Báo Công An Đà Nẵng

Học tiếng đồng bào để gần dân hơn

Thứ bảy, 26/10/2024 09:30
Lớp học tiếng Mông do cán bộ trong ĐBP Na Ngoi thực hiện cho các học viên trong đơn vị.

Xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là địa bàn biên giới vùng sâu, vùng xa, giáp với nước bạn Lào, điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.

ĐBP Na Ngoi đóng chân trên địa bàn chịu trách nhiệm quản lý hơn 16km đường biên. Nơi đây đa số đồng bào là người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 85%, vì vậy, nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Mông của CBCS vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Nắm được tinh thần này, Ban chỉ huy ĐBP Na Ngoi đã quyết định mở các lớp học tiếng Mông. Đây là lớp học đặc biệt cả về học viên lẫn giáo viên bởi giáo viên giảng dạy là cán bộ của đồn và cũng là con em đồng bào người Mông. Ngoài các buổi học tập trung, đơn vị còn phân chia thành từng nhóm, đội công tác do một cán bộ người Mông phụ trách giúp đỡ các thành viên của lớp.Cứ đến giờ học, không khí lại sôi nổi, học viên dù nhiều tuổi nhưng luôn chăm chú nghe giáo viên truyền đạt kiến thức…Sau khi kết thúc khóa học, hàng chục CBCS đọc thông, viết thạo tiếng Mông để thuận tiện trong giao tiếp với đồng bào.

Là người có nhiều năm công tác trong lực lượng BĐBP Nghệ An ở nhiều địa bàn khác nhau, Thiếu tá Già Bá Ná (người Mông) được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ soạn giáo án dạy và trực tiếp lên lớp cho CBCS trong đơn vị. Thiếu tá Già Bá Ná cho biết, để có được các bài giảng phù hợp với CBCS trong đơn vị, anh đã mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị nội dung giảng dạy. Đặc biệt, ngôn ngữ phải gần gũi với thực tế cuộc sống để CBCS đơn vị tiếp xúc với đồng bào. “Trong tiếng Mông có từ phát âm nặng, từ nhẹ nên tôi đã truyền đạt cho người học cách phát âm sao cho đúng âm điệu của từng vùng. Như vậy, người học sẽ dễ hiểu, dễ tiếp thu và khi giao tiếp trực tiếp với người dân đồng bào cũng dễ dàng hơn” - Thiếu tá Ná chia sẻ.

Ngoài giúp học viên ôn luyện lại các nội dung đã học, củng cố thêm ngữ pháp, phát âm, trong các giờ học còn có sự trao đổi, tạo các tình huống khi gặp gỡ, tiếp xúc với đồng bào từ già đến trẻ. Những tình huống này có sự hỗ trợ của các CBCS người Mông. Đây là phương pháp góp phần nâng cao chất lượng cho các buổi học.

Theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành - Chính trị viên ĐBP Na Ngoi, hàng năm đơn vị xây dựng kế hoạch mở lớp ngay từ đầu năm. Trừ CBCS là người Mông, còn lại tất cả CBCS trong đơn vị đều tham gia lớp học này. Đơn vị cũng giao cho các đồng chí là người dân tộc Mông công tác tại đơn vị có khả năng sư phạm lên lớp. Giữa kỳ, đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm cho kỳ tiếp theo, qua đó, kịp thời thay đổi phương pháp dạy học để người học dễ tiếp thu hơn.

Học đi đôi với hành, sau khi hiểu được tiếng đồng bào, các CBCS ĐBP Na Ngoi đã hỗ trợ, giúp người dân phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu, các CBCS biết được gia đình ông Xồng Gà Lầu, bản Na Cáng, xã Na Ngoi có hoàn cảnh khó khăn. ĐBP Na Ngoi đã trích kinh phí mua 50 con ngan giống, 1.000 con cá giống các loại để hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Đơn vị đã cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi con giống. Nhờ vậy, mô hình của ông Lầu đã cho thu nhập ổn định, có nguồn trang trải cuộc sống, trở thành mô hình cho dân bản học tập.

Việc học tiếng đồng bào giúp CBCS gần dân, hiểu dân hơn.

Thiếu tá Lê Huy Hảo - Đội trưởng đội Trinh sát ĐBP Na Ngoi cho biết, đặc thù xã Na Ngoi đa số là đồng bào người Mông, do đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác thì việc thông thạo tiếng nói của người Mông có ý nghĩa rất quan trọng. Xã hội ngày càng phát triển, đồng bào có nhiều người biết tiếng phổ thông. Tuy nhiên, thực tế, CBCS Biên phòng khi xuống địa bàn thông thạo ngôn ngữ của đồng bào thì khoảng cách giữa quân và dân đã được rút ngắn lại. Việc thông thạo tiếng của đồng bào không chỉ thể hiện sự gắn bó mật thiết quân dân, mà còn giúp bộ đội hiểu dân hơn thông qua học tiếng, phong tục tập quán của người dân.

Với phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), hàng năm BCHBĐBP tỉnh Nghệ An đều chỉ đạo các đơn vị mở các lớp học tiếng dân tộc, tùy theo nhu cầu đơn vị. Riêng năm 2024, đơn vị đã mở lớp học tiếng Thái cho 38 CBCS đang công tác trên các địa bàn có đa số đồng bào Thái sinh sống. Việc CBCS có thể giao tiếp với đồng bào bằng chính ngôn ngữ của đồng bào đã tạo sự gần gũi, tin tưởng, được nhân dân tin yêu. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước được thuận lợi hơn. Qua đó, góp phần xây dựng thế trận biên giới lòng dân nơi biên cương càng vững bền, xây dựng bản làng ngày càng phát triển.

Dương Hóa