Báo Công An Đà Nẵng

Hoạt động đầu tư sôi động trở lại

Thứ bảy, 08/10/2022 16:55
Dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radia của DRC tổng vốn 917 tỷ đồng đang được triển khai để nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm.

Tổng cộng 21 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 8,7 ngàn tỷ đồng đã "đổ" về Đà Nẵng kể từ đầu năm đến nay. Đáng nói, số vốn đăng ký đầu tư này đã tăng hơn 266% so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy, 18.158 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài khu vực nhà nước đã được thực hiện tại Đà Nẵng 9 tháng qua, tăng gần 49%. Hoạt động đầu tư sôi động nhất thuộc lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp.

Sau đại dịch, bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại khu vực này. Trong đó, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở, căn hộ thuộc các khu đô thị hoàn chỉnh và tiện ích được "rót" vốn mạnh để đầu tư. Nổi bật như Tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriot và nhà ở của Cty Foodinco; Tổ hợp khách sạn Condo 1 và Condo 2 của Cty Thiên Thai; Khu đô thị Xanh Dragon City Park của Cty Sài Gòn - Đà Nẵng; Khu đô thị Golden Hills của Cty Trung Nam…Ghi nhận tại khu đô thị Goldenhills hiện nay hàng trăm biệt thự, shophouse đang được triển khai xây dựng rầm rộ. Kế đó, Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside rộng 46ha cũng đang được xây dựng với 1.710 lô đất chia lô và 96 nhà vườn quy hoạch trong một khu vực có đầy đủ hệ thống hạ tầng chất lượng, không gian xanh, tiện ích công và dịch vụ khép kín. Hiện dự án đã thực hiện đầu tư được hơn 439 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 605 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhiều dự án cũng được rót vốn mạnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Đơn cử như dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao của Danapha tổng vốn 900 tỷ đồng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; dự án Xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị cơ khí phụ trợ (giai đoạn 2) của Cty Cơ khí Hà Giang Phước Tường; dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radia của Cty Cao su Đà Nẵng (DRC) tại KCN Liên Chiểu. Dự án sản xuất lốp xe tải Radia của DRC có quy mô đầu tư lớn với tổng mức đầu tư gần 917 tỷ đồng, gồm các hạng mục như Nhà hỗn luyện kết cấu thép 3 tầng sàn, Trạm làm mát nước tuần hoàn, Nhà sản xuất lốp ô-tô Radial. Dự án có tổng diện tích hơn 109 ngàn m2, sử dụng công nghệ mới và hiện đại nhất trong lĩnh vực sản xuất lốp cao su. Khởi công từ tháng 6-2022, hiện dự án đã thực hiện được 6,2 tỷ đồng vốn đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ nâng công suất sản xuất lốp radial từ 600 nghìn lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm, qua đó giúp phát triển mạnh thương hiệu sản phẩm lốp Radial, trở thành niềm tự hào của ngành săm lốp ô-tô cả nước.

Hạ tầng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng tại Hòa Liên đang được đầu tư mạnh để đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài đầu tư mới thì nhiều dự án sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng vốn, mở rộng và triển khai giai đoạn đầu tư tiếp theo. Thống kê cho thấy 9 tháng qua có 22 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, mở rộng đầu tư. Tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tiếp tục đẩy mạnh đầu tư giai đoạn tiếp theo. Dự án này có diện tích 170 nghìn m2 và tổng mức đầu tư lên đến 3.943,2 tỷ đồng. Sản phẩm chính của dự án là linh kiện máy bay cho các công ty hàng không hàng đầu thế giới như Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier và các chuỗi cung ứng liên quan của họ. Từ khi khởi công đến nay, dự án đã thực hiện được 2.211 tỷ đồng, đạt 56,07% tổng mức đầu tư. Để mở rộng quy mô, tăng công suất, đồng thời hướng đến năng lực sản xuất bền vững trong môi trường cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn đầu tư, ưu tiên vốn xây lắp, mua sắm tài sản. Từ đầu năm đến nay vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại Đà Nẵng đạt 23.451 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản cũng tăng hơn 46% với 3.821 tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghệ thông tin cũng được ghi nhận thu hút dòng vốn đầu tư "chảy" vào mạnh mẽ từ sau đại dịch. Sự gia tăng này không chỉ đến từ các dự án đầu tư công trong lĩnh vực công nghệ thông tin do thành phố cấp vốn, mà còn từ đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành như Cty D-Soft, Cty Ubisoft Việt Nam, Cty Evizi Việt Nam…Hiện nhiều dự án về CNTT có số vốn lớn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Nổi bật như dự án Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 2 với diện tích 210 ha tổng mức đầu tư 74 triệu USD của Trungnam Group. Sau đại dịch, chủ đầu tư đang đẩy tiến độ để hoàn thiện 5 nhà máy quy mô từ 4.000 - 6.000m2/sàn tại phân khu sản xuất; triển khai 64 căn biệt thự thuộc khu chuyên gia, trong đó đã hoàn thành 4 căn biệt thự mẫu theo tiêu chuẩn 5 sao.

Chủ đầu tư cũng đã triển khai đầu tư đồng bộ khu công viên sinh thái, sân bóng đá, sân tennis, club house... Với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng mới đây đã thu hút được dự án Trung tâm Nesta Đà Nẵng với quy mô gần 29.000m2, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2024. Nhiều nhà đầu tư khác đến từ Ba Lan, Hàn Quốc, Đức, Singapore cũng đã làm việc, tham quan, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.

Có thể thấy, sau đại dịch Covid-19, các hoạt động đầu tư tại Đà Nẵng đang dần sôi động trở lại. Các dự án đã được cấp phép đầu tư hoặc đang triển khai nhưng gặp đại dịch chưa thể khởi công, bị gián đoạn thì nay đã phục hồi trở lại, dòng vốn đổ vào đầu tư các dự án tại Đà Nẵng đã tăng đột biến. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế Đà Nẵng đang mở rộng về qui mô, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch.

HẢI QUỲNH

Thêm 2 dự án đô thị lớn

Liên danh Cty Olympia và Sun Group vừa gửi hồ sơ đăng ký đầu tư 2 dự án đô thị mới tại huyện Hòa Vang với tổng vốn đầu tư gần 2.150 tỷ đồng. Theo đó, dự án Khu biệt thự sinh thái phía Tây đường tránh Nam Hải Vân với 1.952 nhà phố liền kề, 115 biệt thự, 394 căn chung cư…tổng vốn 1.372 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022 tới năm 2026. Dự án Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông tại xã Hòa Nhơn với 92 căn biệt thự nhà vườn, trạm dừng chân rộng hơn 10,2 ngàn m2, các công trình thương mại, dịch vụ…tổng vốn đầu tư 771 tỷ đồng.