Báo Công An Đà Nẵng

Học sinh cần ứng xử thông minh với mạng xã hội: Thế giới ảo nhưng hậu quả thật

Thứ năm, 05/12/2019 14:52

Mạng xã hội (MXH) hiện nay như đời sống xã hội thứ hai của phần lớn học sinh. Thế giới mạng là ảo nhưng ảnh hưởng của nó đến học sinh là thật. Trong khi đó, sự quan tâm, định hướng của nhà trường và gia đình còn khá mờ nhạt.

Học sinh cần sử dụng mạng xã hội thông minh.

Khi MXH là tri kỷ

Đối với học sinh phổ thông, MXH là một phần không thể thiếu trong đời sống của các em. Các em có thể chia sẻ mọi thông tin của bản thân lên MXH, nhưng lại không thể tâm sự với cha mẹ. Các em tìm kiếm giải pháp cho mọi vấn đề bằng cách lên mạng tìm hiểu, nhắn tin qua MXH để hỏi bạn bè và mù quáng tin tưởng những lời khuyên mà thiếu đi sự phân tích.

Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau từ mâu thuẫn trên Facebook cho thấy, các em đang sử dụng MXH theo chiều hướng tiêu cực, đáng báo động. Điển hình như các vụ đánh nhau của học sinh do mâu thuẫn trên MXH. Các hình ảnh bạo lực này còn được người tham gia ghi lại và đưa lên Facebook. Hay mới đây, một nam sinh lớp 8 có hành vi xúc phạm nhân phẩm một ban nhạc Hàn Quốc và cộng đồng hâm mộ họ trên Facebook khiến bản thân, gia đình và cả gia đình bị hăm dọa. "Lời khuyên của bạn bè qua MXH nhiều và đa dạng, nhưng chủ yếu là hùa vào và tâm lý đám đông. Nếu không tỉnh táo, rất dễ bị cuốn vào và đẩy sự việc đi xa, khó kiểm soát. Lúc ấy, dù có muốn tìm lời khuyên nào đó của người lớn cũng không dễ vì áp lực đám đông rất khó chịu, gần như không thể chống lại", một học sinh chia sẻ.

Có khá nhiều học sinh cho biết không muốn tìm tư vấn của người lớn mà thường chia sẻ sự việc trong nhóm kín chỉ có bạn bè cùng lứa tuổi. Đối với các em, "cách giải quyết của người lớn không nhanh, không hiệu quả và chúng em hoàn toàn tự giải quyết được"... và phần lớn các em tin vào những lời khuyên xuất phát từ MXH không một chút đắn đo.

Cần "vẽ đường đúng cho hươu chạy thẳng"

Nhiều phụ huynh "than trời" khi thấy con mình nghiện MXH. Họ tìm mọi cách ngăn cản, kiểm soát thời gian trực tuyến của con mình bằng cách tịch thu điện thoại, không lắp thiết bị Internet ở nhà. Thế nhưng, tất cả những việc làm đó cũng không kéo con họ trở lại gần gũi và chia sẻ với bố mẹ.

Dù rằng phụ huynh luôn lo lắng việc cho phép hay không cho phép con sử dụng MXH thì với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, việc ngăn cản trẻ tiếp cận với internet là điều không thể. Do đó, thay vì cấm phụ huynh hãy "vẽ đường đúng cho hươu chạy thẳng" bởi hiểu biết về mạng thực sự có ích cho trẻ sau này. "Nếu bị hạn chế tiếp xúc với MXH, trẻ sẽ thiệt thòi vì thiếu kiến thức, nhất là trong môi trường công việc, các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống số đầy cạnh tranh. Hơn nữa, nếu các em không được trang bị tốt thì cảm xúc của các em sẽ không được phát triển lành mạnh. Trẻ rất dễ bị cuốn theo các trào lưu xấu ở trên mạng, nếu các em không có bản lĩnh", Tiến sĩ Vũ Ngọc Phan, giảng viên Đại học Phenikaa  nhận định. Ông Vũ Ngọc Phan cho rằng, nên dạy trẻ em không coi internet là rủi ro, nguy cơ mà là cái gì rất gần gũi với chúng. Thay vì chỉ đạo, ngăn cản hãy khuyến khích trẻ hướng đến những lợi ích và tận dụng được sự phát triển của internet, đó là cách thay đổi tư duy về giáo dục - đào tạo trẻ trong vấn đề này.

Ngoài ra, để uốn nắn những việc làm chưa đúng hoặc những nguy cơ xấu có thể xảy ra mà không can thiệp quá sâu vào chuyện cá nhân của học sinh, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và tổ chức đoàn thể của trường học phải luôn tích cực nắm bắt, tìm hiểu đời sống học sinh trên MXH. Bên cạnh đó, các giáo viên cần hướng học sinh sử dụng thời gian và điện thoại, máy tính vào việc học, hoặc dùng MXH để tìm thông tin hay, phục vụ cho việc học tập. Quan trọng hơn cả là sự song hành của gia đình và nhà trường trong việc định hướng thông tin, làm gương để trẻ học tập, noi theo, từ đó có một thái độ ứng xử tích cực đối với MXH.

NGUYỄN CÚC