Học sinh trường làng đam mê sáng tạo khoa học
(Cadn.com.vn) - Dù điều kiện học tập còn khó khăn, thiếu thốn nhưng với niềm đam mê sáng tạo khoa học, em Lê Ngô Duy Phong và Trần Đăng Khoa (HS lớp 12 Trường THPT Phú Bài, TX. Hương Thủy, TT-Huế) đã sáng tạo thành công các sản phẩm: “Găng tay thông minh cho người khiếm thị”, “Mũ bảo hiểm thông minh ngăn người say rượu lái xe máy”...
Sẻ chia với người khiếm thị
Một lần người cậu ruột ở Đồng Tháp về thăm quê, nhìn cậu sinh hoạt, đi lại khó khăn với đôi mắt mù lòa do hậu quả chiến tranh để lại mà Phong rất xót xa. Phong mong muốn làm một điều gì đó để giúp cho cậu mình và những người cùng cảnh ngộ đỡ vất vả hơn. Một buổi chiều tan học, Phong đạp xe từ dưới quê lên Hội người mù tỉnh TT-Huế ở đường Phan Bội Châu để tiếp xúc với những người mù ở đây. Phong nhận thấy chiếc kính mà người khiếm thị đang sử dụng vẫn còn điểm khuyết và em nhận ra rằng họ cần một sản phẩm trợ giúp hiệu quả hơn.
Sản phẩm găng tay thông minh cho người khiếm thị. |
Qua những lần tham khảo trên mạng, Phong nảy sinh ý tưởng chế tạo “Găng tay thông minh cho người khiếm thị”. Khi đưa ý tưởng này trình bày với thầy giáo Hoàng Minh, Hiệu phó nhà trường thì Phong được ủng hộ, giúp đỡ. Sau một thời gian bắt tay vào nghiên cứu, sản phẩm “Găng tay thông minh cho người khiếm thị” của Phong đã hoàn thiện. “Sản phẩm này là tổ hợp các chức năng như sử dụng máy tính và chức năng nghe gọi của điện thoại, gậy dò đường để hỗ trợ cho người khiếm thị tận dụng được tối đa các giác quan như xúc giác, khứu giác để hòa nhập cuộc sống dễ dàng hơn. Hệ thống bàn phím trên đôi găng tay đều được phát triển dựa trên bảng chữ nổi Braille”, Phong nói về công dụng.
Theo Phong, mỗi đôi găng tay thông minh cho người khiếm thị khi hoàn chỉnh có giá 800 ngàn đồng. Các linh kiện của sản phẩm đều do nước ngoài sản xuất được đặt mua ở TP HCM. Với sản phẩm găng tay thông minh cho người khiếm thị, năm lớp 11, Phong đạt giải nhất cấp tỉnh, khuyến khích cấp quốc gia…
An toàn tính mạng cho người đi đường
Sau những giờ học thêm vào buổi tối, đạp xe trên QL1A về nhà, em Trần Đăng Khoa đã chứng kiến không ít vụ TNGT do những người uống rượu bia gây ra. Từ đó em tự đặt câu hỏi: Vì sao không thử sáng tạo một thiết bị gắn trên mũ bảo hiểm (MBH) để ngăn ngừa người say rượu lái xe máy?. Vốn là học sinh giỏi môn vật lý và tin học nên khi nghĩ ra đề tài trên, giữa năm 2015, Khoa đã bắt tay vào sáng chế. Sau gần 1 năm nghiên cứu, được sự giúp đỡ của thầy cô, Khoa đã sáng tạo thành công sản phẩm MBH thông minh.
Em Trần Đăng Khoa giới thiệu về sản phẩm “Mũ bảo hiểm thông minh |
Theo mô tả của Khoa, chiếc MBH thông minh gồm các bộ phận như: cảm biến nồng độ cồn; bộ phận thu phát sóng RF; Module cảm biến và bảng mạch điện tử gắn với một số bộ phận ở xe máy. “Về cơ bản, bộ cảm biến đo nồng độ cồn trong MBH giống như bộ cảm biến trong máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT. Vì thế, khi người lái xe có uống rượu bia và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 40% mức cho phép thì bộ cảm biến gắn trên mũ sẽ tự động ngắt mạch điện được nối với bình ắc quy khiến xe tắt máy không nổ. Mặt khác, nếu hơi thở có nồng độ cồn nhỏ hơn 40% thì cảm biến này sẽ điều chỉnh vận tốc tối đa xe máy là 30km/h để giúp người điều khiển chạy chậm, đảm bảo ATGT”, Khoa nói về chức năng của MBH thông minh.
Sáng tạo thành công chiếc MBH đặc biệt này, mới đây, Khoa đã được Quỹ Hỗ trợ sáng tạo khoa học Việt Nam và T.Ư Đoàn Thanh Niên trao tặng bằng khen. Ngoài công trình kể trên, Khoa còn sáng chế hệ thống xử lý rò rỉ gas và báo động hỏa hoạn. Công trình này đã đạt giải tại cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên- Nhi đồng tỉnh TT-Huế và cuộc thi sáng tạo KH- KT cấp quốc gia.
Thầy Hoàng Minh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài nhận xét: Một trong số công trình của Khoa được các chuyên gia khoa học đánh giá cao là sản phẩm MBH thông minh. Bởi, chi phí lắp ráp linh kiện để sản xuất mũ khoảng 500 ngàn đồng nhưng lại có ứng dụng cao vào thực tiễn. Sắp tới, nhà trường sẽ kết nối để giúp em đưa sản phẩm ra thị trường.
H.Lan