Báo Công An Đà Nẵng

Hội An như một phiên chợ Tết!

Thứ tư, 07/02/2018 13:08

Nếu ở các nơi, không khí Tết thường thấy ở mỗi gia đình, mỗi ngôi nhà, hay một địa điểm nào đó, thì thành phố Hội An, một đô thị “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”, không khí Tết như rộn ràng, phô diễn hơn hẳn. Không quá khi ví rằng, những ngày này, cả Hội An như một phiên chợ Tết!

Dọc các tuyến đường ở Hội An, nhiều ngôi nhà, cửa tiệm đang được rộn ràng sơn sửa, dọn dẹp, trang trí để đón tết. Những bản nhạc xuân quen thuộc lại vang lên khắp nơi từ các tiệm băng đĩa nhạc, đến các cửa hàng điện tử hay cửa hiệu thời trang... Tết đến rồi!

Hàng bán trầm, giác, hương ở Hội An. 

Tất bật chuẩn bị đón tết Nguyên đán

Những ngày này, dù bị cái lạnh vẫn bao trùm, nhưng Hội An rất tất bật để chuẩn bị đón tết cổ truyền. Một loạt các kế hoạch của thành phố vẫn đang được triển khai và diễn ra đúng như dự kiến. Hoạt động “Chợ hoa xuân Mậu Tuất” trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Hồng Thái,... đã hoàn thành việc phân lô, các hộ kinh doanh đang gấp rút vận chuyển hoa ra địa điểm đã được bố trí. Hoạt động “Trang trí lồng đèn đường phố” và “Trang trí nhịp cầu ngày xuân” đang được triển khai trên địa bàn các phường Cẩm Phô, Minh An, Sơn Phong, Cẩm Châu, Cửa Đại, Cẩm An, Tân An và các xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim. Anh Dương Văn Trường (chủ đơn vị thiết kế và thi công các hạng mục trang trí của đơn vị P. Cẩm Phô) nhiệt tình cho biết: “Tôi rất hào hứng với công việc này, cũng rất tự hào vì mình và các anh em có thể góp phần nào đó làm đẹp thành phố, làm đẹp cho nơi mình đang sống”.

Ở khắp các chợ trên địa bàn, từ chợ nhỏ ở xã phường cho đến chợ lớn ở trung tâm thành phố, nơi đâu cũng tấp nập người mua kẻ bán. Người người rộn ràng mua bán các vật phẩm phục vụ tết như: hương, trầm, giác, hành tỏi, bánh tét, bánh tổ, hoa cúng, bánh mứt... Mùi hương trầm tỏa khắp các ngõ ngách chợ Hội An, làn khói trắng xua tan cái lạnh giá, khiến những mảng tường vàng quen thuộc trở nên ấm áp kỳ lạ.

Hàng hóa “đặc trưng” dịp Tết ở Hội An. 

Nói về không khí chuẩn bị tết ở Hội An, hai du khách Brigitle và Ardied đến từ Áo cho biết: “Chúng tôi đã ở đây được một tuần, đã nghe về Tết cổ truyền của người Việt Nam. Mấy ngày nay thấy có rất nhiều hoa và đèn lồng, rất đẹp, mọi người đều trông rất vui vẻ. Tiếc là mai chúng tôi phải đi Sa Pa, không thể trải nghiệm Tết ở Hội An nhưng chúng tôi cũng rất thích cách người dân nơi đây chuẩn bị cho sự kiện này”.

Nguyễn Thị Phương Dung, một người viết trẻ ở Hội An, chia sẻ những cảm nhận của mình: “Hội An có “mùi” tết vừa phố thị vừa nông thôn, nên mặc dù tôi rất nhớ nhà vì chưa được về quê nhưng vẫn cảm thấy có gì đó gần và thân thuộc. Tôi rất muốn được một lần ở đây để cảm nhận rõ hơn hương vị tết, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ dành thời gian cho gia đình ở quê nhiều hơn. Tuy vậy, tôi vẫn muốn quay lại Hội An sớm nhất, khoảng mồng 4, mồng 5 gì đó, tôi nghĩ khi ấy không khí tết vẫn còn đậm đà”.

Ông Nguyễn Thiết tạo dáng cho cây quất.     

Quất chưng tết đã bán hết

Tại làng Cẩm Hà (TP Hội An), quất vàng ươm xanh tốt đầy ắp các nhà vườn. Khi được hỏi, chủ vườn nào cũng cho biết quất vườn mình đã được bán cho các thương lái từ tháng 10, 11 âm lịch, quất còn lại rất ít và đều là quất cỡ nhỏ. Ông Nguyễn Thiết (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà), một nông dân gắn bó với cây quất gần 10 năm, phấn khởi cho biết: “Quất nhà tôi đã bán đứt cho thương lái từ tháng 10 âm lịch, so với mấy năm trước thì năm nay được giá hơn khoảng 300 ngàn đồng/chậu. Cả vườn bán được 70 triệu đồng. Các hộ ở xung quanh đây cũng đều bán hết rồi”. Cùng chung niềm phấn khởi đó, anh Nguyễn Văn Sĩ (1991, thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà) chia sẻ: “Quất nhà tôi thì đã bán gần hết, chỉ còn vài cây cỡ nhỏ, vài bữa nữa sẽ bán hết. Mấy tháng vừa rồi mưa gió liên miên mà tôi lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên chăm quật có chút khó khăn. Mưa nhiều khiến không bón phân đúng thời kỳ, mưa lại đúng lúc cây ra trái nên trái nên trái ra không được đẹp như năm ngoái. Nhưng may là bán vẫn được giá nên tôi rất vui và phấn khởi. Đây là động lực để năm sau tôi làm tốt hơn”.

Người dân tìm mua quất ở chợ hoa xuân.

Quất ở Hội An có hai loại phổ biến, quất đất và quất chậu. Người ta trồng quất trên đất trong khoảng  24 đến 36 tháng sau đó mới “bứng” lên trồng vào chậu. Quất vào chậu từ tháng 10 âm lịch, phải chăm sóc rất chu đáo, kỹ lưỡng. Đến tháng 6 năm sau, khi quất ra hoa, người trồng quất  phải lặt bớt hoa để cây ra một lượng trái vừa đủ. Đến tháng 9, tháng 10, hoa đã thành trái, nếu nhiều trái quá phải ngắt bỏ bớt để tránh tình trạng gãy cành. Tầm tháng 10, tháng 11 âm lịch, thương lái từ nhiều nơi sẽ đổ về đây mua quất. Sau khi hai bên đã thương lượng giá cả, hợp đồng xong xuôi, người nông dân có trách nhiệm phải chăm sóc cây quất thật chu đáo cho đến ngày thương lái đến vận chuyển, thường là khoảng từ 15 đến 25 tháng Chạp.

Quất Hội An rất được ưa chuộng ở hầu khắp các tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên như: Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai..., chỉ vài ngày nữa là các thương lái sẽ đến và vận chuyển quất đi đến các tỉnh thành, hứa hẹn cung ứng một số lượng lớn quất cho dịp Tết Mậu Tuấn 2018. Trong thời gian này, người nông dân thường xuyên tỉa tót, cột dây cố định cành lá, tưới nước, bón phân, bơm thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm. Phải chăm sóc cẩn thận để cây tươi tốt, lá xanh, trái vàng, ra hoa nhỏ (dân gian gọi là lộc) khi đến tay thương lái và khách hàng gần xa. “Chỉ còn mấy ngày nữa là thương lái tới chở quất đi, tôi mừng lắm!”, ông Thiết chia sẻ.

KIM YẾN

Hàng loạt hoạt động vui xuân ở Hội An

Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An cho biết nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Hội An tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí hấp dẫn. Điểm nhấn của Hội Tết Nguyên đán là chương trình nghệ thuật đêm giao thừa với Đoàn rước sắc bùa chúc xuân diễu hành khắp các tuyến phố để mang niềm vui và may mắn đến cho mọi người. Vào đêm 30 Tết, tại Vườn tượng An Hội, sân khấu nghệ thuật chào mừng năm mới Mậu Tuất sẽ được dàn dựng công phu với các tiết mục chào xuân, có sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Ánh Tuyết; các ca khúc được lồng ghép các hoạt cảnh độc đáo chào mừng sự kiện Nghệ thuật Bài Chòi Miền Trung được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện nhân loại. Sau màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật, đoàn rước sắc bùa và linh vật của năm mới Mậu Tuất sẽ xuất hiện tại sân khấu để tặng Xuân Liên, món quà may mắn đầu năm cho tất cả các khán giả tham gia chương trình. Bên cạnh đó, Hội An tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, như: Giỗ Tổ nghề Mộc Kim Bồng vào ngày 21-2-2018 (mồng 6 tháng Giêng âm lịch) tại xã Cẩm Kim; Lễ hội Cầu bông Trà Quế vào ngày 22-2 (mồng 7 tháng Giêng âm lịch) tại xã Cẩm Hà; Hội Bắp nếp Cẩm Nam vào ngày 2 và 3-3 (15 và 16 tháng Giêng âm lịch) tại xã Cẩm Nam; Đua ghe Đảo thủy đầu xuân, triển lãm ảnh “Tết Hội An xưa và nay”, các trò chơi dân gian, hội thi Hô hát Bài Chòi.

K.Y