Báo Công An Đà Nẵng

Hội đồng Thẩm phán phán quyết vụ án Hồ Duy Hải: Không có cơ sở để hủy bản án, điều tra lại

Thứ bảy, 09/05/2020 13:58

Chiều 8-5, sau 3 ngày thảo luận, đánh giá vụ án và làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao đã đưa ra phán quyết tại Phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản" liên quan đến án mạng hai nữ nhân viên tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, H. Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ công bố phán quyết.

Bác kháng nghị

HĐTP đã tuyên bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm và điều tra lại.

Theo phân tích của HĐTP, trong lời khai của Hồ Duy Hải, có sự tham gia của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư bào chữa, Hải đều khai nhận giết chị H. và V. Sau đó, Hải lấy tài sản của chị H. và V. và một số tài sản của Bưu cục Cầu Voi. Ngay khi nhận quyết định khởi tố bị can, Hải đồng ý với các nội dung của quyết định. Khi nhận nội dung kết luận điều tra, Hải đồng ý với nội dung kết luận điều tra... Tại phiên sơ thẩm, khi chủ tọa phiên tòa thẩm vấn, bị cáo Hải nhận tội. Khi Luật sư hỏi, Hải không nhận hành vi giết người, cướp tài sản nhưng lại không chứng minh được mình vô tội.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên phúc thẩm, có lúc Hải nhận tội, có lúc Hải không nhận tội. Sau khi xét xử phúc thẩm, Hải có đơn ân giảm hình phạt tử hình. Trước khi Văn phòng Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm, Hải có làm việc với Viện KSND Tối cao xác minh, lấy lời khai. Trong đó, Hải nhận tội và ân hận với hành vi của mình.

"Như vậy, trong những thời điểm quan trọng, Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội. Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, không có việc bức cung, ép cung, nhục hình, mớm cung... Những vấn đề kháng nghị nêu ra, sau khi được làm rõ, càng chứng minh hành vi của Hải - HĐTP kết luận: Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết tội Hải là có căn cứ; xử phạt Hải án tử hình về tội "Giết người", 5 năm tù về tội "Cướp tài sản" là có cơ sở.

Mặc dù quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những thiếu sót, nhưng theo HĐTP, những thiếu sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án; do đó không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Kháng nghị vi phạm quy định tố tụng

Về thủ tục tố tụng của quyết định kháng nghị, HĐTP cho rằng, sau khi xét xử phúc thẩm, Hồ Duy Hải không có đơn đề nghị xem xét bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm, chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, bản án tử hình được tiến hành nếu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao không kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người kết án không có đơn ân giảm lên Chủ tịch nước. Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án sơ thẩm, phúc thẩm và có tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đã có quyết định vào năm 2012, bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 29-7-2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Theo HĐTP, pháp luật Tố tụng hình sự quy định các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền chứ không được thay thế bằng một văn bản hành chính.

"Trong khi quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành, Viện trưởng Viện KSND Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với yêu cầu của Chủ tịch nước là đảm bảo đúng quy định pháp luật", HĐTP nêu.

Bộ luật Tố tụng Hình sự không có quy định về thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì các cơ quan tố tụng cũng không được phép thực hiện những hành vi tố tụng khác trừ quyết định thi hành án.

Do đó, HĐTP cho rằng, không có cơ sở xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Bản án hình sự phúc thẩm vụ án này đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 8-4-2009. HĐTP TAND Tối cao quyết định, không chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao. 

X.T