Hoạt động tình nguyện phải an toàn, lành mạnh và chuyên nghiệp hơn
(Cadn.com.vn) - Tháng 7 đang là tháng cao điểm của chiến dịch tình nguyện mùa hè. Trước những vấn đề liên quan đến an toàn trong hoạt động tình nguyện, đặc biệt sau sự việc đáng tiếc của ba sinh viên trường Đại học Ngoại thương, Trung ương Đoàn, các cấp bộ Đoàn, Hội đang triển khai nhiều biện pháp để tăng cường an toàn, hiệu quả cho hoạt động tình nguyện. Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết, sau vụ việc đáng tiếc của ba nữ sinh xảy ra tại Quảng Ninh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã có văn bản chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội trong cả nước thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Chiến dịch hè tình nguyện 2016. “Các cấp bộ Đoàn, Hội trong cả nước cũng cảm thấy đây là trách nhiệm của mình và tiến hành rà soát, chuẩn bị, tiếp tục tập huấn và đặc biệt là gắn các đội tình nguyện với cơ sở trong việc tham gia hoạt động, gắn trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Đoàn tại cơ sở với lãnh đạo của hội, nhóm thanh niên tình nguyện. Bất kỳ cơ sở Đoàn, Hội, doanh nghiệp hay cá nhân tổ chức đều phải gắn với cơ sở và cơ sở cũng phải báo cáo lên cấp trên về hoạt động tình nguyện tại địa phương để yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu”-anh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề an toàn trong hoạt động tình nguyện, anh Nguyễn Phi Long cho biết: “Với thời gian tổ chức chiến dịch hè trên địa bàn rộng lớn thì chắc chắn không thể tránh khỏi việc này việc khác, đặc biệt là có nơi còn tổ chức hoạt động mang tính phô trương, hình thức, chưa hiệu quả, hoặc là có những trường hợp rất thương tâm như là trường hợp 3 bạn sinh viên trường Đại học Ngoại thương trong chuyến đi tình nguyện tại Quảng Ninh. Do vậy, các cấp, cơ sở Đoàn, Hội trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện phong trào phải đặt an toàn của các bạn thanh niên tình nguyện lên hàng đầu, tiếp tục quan tâm tới phương châm chỉ đạo của chiến dịch đó là an toàn, hiệu quả và thiết thực”.
Bóng áo xanh của thanh niên tình nguyện đã quá quen thuộc với nhiều người dân |
Năm 1994, bắt đầu từ các hoạt động xóa mù chữ với tên gọi “Ánh sáng mùa hè xanh” do các bạn thanh niên TPHCM tổ chức, đến nay sau 17 năm, phong trào thanh niên tình nguyện đã trở thành một trong những phong trào đáng tự hào của thanh niên Việt Nam. Ý nghĩa lớn nhất của hoạt động tình nguyện đối với mỗi thanh niên là sự trưởng thành về mặt nhận thức, hoàn thiện về nhân cách. Chính các bạn thanh niên mới đánh giá được kết quả mang lại cho bản thân mình qua hoạt động tình nguyện. Các hoạt động tình nguyện tạo được môi trường cho thanh niên hiểu được khó khăn của đất nước, đồng bào vùng sâu vùng xa, hiểu được những điều đất nước cần ở thanh niên. Thông qua mỗi hoạt động, chiến dịch tình nguyện, các bạn sinh viên sẽ trưởng thành về mặt nhận thức, tự xác định được mục tiêu phấn đấu của mình và trách nhiệm của tuổi trẻ với nhân dân, Tổ quốc.
Về cách thức tổ chức hoạt động tình nguyện trong thời gian tới và trong những năm tiếp theo, anh Nguyễn Phi Long cho biết, Đoàn Thanh niên sẽ lấy phương châm hoạt động tình nguyện tại chỗ là hoạt động nòng cốt của phong trào thanh niên tình nguyện. ”Nếu chúng ta phát huy được và triển khai được các hoạt động tình nguyện tại chỗ với bề sâu và chiều rộng, chúng ta sẽ có con người tại chỗ, công việc tại chỗ và chỉ đạo tại chỗ. Như vậy, ta sẽ không gặp những sự cố liên quan đến việc di chuyển các bạn thanh niên tình nguyện từ thành phố về nông thôn, miền núi, hải đảo; tránh được những trường hợp không may khi thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, ảnh hưởng đến an toàn của các bạn” - anh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo các hoạt động tình nguyện để đảm bảo đúng các yêu cầu đã đặt ra của Trung ương Đoàn thì môi trường hoạt động tình nguyện của thanh niên phải an toàn, lành mạnh và chuyên nghiệp hơn. Mỗi bạn trẻ sẽ tham gia hoạt động tình nguyện phù hợp với mong muốn, nhu cầu, sở trường, trình độ chuyên môn của mình. Như vậy, phong trào sẽ phát triển bền vững.
C.N