Hoạt động không phép, Grab car tung hoành Đà Nẵng (2)
* Bài cuối: Vì sao Đà Nẵng chưa chấp nhận Grab car?
(Cadn.com.vn) - UBND TP Đà Nẵng đã chính thức có văn bản gửi Bộ GTVT về việc chưa thí điểm triển khai ứng dụng Grab car trên địa bàn. Còn ông Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng so sánh: “Nếu để Grab car hoạt động vận chuyển khách như taxi truyền thống thì rõ ràng là không công bằng. Giống như một người tự do thi đấu với người bị trói tay chân!”.
Ông Võ Thành Nhân: “Grab car cạnh tranh với taxi như người tự do |
Hiện đại, tiện ích nhưng không công bằng
Đại diện các hãng taxi trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết, từ khi Grab car phát triển ồ ạt, taxi truyền thống bị chia sẻ khách hàng, công suất hoạt động của các đầu xe ít đi dẫn đến doanh thu giảm rõ rệt. Với thao tác đơn giản là cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dùng có thể gọi xe bất cứ lúc nào, chọn bất cứ xe nào sau khi biết giá cước hiển thị trên màn hình. Một lợi thế khác để Grab car hút lượng lớn khách là tất cả xe tham gia loại hình vận tải này đều là xe mới, sản xuất từ năm 2010 trở về sau. Tại Đà Nẵng, không chỉ lượng ô-tô cá nhân tham gia hình thức này ngày một đông mà đã xuất hiện rất nhiều đầu xe của các tỉnh, thành phố phía Nam, Tây Nguyên và miền Bắc.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa, nhìn nhận, về mặt công nghệ đây là hình thức vận tải hiện đại, tiện ích, giá cả trong thời điểm này cũng tương đối hợp lý. Cái vô lý là Grab car hoạt động như taxi nhưng lại không tuân thủ một quy định nào. Một chiếc taxi lăn bánh trên đường phải đảm bảo rất nhiều yếu tố như đồng hồ tính tiền, định vị, phù hiệu, giá cước, logo, số điện thoại, màu sắc nhận diện, trước đó là các thủ tục pháp lý khác. Trong khi đó, xe chạy theo hình thức Grab là tập hợp các loại ô-tô cá nhân, ai cũng có thể tham gia. “Cạnh tranh rõ ràng là không lành mạnh. Chúng tôi đóng 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, 10% thuế giá trị gia tăng, doanh thu đều thể hiện trên hóa đơn, chứng từ. Còn Grab car thì không ai quản lý được doanh thu” - ông Hiền cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thành Nhân cho hay, hiện tại đã xuất hiện nhiều ô-tô của các tỉnh ngoài tham gia Grab tại Đà Nẵng. Nhiều tài xế từ các địa phương như Kon Tum, Quảng Nam, Huế, TPHCM, Hà Nội tới Đà Nẵng thuê lại phương tiện để kinh doanh Grab car. Theo ông Nhân, Grab car không thực hiện đúng nội dung đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Bộ GTVT mà thực chất đây là kinh doanh vận tải taxi trá hình. Một xe taxi đủ điều kiện chạy trên đường phải đáp ứng được ít nhất 13 tiêu chí, hoạt động theo các quy định của pháp luật, phải đóng thuế cho Nhà nước. Trong khi đó loại hình Grab car chỉ cần có chiếc xe nhàn rỗi, cài đặt ứng dụng là có thể nhận chở khách bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào, không quản lý được. Doanh nghiệp có quyền kinh doanh các lĩnh vực Nhà nước không cấm, nhưng phải sòng phẳng, trong khuôn khổ của pháp luật. “Thực tế là họ đang đánh tráo khái niệm vận chuyển khách theo hợp đồng và vận chuyển khách bằng taxi vốn được quy định rất chặt chẽ trong nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ GTVT và quyết định quản lý quy hoạch taxi của UBND TP Đà Nẵng. Điều này thể hiện sự bất chấp pháp luật. Như thế này giống một người tự do đánh nhau với một người bị trói tay chân. Không chỉ thiếu công bằng với taxi truyền thống mà nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như ATGT, ATNN, trách nhiệm với khách hàng” - ông Nhân cho hay.
Thanh tra giao thông lập biên bản một xe Grab đón chở khách trái quy định. |
Vì sao Đà Nẵng chưa thí điểm Grab car?
Trong văn bản gửi Bộ GTVT về việc chưa thí điểm triển khai ứng dụng Grab car trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng phân tích 4 điểm tương đồng của loại hình vận tải này với taxi truyền thống. Đó là cùng sử dụng ô-tô dưới 9 chỗ ngồi, cùng phạm vi hoạt động trên địa bàn, cùng hình thức gọi xe (qua tổng đài và phần mềm ứng dụng trên Internet), giá cước/giá hợp đồng tính theo ki-lô-mét lăn bánh, hình thức thanh toán linh hoạt (tiền mặt hoặc thẻ). Về cơ bản loại hình kinh doanh vận tải này hoạt động tương tự taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ cạnh tranh trực tiếp với 1.700 xe taxi đang được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố. Việc thí điểm triển khai mô hình Grab car tại Đà Nẵng vào thời điểm hiện tại sẽ làm gia tăng số lượng ô-tô dưới 9 chỗ ngồi, làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND thành phố phê duyệt, gây nên kẹt xe, ùn tắc giao thông. Trong khi đó tình hình nhu cầu vận tải hành khách hiện đang hoạt động ổn định.
“Với tốc độ phát triển và điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay, TP Đà Nẵng đã và đang nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ngày một phức tạp. Do đó, UBND thành phố có văn bản gửi Bộ GTVT về việc chưa thí điểm triển khai ứng dụng Grab car tại thời điểm hiện nay” - văn bản do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ghi rõ.
Trước sự “đổ bộ” của Grab car, lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, hiện lực lượng Thanh tra Sở GTVT đang tăng cường lực lượng tuần tra trên toàn địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực Sân bay Đà Nẵng và các khu điểm du lịch. Nếu phát hiện các xe chạy trái phép sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 46 của Chính phủ. Vào năm 2016 loại hình vận tải trá hình này bắt đầu quảng cáo ở Đà Nẵng nhưng vì thành phố chưa cho phép triển khai nên Sở GTVT đã yêu cầu tháo tất cả các biển quảng cáo tại sân bay và các địa điểm khác. Theo ông Nguyễn Trần Hoàng - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, thời gian qua đơn vị đã phát hiện và xử lý 2 trường hợp chở khách theo hình thức Grab car, mỗi trường hợp bị phạt 1,5 triệu đồng, tước phù hiệu 2 tháng. “Chúng tôi đang tiếp tục mời 9 trường hợp lái xe, chủ xe lên để xử lý nguội. Sắp tới, toàn lực lượng sẽ tiếp tục mật phục, kiểm tra và xử phạt nghiêm” - ông Hoàng cho hay.
Hoàng Nam - Đông A