Báo Công An Đà Nẵng

Hoạt động nhà hát Trưng Vương: Khởi sắc từ tư duy mới

Thứ bảy, 29/09/2018 10:21

Vinh dự đăng cai Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018, Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng không chỉ khiến các đoàn nghệ thuật trầm trồ về năng lực tổ chức sự kiện mà còn tạo ra “bước nhảy” ấn tượng khi lần đầu tiên giành tấm huy chương vàng. Ca sĩ Quang Hào–Giám đốc nhà hát tâm sự, khi định hình được mục tiêu, những người trẻ đã sẵn sàng để tạo ra làn gió mới.

Những diễn viên trẻ góp công sức cho Nhà hát Trưng Vương tạo nhiều dấu ấn trong hoạt động tổ chức, biểu diễn thời gian qua.

Từ tấm huy chương vàng đầy cảm hứng…

Thú thực, trước ngày khai mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 2), tôi vẫn thầm nghĩ là kiểu gì rồi Nhà hát Trưng Vương cũng sẽ có huy chương vàng, chí ít cũng nằm trong top đầu trong tổng số 18 đoàn nghệ thuật tham gia. Vì đơn giản là như nhiều người khác, tôi vẫn có tư duy về lợi thế của chủ nhà, đơn vị tổ chức trong các cuộc thi về thể thao, văn hóa văn nghệ. Nhưng rồi trong đêm mở màn, với tư cách là đơn vị nổ “phát súng lệnh” cho liên hoan, chương trình “Chuyện Tiên Sa” của đại diện thành phố biển đã khiến khán phòng Nhà hát Trưng Vương trải qua nhiều cảm xúc trong suốt tiếng rưỡi đồng hồ. Gần như chưa bao giờ nhà hát có một chương trình tự sản xuất lắng đọng và giàu cảm xúc đến thế. “Chúng tôi xem đó là một buổi tối thăng hoa khó quên trong nghiệp diễn. Anh chị em nghệ sĩ, diễn viên đầu tư cả năm trời cho 90 phút trên sân khấu. Tấm huy chương vàng đầu tiên của nhà hát trong các kỳ liên hoan ca múa nhạc toàn quốc là phần thưởng xứng đáng, cũng là cảm hứng mới cho một hành trình mới”, ca sĩ Quang Hào tâm sự.

Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cho biết, anh tiếp quản công việc trong bối cảnh hết sức khó khăn về nhân sự, về cơ chế và kinh phí hoạt động trước yêu cầu phải từng bước tự chủ, xã hội hóa, cắt dần các khoản đầu tư hàng năm từ ngân sách. So với việc đứng trên sân khấu và hát, nhiệm vụ quản lý, tìm ra hướng đi mới, tư duy mới cho 70 con người là không hề đơn giản. “Ôm cặp” đi học khắp nơi, chạy đôn chạy đáo để tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố, các sở ngành, cựu á quân Sao Mai lúc đó đã khiến đội ngũ diễn viên của Nhà hát bị “sốc” khi mang về một giáo án giải phóng hình thể dưới sự dẫn dắt của chuyên gia, biên đạo múa quốc tế Hani Abaza đến từ Canada. “Một khóa học căng thẳng, nhiều người từng muốn bỏ cuộc vì chưa bao giờ họ làm việc với cường độ như vậy. Nhưng rồi chúng tôi đã vượt qua, và đó được xem là bài tập bổ trợ hiệu quả nhất, là bước ngoặt làm nền cho những thành công hôm nay”, Quang Hào tâm sự và khẳng định đó là sự kiện làm đổi thay tư duy về nghiệp diễn, thay đổi ý thức của diễn viên, ca sĩ trước công chúng.

Có một sự đổi thay rất “nghịch lý” ở Nhà hát Trưng Vương trước và sau khi bước vào lộ trình tự chủ theo chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố. Đó là khi được ngân sách bao cấp thì tính đi tính lại cũng chỉ có những con người quen thuộc, vừa đủ cho nhiệm vụ chính trị và một ít chương trình vừa phải. Nhưng kể từ khi thành phố bắt đầu cắt dần các khoản chi phí thường xuyên, nghĩa là “lương cứng” bị ảnh hưởng thì nhiều gương mặt mới có sức hút, có tên tuổi lại về đây đầu quân. Bên cạnh những gương mặt từng gắn bó và trở thành bộ khung của Đoàn ca múa nhạc, những cái tên mới được nhiều người yêu thích như Thái Bình, Vũ Bảo, Thanh Trang… tìm về, sinh viên khá giỏi tốt nghiệp các trường âm nhạc cũng đến tìm cơ hội. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ca sĩ trẻ Vũ Bảo tâm sự: “Từ việc cộng tác với Nhà hát, tôi đã cảm nhận được môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp và năng động hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng có cơ hội thể hiện mình và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân thành phố”.

…đến một cơ chế đặc thù

Ngoài vài cái tên có xuất phát điểm thuận lợi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nhà hát thành phố. Đây được xem là xu thế tất yếu để nâng cao tính tự chủ trong cơ chế hoạt động, hạn chế sử dụng ngân sách, thoát khỏi sức ỳ, nâng cao chất lượng tổ chức, biểu diễn cũng như đem về những chương trình hấp dẫn phục vụ người dân. Trước khi bước vào lộ trình tự  chủ, trung bình mỗi năm ngân sách thành phố cấp về khoảng 5 tỷ đồng để trả lương và duy trì các hoạt động. Nhưng bắt đầu từ năm 2017, ngân sách bắt đầu cắt giảm 20%, 2018 là 60%, đến năm 2019 sẽ là 80% và Nhà hát sẽ tự chủ hoàn toàn vào năm 2020. Theo bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, cơ chế tự chủ cho Nhà hát Trưng Vương hướng đến mục đích đổi mới toàn diện, đẩy mạnh việc giao quyền về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, cung cấp dịch vụ sự nghiệp ngày càng tốt hơn. Đây sẽ là áp lực rất lớn của ngành văn hóa nói chung và Nhà hát nói riêng nhưng cũng là động lực cho sự đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên cũng như các sản phẩm giải trí, thu hút nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng để phục vụ nhu cầu thưởng thức của mọi tầng lớp nhân dân. Bà An cũng cho biết thành phố rất quan tâm và đang tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất để nhà hát có thể vững vàng trong cơ chế thị trường.

Nếu không bắt tay vào quá trình tự chủ với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố thì Nhà hát Trưng Vương gắng lắm chỉ ở mức độ “tròn vai” trong các nhiệm vụ chính trị. Sự khởi sắc trong khoảng 2 năm qua gần như là bước tái cơ cấu cho chặng đường nhiều khó khăn sắp tới. Giám đốc Quang Hào tâm sự, với việc có đất diễn thường xuyên, diễn viên, ca sĩ của Nhà hát trở nên năng động và tương tác nhiều hơn với công chúng. Cuộc sống, thu nhập cũng được cải thiện tỷ lệ thuận với những đóng góp trong công việc chuyên môn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ chế tự chủ, nhà hát chưa khai thác hết công năng nhưng do chưa có cơ chế đặc thù nên nhiều lúc cái khó bó cái khôn. “Bộ máy cơ bản đã ổn, đối tác trong hoạt động tổ chức biểu diễn cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhưng một thiết chế văn hóa như Nhà hát Trưng Vương, với nhiệm vụ lớn hơn mà chỉ dừng lại chừng đó thì chưa đủ. Muốn sôi động lên như ở hai đầu đất nước thì mỗi mét vuông ở đây phải được khai thác một cách hợp lý để có thể trang trải các khoản chi phí, nhưng còn vướng quá nhiều. Chúng tôi đang tham mưu Sở để có thể đề xuất một cơ chế đặc thù khả dĩ cho nhà hát xứng với tầm vóc của mình”, Quang Hào trăn trở.

ĐÔNG A