chín triệu một người/ Thành viên gạch hồng tươi/ Làm bức tường thành, ngăn triều sóng dữ"...

Bài viết của Thảo chỉ là một trong hàng chục ngàn bức thư thể hiện tình cảm của tuổi trẻ Đà Nẵng với huyện đảo Hoàng Sa thân yêu - phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép suốt 40 năm qua. Em Phạm Hoàng Oanh, lớp 6/3 Trường THCS Tây Sơn tâm sự: "Khi biết thông tin về cuộc thi, em đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa để viết thư, em vui vì mình đoạt được giải khuyến khích nhưng quan trọng hơn là cuộc thi này đã cho em nhiều kiến thức bổ ích về Hoàng Sa, điều mà trước đây em biết rất mơ hồ, bây giờ em có thể nói với bạn bè về lịch sử quản lý Hoàng Sa của đất nước mình".

Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử”
tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 19-1-2014. Ảnh: TTXVN

Chỉ sau một tháng phát động, cuộc thi Viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu đã tạo được hiệu ứng rất lớn, khi có tổng cộng hơn 86.700 bức thư được viết nắn nót bằng tay, gửi dự thi. Theo thể lệ, đối tượng nhận thư là một người bạn thân đang là học sinh hay sinh viên ở một tỉnh, thành phố trong nước hoặc nước ngoài. Nhưng với nhiều cách thể hiện, các bạn trẻ Đà Nẵng đã vận dụng rất đa dạng và sáng tạo. Từ Malala Yousafzai - nữ sinh 17 tuổi người Pakistan vừa giành giải Nobel Hòa Bình 2014, đến những người bạn cùng lứa tuổi ở Nhật..., những bức thư đã tạo được sự đồng cảm, chia sẻ nỗi khát vọng về một ngày Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ.

Ông Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho biết, Ban giám khảo cuộc thi đã rất khó khăn để chấm chọn những bài viết hay nhất. Các bài viết đã nhắc đến các sự kiện lịch sử liên quan đến Hoàng Sa như một điều tất yếu nhưng không sa vào trần thuật khô khan, đặc biệt là không sa vào kích động hận thù giữa hai dân tộc. "Những bức thư đã tiếp tục khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chỉ nhằm thể hiện thái độ hòa bình và lập trường chính nghĩa của người Việt Nam trước âm mưu độc chiếm biển Đông của nước láng giềng phương Bắc, thể hiện lòng yêu nước, khát vọng cháy bỏng về một ngày đòi lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc. Và tất cả chỉ nói lên một chân lý- Hoàng Sa vẫn luôn ngời sáng trong tâm tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam, trong tâm tưởng của thế hệ trẻ Đà Nẵng và như vậy Hoàng Sa vẫn chưa mất, vẫn chưa thể mất, bởi chỉ mất khi chúng ta đã vĩnh viễn quên đi"-ông Tiếng nói.

Với tình cảm thiêng liêng, cùng với cả nước những bạn trẻ Đà Nẵng vẫn ngày ngày ngưỡng vọng về Hoàng Sa thân yêu. Điều đó cho thấy Hoàng Sa vẫn còn mãi trong lòng dân tộc, không thể nào mất đi.

Hoàng Anh