Báo Công An Đà Nẵng

Hối hả chuẩn bị mùa biển mới

Thứ tư, 07/01/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Mùa biển năm 2014, ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã vượt sóng dữ vươn khơi làm ăn hiệu quả tại các ngư trường xa bờ, nhiều tàu cá thu về hàng tỷ đồng sau những chuyến biển ngoài khơi xa. Để chuẩn bị cho mùa biển mới, tranh thủ những ngày biển động bà con ngư dân lại hối hả đưa tàu lên bờ “làm nước” để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi vào dịp cuối năm âm lịch.

Tại các xưởng sửa chữa tàu thuyền trên đảo Lý Sơn những ngày cuối năm này, hàng chục tàu cá của ngư dân địa phương và đất liền đang hối hả cập bờ để “làm nước”, chuẩn bị cho mùa biển mới. Tiếng búa, tiếng máy nổ... tạo nên không khí khẩn trương để sớm hạ thủy từng con tàu trong mùa biển mới.

 

Ngư dân Dương Văn Giàu, chủ tàu cá QNg 96147 TS, ở xã An Hải, H. Lý Sơn, hành nghề lặn hải sâm tại ngư trường Hoàng Sa đang tất bật cùng các bạn chài chuyển những thùng phuy muối từ trên tàu lên bờ để kịp kéo con tàu 350 CV lên đà sửa chữa thổ lộ: “Mùa biển vừa rồi, toàn tàu cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi lao động cho thu nhập hơn 120 triệu đồng, đủ để trang trải chi tiêu gia đình, nay sắp bước vào mùa biển mới phải tu sửa lại tàu để kịp vươn khơi. Từ 2 năm nay, chuẩn bị cho mùa biển mới tôi lại cho tàu về bờ để làm nước, những năm trước trên đảo không có cơ sở sửa chữa nên hết mùa biển anh em lại cơm áo chạy tàu vào đất liền để “làm nước”. Nay trên đảo có xưởng sửa chữa nên thuận tiện cho việc tu sửa làm nước lại tàu, tiết kiệm được tiền bạc và thời gian”.

Theo ngư dân Dương Văn Giàu, lần “làm nước” này tàu của anh thay lại ván thân tàu và tu sửa lại máy móc, tính sơ cũng mất trên trăm triệu đồng. Nếu cho tàu chạy vào đất liền thì phải tốn thêm nhiên liệu và một khoản không nhỏ chi phí khác.

Neo cạnh con tàu cá anh Giàu là tàu cá QNg 96416 TS của ngư dân Nguyễn Lộc ở xã An Vĩnh. Sau một năm lênh đênh với sóng gió tại ngư trường Hoàng Sa, cuối tháng 5 năm 2014, tàu của anh bị tàu kiểm ngư Trung Quốc rượt đuổi, tấn công, đập phá nát ca bin, tuy đã được sửa chữa kịp thời nhưng qua mấy phiên biển cuối năm vừa qua, thân và máy tàu đều rệu rã nên anh trích gần 100 triệu đồng để đưa tàu lên bờ sửa chữa chuẩn bị cho mùa biển mới, “Sau cú bị tàu Trung Quốc tấn công tại Hoàng Sa, tàu của mình bị hư hỏng nặng, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức cá nhân nên mình sửa lại con tàu để vươn khơi làm ăn, nay hết mùa biển mình cho tàu lên bờ để “đại tu” để kịp vươn khơi Hoàng Sa trong mùa biển mới”, ngư dân Nguyễn Lộc hồ hởi.



Ngư dân Lý Sơn tất bật sửa lại tàu cá để chuẩn bị vươn khơi.

Cũng như ngư dân Giàu và Lộc, nhiều tàu cá của ngư dân đất liền đang vươn khơi Hoàng Sa cũng kịp đưa tàu của mình về cập đảo để sửa chữa trong dịp này. Theo tính toán của các chủ tàu, nếu chạy tàu vào đất liền sửa chữa, chi phí sẽ cao hơn, thời gian “ nằm nề” cũng dài hơn, bởi số lượng tàu sửa chữa đông nên các cơ sở sửa tàu luôn trong tình trạng quá tải. Ngư dân Nguyễn Thanh Tuấn; một chủ tàu cá quê ở xã Nghĩa An, H. Tư Nghĩa chia sẻ; Cũng sửa chữa bấy nhiêu, nhưng nếu một con tàu làm nước ở đảo mất khoảng 5 ngày thì chạy vào đất liền thời gian tàu “nằm nề” phải tăng lên gấp đôi, đó là chưa kể chi phí tăng cao, do đó anh quyết định cho tàu cập đảo sửa chữa.

Ông Lê To, chủ cơ sở sửa chữa tàu Lý Sơn cho biết, hiện nay cơ sở ông có đến 18 tàu cá của ngư dân địa phương và đất liền đang được sửa chữa. Nhiều tàu cá khác đang neo đậu dưới biển chờ để được lên đà. Hơn chục nhân công cơ sở của ông phải lao động quần quật từ sáng sớm đến tận khuya mới nghỉ tay. “Năm hết tết đến nên chủ tàu nào cũng muốn “thay áo mới” cho con tàu của mình, với mong muốn mùa biển mới làm ăn hiệu quả hơn, do đó chúng tôi phải tranh thủ hoàn thiện để hạ thủy những con tàu”, ông To bày tỏ.

Mùa biển mới đang cận kề, nhiều con tàu cá vừa hạ thủy còn thơm mùi sơn mới với cờ đỏ sao vàng tung bay đang neo bờ để chuẩn bị vươn khơi Hoàng Sa- Trường Sa. Với các chủ tàu này, điều mong muốn trong mùa biển mới không chỉ là thuận buồm xuôi gió để tàu về tôm cá đầy khoang, mà nỗi nhớ biển, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thôi thúc họ vươn khơi.

Anh Thư