Hối hận muộn màng
(Cadn.com.vn) - Phiên tòa vắng lặng, chỉ có bị cáo, luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo và người vợ bồng đứa con mới 5 tháng tuổi, được chồng đèo đến tòa từ rất sớm (bị cáo đang được tại ngoại). Phía gia đình bị hại không một ai mà theo lời bị cáo cho biết trước khi tòa xét xử thì người đàn ông này suốt ngày say xỉn nên bị vợ con bỏ lơ, chẳng ngó ngàng gì đến. Bị cáo trong vụ án là Phan Quang Hiếu (1985, trú thôn Vĩnh Thái, xã Cam Hiệp Nam, H. Cam Lâm, Khánh Hòa), còn người bị hại là ông Nguyễn Hữu Hạnh (57 tuổi, trú cùng thôn với bị cáo).
Sự việc xảy ra lúc 6 giờ 30 ngày 30-1-2015, ông Nguyễn Hữu Hạnh đến nhà bà Phan Thị Huề (ở cùng thôn) để hỏi tiền công hái dừa. Sau khi bà Huề nói đã trả tiền công cho ông Hạnh rồi thì giữa ông Hạnh và bà Huề xảy ra xích mích cãi nhau. Lúc này Phan Quang Hiếu (là con bà Huề) đang dọn hàng gần đó nghe ồn ào đi đến nói với ông Hạnh: “Ông ăn nhậu hoài, mới sáng chưa buôn bán, tiền đâu cho ông!”. Nghe vậy, ông Hạnh quay sang gây sự với Hiếu, bà Huề bỏ vào nhà. Ông Hạnh và Hiếu cãi nhau. Khi ông Hạnh thách thức “Mày muốn gì? Mày thích gì?” thì Hiếu đi đến đẩy ông Hạnh về nhưng không ngờ ông ngã ngửa đập đầu xuống đường. Thấy ông Hạnh chảy máu đầu, Hiếu cùng mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng đến 14 giờ 30 cùng ngày thì ông tử vong do chấn thương sọ não.
Hành vi của Hiếu bị TAND H. Cam Lâm đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 BLHS. Tại phiên tòa, Hiếu khai do ông Hạnh đến nhà xin tiền nhưng không được nên chửi bới. Hiếu khuyên ông Hạnh đi về nhưng ông đã thách thức nên Hiếu đẩy ông về làm ông Hạnh té ngã đập đầu xuống đường bê-tông dẫn đến ông Hạnh tử vong. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo không có hành vi cố ý gây thương tích cho ông Hạnh, bị cáo không thấy trước việc đẩy vào vai ông Hạnh là có thể xảy ra thương tích hoặc dẫn đến chết người nên lỗi của bị cáo là lỗi vô ý được quy định tại Điều 10 BLHS, đề nghị chuyển tội danh và xử lý bị cáo về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 98 BLHS.
Phan Quang Hiếu trước vành móng ngựa. |
Tuy nhiên, theo HĐXX nhận định, hành vi đẩy ngã ông Hạnh là hành vi cố ý của bị cáo Hiếu và hoàn toàn có khả năng gây ra thương tích cho ông Hạnh. Bị cáo phải nhận thức rõ được hành vi của mình là nguy hiểm, phải thấy trước hậu quả có thể xảy ra, tuy bị cáo không mong muốn nhưng đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra nên lỗi của bị cáo là lỗi cố ý. Xét thấy bị cáo không có tình tiết tăng nặng, thành khẩn khai báo; tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại; tại phiên tòa bị cáo mang theo tiền và đưa cho đại diện hợp pháp của bị hại để bồi thường tiếp 8 triệu đồng nhưng đại diện hợp pháp của bị hại không nhận; tích cực cứu chữa cho bị hại khi sự việc xảy ra và bị cáo còn mẹ già, con nhỏ nên sau khi nghị án tòa đã tuyên phạt bị cáo Hiếu 3 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo đã chi phí các khoản tiền cứu chữa và chi phí mai táng cho ông Hạnh. Tại phiên tòa, bị cáo đồng ý bồi thường tiếp cho các đại diện hợp pháp của bị hại số tiền 19,7 triệu đồng theo yêu cầu của đại diện hợp pháp của bị hại nên tòa chấp nhận.
Sau phiên tòa, Hiếu làm đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lại tội danh và hình phạt cũng như xin được hưởng án treo để ở nhà lo cho mẹ già và con nhỏ vì hiện nay căn nhà của gia đình bị cáo đã đem đi thế chấp cho ngân hàng để buôn bán làm ăn và lo cho bị hại, bị cáo là lao động chính trong nhà nếu đi tù thì không ai có thể xoay được tiền để trả cho ngân hàng, nguy cơ căn nhà sẽ bị phát mãi bán mất. Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử phúc thẩm. Tại phiên tòa lần này cũng như lần trước, luật sư của bị cáo cho rằng, bị hại trong vụ án là một người luôn trong tình trạng say xỉn, hay xin tiền của gia đình bị cáo. Khi ông Hạnh chửi bới, thách thức thì Hiếu dùng tay đẩy vai với mục đích bảo ông đi về nhưng không may ông Hạnh ngã và chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Do không cố ý làm ông Hạnh ngã nên ngay sau khi ông Hạnh ngã, Hiếu lập tức bế ông đưa đi cấp cứu ở trạm xá, sau đó chuyển lên bệnh viện huyện và cuối cùng là bệnh viện tỉnh. Khi ông Hạnh mất, người thân của ông gần như bỏ mặc nên Hiếu đã lo thủ tục chôn cất, xây mộ cho ông Hạnh. Tuy nhiên, HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm. Sau khi nghe tuyên án, Hiếu ra bế đứa con trên tay vợ rồi cùng dắt nhau về và lòng buồn tê tái.
Hoàng Văn