Báo Công An Đà Nẵng

Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC: Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Thứ hai, 06/11/2017 07:00

Ngày 5-11, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana, Đà Nẵng chính thức diễn ra kỳ họp toàn thể lần thứ 4 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) 2017. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 tổ chức. Tham dự phiên khai mạc có ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực BộNgoại giao Việt Nam, Chủ tịch SOM APEC 2017; ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017, cùng các thành viên ABAC đến từ 21 nền kinh tế APEC.

Các thành viên ABAC chụp hình lưu niệm tại phiên họp.

Phát biểu chào mừng Kỳ họp, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, kỳ họp lần thứ 4 nhằm tổng kết những hoạt động trong thời gian qua, tạo cơ sở cho đối thoại với các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Các đại biểu ABAC sẽ dành thời gian thảo luận những nội dung khuyến nghị về thúc đẩy, phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế, kinh tế bền vững, sáng tạo, năng lực tài chính APEC, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020.

Chủ tịch ABAC 2017 Hoàng Văn Dũng cho biết, kỳ họp lần thứ 4 của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC cũng là kỳ họp cuối của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC trong Năm APEC 2017. Tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ kết luận một số nội dung của Chương trình APEC năm 2017 để bàn giao cho nền kinh tế chủ nhà APEC 2018, Papua New Guinea. Cũng theo ông Dũng, ABAC sẽ chia làm 5 nhóm công tác, gồm nhóm Tài chính và Kinh tế; nhóm Hội nhập Kinh tế Khu vực; nhóm Phát triển Bền vững; nhóm DN vừa và nhỏ và siêu nhỏ và doanh nhân; và nhóm Kết nối. Các nhóm công tác tiến hành họp thường xuyên sau đó tổng hợp và xây dựng các kiến nghị chung để đệ trình lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Đồng thời, chuẩn bị các nội dung cho cuộc đối thoại giữa ABAC và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Chương trình hành động của ABAC 2017 nhằm vào 4 ưu tiên: Thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; Vươn đến tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thúc đẩy tính cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và khuyến khích sáng tạo trong kỷ nguyên số; Đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu và bền vững.

Trước đó, trong ngày 4-11, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC tổ chức họp Nhóm Diễn đàn tài chính Châu Á -Thái Bình Dương (APFF) và họp Nhóm Tư vấn về xây dựng năng lực hệ thống tài chính APEC với mục đích kêu gọi APEC thực hiện các bước đi mạnh mẽ hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trên cơ sở những kết quả đã có được từ các thỏa  thuận thương mại khu vực tham vọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa  thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Liên minh Thái Bình Dương.

Trao đổi bên lề phiên họp, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC 2017 cho biết, Việt Nam tham gia ABAC với sáng kiến “thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo” nhằm thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi; Hỗ trợ sự tham gia bền vững và hiệu quả của các DN khởi nghiệp; Khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp trong kỷ nguyên số). Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC có sự tham dự của Chủ tịch Facebook - Mark Zuckerberg, Chủ tịch Alibaba - Jack Ma và lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ mới để họ chia sẻ các kinh nghiệm làm giàu của mình. Vì vậy, đây là cơ hội để các DN trẻ Việt Nam tiếp xúc chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Allan Zeman - thành viên ABAC đến từ nền kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc), các thành viên APEC nên có các cơ chế chính sách khuyến khích các DN sáng tạo, khởi nghiệp. Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cũng nên mạnh dạn đầu tư cho các start up. Bởi vì trong thời đại kỷ nguyên số này thì chỉ có lực lượng DN trẻ, năng động, có nhiều ý tưởng sáng tạo như các start up mới có thể tạo nên những bước phát triển kinh tế mang tính đột phá.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), thành viên ABAC cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xem kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế, trong đó kịp thời có cơ chế mở, chính sách hỗ trợ để DN nhỏ, siêu nhỏ không chỉ có thể tồn tại được, mà còn có lợi thế để vươn lên phát triển mạnh và bền vững!

ABAC tập hợp các tiếng nói từ khối DN tư nhân các nền kinh tế thành viên APEC, sẽ đề xuất kiến nghị lên lãnh đạo APEC trong các cuộc đối thoại thường niên. ABAC họp 4 lần/năm, đại diện ABAC cũng tham dự các hội nghị quan chức cấp cao APEC và hội nghị Bộ trưởng APEC. Hội đồng ABAC hiện gồm 63 thành viên đại diện cho các DN hàng đầu khu vực. Mỗi nền kinh tế thành viên được cử 3 đại diện tham gia Hội đồng. Trong đó, Việt Nam có 3 đại diện gồm: ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI; ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn; và ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sovico Holdings.

XUÂN ĐƯƠNG

Đảm bảo tự do thương mại, mang lại lợi ích cho tất cả người dân

Bên lề Kỳ họp của ABAC 2017, một số đại biểu chia sẻ ý kiến về việc đảm bảo tự do thương mại nhằm mang lại lợi ích cho người dân. Ông Rod Eddington, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Kinh tế J.P. Morgan (Hoa Kỳ) cho rằng, điều quan trọng hiện nay là cần bảo đảm môi trường kinh doanh tự do ở APEC bởi một trong những trọng tâm của APEC là thúc đẩy phát triển bao trùm. Việt Nam cần đảm bảo cơ chế tự do thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, qua đó thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư nước ngoài, từ đó tạo ra thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo bà Tracey Fellows, Giám đốc điều hành Tập đoàn RAE (Australia), APEC đang có nhiều cơ hội phát triển thương mại trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế trong khu vực. Đối với Việt Nam, bà Tracey Fellows cho rằng, phát triển giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các kỹ năng về công nghệ, trình độ ngoại ngữ là những vấn đề cần ưu tiên. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tăng cường kết nối với người dân và doanh nghiệp. Nhận xét Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển và đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên, bà Tracey Fellows cho rằng, Việt Nam cần khắc phục khoảng cách về công nghệ số với các nền kinh tế thành viên APEC nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Tiến sĩ Allan Zeman, doanh nhân Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch các Tập đoàn GBM, GBS, JB khuyến nghị, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Việt Nam cần tập trung nhiều cho giáo dục để hình thành thói quen cho giới trẻ đối với thương mại điện tử. Hơn nữa, việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam cũng là rất phù hợp bởi đây là quốc gia đông dân và điều này sẽ tạo nên đặc thù, tính hấp dẫn cho thị trường tiêu dùng Việt.