Hồi hộp chờ VAR!
Theo kế hoạch, từ 23-6 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ tổ chức tập huấn áp dụng VAR (công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video- Video Assistant Referee) cho đội ngũ trọng tài. Cũng do VFF công bố trước đây, VAR bắt đầu áp dụng từ giai đoạn lượt về V. League 2019, nhưng chưa nói rõ vào lượt trận nào.
“Trọng tài” VAR |
VAR đã được sử dụng thử nghiệm tại Anh và một vài trận đấu của Đức, Ý trước khi được áp dụng chính thức tại World Cup 2018. Gần đây nhất, VAR xuất hiện tại UEFA Champions League, UEFA Nations League và hiện đang hỗ trợ cho Euro 2019-2020. Tại Châu Á, VAR đã được áp dụng từ vòng tứ kết Asian Cup 2019, một giải đấu mà đội tuyển Việt Nam vào đến tứ kết.
Từ thực tế áp dụng, giới chuyên môn đánh giá cao VAR nhờ sự “công tâm”, nhưng cũng gây không ít lời ra tiếng vào. Còn nhớ, tại Asian Cup 2019, Việt Nam và Nhật Bản đã cống hiến một trận cầu hấp dẫn, mở màn cho loạt trận vòng tứ kết Asian Cup 2019. Ngay ở lần đầu ra mắt, VAR trở thành điểm nhấn đáng chú ý nhất khi trực tiếp định đoạt số phận trận đấu bằng hai quyết định: không công nhận bàn thắng trong hiệp một cho Nhật Bản, và thổi phạt đền Việt Nam ở hiệp hai. Mới đây, ở UEFA Nations League nếu VAR “đúng” khi không công nhận bàn thắng của đội tuyển Anh vào lưới đội tuyển Thụy Sĩ ở trận tranh giải ba, nhưng trước đó lại “sai” khi cho Thụy Sĩ hưởng phạt đền trong trận bán kết với Bồ Đào Nha.
VAR mang đến ánh sáng lẫn bóng tối. Bởi quyết định dùng VAR hay không, quyết định kết quả đúng sai sau khi xem VAR... cũng là của trọng tài. Như vậy, VAR cũng chỉ là công cụ mang tính “tham khảo”, chứ không phải bắt buộc.
Việc VFF đưa công nghệ VAR vào V. League 2019 được cho là một động thái tích cực, dư luận rất ủng hộ. Nhưng từ các yếu tố như trên đã nêu, sự “công tâm” của VAR cần phải kèm theo sự “công tâm” của trọng tài. Đấy mới là vấn đề mà VFF phải chú trọng.
B.T