Hội An trong tôi
Ngày ấy, tôi là đứa học trò quê xứ cát ôm mộng sách đèn xuống Hội An trọ học. Trong mắt tôi, Hội An hồi đó đìu hiu, nhất là những chiều mưa giăng mắc, phố xá nhỏ bé, chật chội, lại càng buồn tênh. Vài ba quán café cóc ở đường Lê Lợi, Hoàng Diệu, quán phở Liến, chè Bà Kế, rạp chiếu bóng, hiệu sách Nhân dân trên đường Phan Chu Trinh lưa thưa người qua lại. Ngày ấy, ở Hội An, các loại bánh nậm, bánh vạc, bánh tráng đập và cơm hến Cẩm Nam chỉ là những món ăn bình dân dành cho dân thị xã, chưa trở thành thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng như bây giờ.
Rồi tôi xa Hội An, xa trường Phổ thông Trung học Trần Quý Cáp cùng bao thầy cô, bạn bè và xa người con gái có đôi mắt to, đen tròn, bán café ở góc đường Phan Chu Trinh - Hoàng Diệu, đôi mắt hút hồn bao chàng trai tuổi dậy thì như tôi ngày ấy. Tôi bỏ lại sau lưng mối tình học trò ngây ngô, trong trắng đầy mộng mơ để ra Huế học đại học. Ra trường, trong bộn bề chuyện cơm áo mưu sinh, qua bao đổi thay của cuộc sống, nhưng Hội An vẫn khắc sâu trong tim tôi. Hội An là quê hương thứ hai của tôi, là chốn đi về mỗi khi lòng nhớ nhung, tiếc nuối.
Mỗi khi nhớ Hội An, nhớ thời hoa niên trong trẻo, nhớ thầy cô, bạn bè, mỗi khi lòng cảm thấy chùng xuống bởi thời gian và nuối tiếc, nhớ con đường rải sỏi đá quen quen dẫn về nhà người dì ở kiệt tiệm rượu Sica nổi tiếng một thời nằm trên đường Lê Lợi, tôi lại đưa vợ con về Hội An, loanh quanh mấy con phố nhỏ, ăn tô cao lầu, tô mỳ gà trên đường Trần Phú cho lòng nguôi ngoai nỗi nhớ, như lục tìm đâu đây kỷ niệm của một thời hoa niên trong trắng, ngây ngô, nông nổi đã vùi sâu trong ngăn ký ức.
Hội An bây giờ khác xưa rất nhiều, nhất là từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 và là đô thị loại 3 thuộc tỉnh Quảng Nam. Mỗi lần trở lại Hội An, tôi hình dung như thành phố đang lớn lên từng ngày, đèn điện sáng choang khắp các ngả đường khu trung tâm, phố xá đông vui, sầm uất hơn, người qua kẻ lại nườm nượp, đủ các quốc tịch trên thế giới. Cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sôi động cả ngày lẫn đêm. Khách du lịch đến Hội An ngày càng đông đúc. Người dân Hội An làm ăn buôn bán, giao dịch, trao đổi bằng tiếng Tàu, tiếng Tây như gió. Đô thị Hội An được mở rộng gấp nhiều lần. Trừ khu đô thị cổ đang được bảo tồn, trùng tu tôn tạo một cách cẩn thận, Hội An đã và đang mở các khu đô thị, khu du lịch biển, du lịch sinh thái về phía Đông, Đông - Bắc, Đông - Nam thành phố, bên bờ biển Cửa Đại, An Bàng quanh năm rì rào sóng vỗ, hàng trăm nhà hàng, khách sạn, resort mọc lên, nườm nượp du khách thập phương về tham quan, nghỉ ngơi, tắm biển. Cùng với khu phố cổ tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, một làng rau Trà Quế, làng Mộc Kim Bồng, làng Gốm Thanh Hà, khu du lịch sinh thái Thuận Tình, rừng dừa Bảy Mẫu… đã góp phần làm cho Hội An ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách khắp năm châu bốn biển. Hội An đang xây dựng thành phố văn hóa, có lẽ không ngoài mục đích nhằm gìn giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vốn có của một đô thị cổ, mà đó còn là sự tiếp biến những giá trị của nền văn hóa nhằm làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách thập phương khắp năm châu bốn biển.
Trong mắt tôi, Hội An có một điều không hề thay đổi mặc cho làn sóng du khách thập phương đang đổ vào phố cổ với muôn sắc màu, từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đó là cốt cách người Hội An vẫn thế, dung dị, hiền hòa, chân chất, mến khách như cư dân ở bao làng quê Việt Nam. Về Hội An, chỉ cần sống với người dân phố cổ một buổi, một ngày, ta có cảm giác như về ở chính quê nhà của mình. Có lẽ, điều đó đã làm nên một Hội An thân thiện trong mắt mọi người; là vốn văn hóa cộng đồng đáng trân trọng mà Hội An không bị mất đi qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của những đô thị hiện đại.
Với tôi, Hội An là mảnh đất đầy ắp kỷ niệm thời hoa niên trong trắng. 40 năm rồi vẫn vậy, và mãi mãi, Hội An trong tôi.
Dũng Hồng