Báo Công An Đà Nẵng

Hội An và chiến lược “hút” khách Hàn

Thứ bảy, 07/10/2017 10:11

Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc phối hợp với Tổng cục Du lịch và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực thu hút khách thị trường Hàn Quốc” với chủ đề “Thu hút khách du lịch đến Hội An - Điểm đến Di sản Văn hóa”.

Du khách Hàn Quốc duyên dáng trong tà áo dài tại phố cổ Hội An.    Ảnh: minh quang

“Luồng gió mới” của du lịch trong thời gian qua chính là lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nếu tính từ năm 2000, mới có 53.452 lượt khách Hàn Quốc đi du lịch Việt Nam thì đến năm 2016, con số này đã đạt 1.543.883 lượt, trong 8 tháng của năm 2017 có 1.500.811 lượt, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc đã trở thành thị trường khách quốc tế đứng thứ hai đến Việt Nam. “Những thông tin về văn hóa, đất nước, con người và thị hiếu của thị trường khách là sự cần thiết để ngành Du lịch đẩy mạnh chiến lược marketing phù hợp trong thời gian tới nhằm nâng cao khả năng thu hút khách Hàn Quốc đến Quảng Nam ngày càng nhiều hơn” - ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ tại hội thảo.

Hiện nay, khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Nam đã trở thành thị trường du lịch đầy tiềm năng, thu hút rất đông du khách Hàn Quốc bởi không chỉ vì cảnh quan tươi đẹp, văn hóa giàu màu sắc mà còn nhờ vào những chính sách kích cầu cũng như phối hợp quảng bá chặt chẽ với các đơn vị truyền thông, Cty lữ hành. Tại tỉnh Quảng Nam, tuy số lượng khách Hàn Quốc chưa nhiều, nhưng tốc độ tăng trưởng khá cao trong thời gian gần đây. Năm 2010, lượng du khách Hàn Quốc đến Quảng Nam mới hơn 3.800 lượt (chiếm 0,81% trong cơ cấu khách quốc tế) thì đến năm 2016 con số này đã tăng lên hơn 83.000 lượt (chiếm 8,2% tổng số khách quốc tế toàn tỉnh). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách Hàn Quốc đã đạt con số hơn 88.000 lượt, vượt xa tổng số khách Hàn Quốc đến Quảng Nam trong năm 2016. TP Hội An, nơi được du khách Hàn Quốc lựa chọn đến tham quan và lưu trú nhiều nhất so với các điểm đến trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung. Các sự kiện, chương trình roadshow, hội chợ du lịch tổ chức tại Hàn Quốc đã xúc tiến quảng bá hình ảnh các điểm đến như Hội An, Mỹ Sơn, Cù lao Chàm… đã mang lại hiệu quả cao thu hút du khách. Hơn nữa, những nét tương đồng về văn hóa, ẩm thực, sự phong phú các điểm đến của Quảng Nam, nhất là loại hình du lịch biển, sinh thái, văn hóa - lịch sử đã trở nên hấp dẫn du khách Hàn Quốc.

Du khách Hàn Quốc tham quan Hội An.

Ông Kim Young Sun - Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi chọn Hội An - trung tâm du lịch của Quảng Nam để tổ chức hội thảo bởi nhiều lý do. Đây là Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh, một điểm đến nổi tiếng của du lịch Việt Nam, khẳng định mối quan hệ tương hỗ mật thiết không thể tách rời giữa văn hóa và du lịch”. Cũng theo ông Kim Young Sun, văn hóa chính là nguồn cội của du lịch và ngược lại du lịch là nguồn lực của văn hóa. Tìm hiểu về thị trường Hàn Quốc chính là tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc để vừa nâng cao khả năng thu hút khách Hàn Quốc, vừa để hai nước Việt - Hàn “xích lại” gần nhau hơn.

Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Nam cho biết: “Để duy trì sức hấp dẫn và tiếp tục thu hút khách Hàn Quốc đến Quảng Nam, ngành Du lịch tỉnh sẽ chú trọng tìm hiểu về nhu cầu của thị trường, từ đó có biện pháp nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm mới, phù hợp và hấp dẫn hơn”. Ngoài việc tăng cường quảng bá, xúc tiến tham dự các sự kiện, chương trình roadshow, hội chợ du lịch tổ chức tại Hàn Quốc thời gian qua, thêm một lợi thế là hiện nay, mỗi tuần có 80 chuyến bay từ TP của Hàn Quốc đến Đà Nẵng và ngược lại nên thuận lợi giúp du khách Hàn Quốc tiếp cận các điểm đến miền Trung dễ dàng hơn. Sự chia sẻ, trao đổi thông tin tại hội thảo về văn hóa, đất nước, con người Hàn Quốc của các chuyên gia du lịch xứ Hàn giúp cho ngành Du lịch tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh du lịch có chiến lược marketing phù hợp trong thời gian tới.

Tại hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An giới thiệu về đô thị cổ Hội An và giải pháp phát triển du lịch bền vững tại đây. Nằm ở hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Hội An có hệ sinh thái vô cùng đa dạng, còn lưu giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Nơi đây có nhiều lợi thế tổ chức những hoạt động bảo vệ môi trường du lịch như: “Ngày đi bộ vì môi trường”, “Ngày không khói xe”, “Ngày không túi ni-lông”. Thời gian tới, Hội An sẽ mở rộng không gian du lịch nhằm đa dạng hóa hình thức du lịch. Theo định hướng, Hội An sẽ phân vùng, xây dựng các cụm du lịch phố cổ Hội An, biển Cửa Đại - Cẩm An, đảo Cù lao Chàm cùng với hệ thống chuỗi du lịch sinh thái sông nước Thu Bồn, Cổ Cò, Đế Võng và rừng dừa Bảy Mẫu… để tạo những sản phẩm tham quan, trải nghiệm độc đáo. Hiện Hội An đang triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, đưa khu du lịch dịch vụ làng quê Cẩm Thanh và khu bãi tắm An Bàng theo quy hoạch mở rộng vào hoạt động… Ngoài ra, thành phố còn đầu tư phát triển mạng lưới các cơ sở lưu trú theo 3 loại hình: khách sạn, biệt thự nhà vườn và homestay với tổng số 2.000 phòng vào năm 2020, góp phần giúp Hội An hoàn thành mục tiêu thu hút khoảng 3,09 triệu lượt khách vào năm 2020.

THẢO NGUYÊN

Kế hoạch hành động Xây dựng Hội An “Thành phố sinh thái - Nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp (DN)” đã được UBND thành phố thông qua và triển khai theo 2 giai đoạn 2017 - 2018, 2018 - 2019 và những năm tiếp theo.

Trong giai đoạn 1, mục tiêu cụ thể phấn đấu hoàn thành việc phát hành “Sách trắng về rác thải” của thành phố. 100% DN nắm bắt, thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường theo chủ trương của thành phố; nâng cao hiệu quả của nhà máy xử lý rác thải; 85% DN thực hiện phân loại rác triệt để; 100% chất thải rắn nguy hại đồng ruộng được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Giai đoạn 2, xây dựng và triển khai công tác thu gom chất thải rắn quá khổ trên địa bàn thành phố. Hơn 5% sử dụng rác hữu cơ để làm phân compost tại cơ sở, tự bón cho cây trồng, góp phần gảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Hơn 10% khối lượng rác thải sinh hoạt của DN được tái chế, tái sử dụng. Không còn tình trạng vứt rác bừa bãi trên vỉa hè, lòng, lề đường ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, cảnh quan môi trường đô thị.

T.HÀ