Hội nghị Cấp cao ASEAN 43: Tầm nhìn dài hạn cho hòa bình và thịnh vượng
Phát biểu tại một sự kiện ngày 28-8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masudi giải thích rằng tầm nhìn dài hạn này quan trọng do mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN chỉ kéo dài 1 năm và cần có sự bền vững để các nước tiếp theo tiếp tục thực hiện. Tầm nhìn dài hạn này sẽ là "kim chỉ nam" để ASEAN tiến lên và nền tảng của tầm nhìn bắt đầu được xây dựng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia.
Theo nữ Ngoại trưởng Retno, ASEAN đã thông qua các Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I vào năm 1976, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II vào năm 2003, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN III vào năm 2011 và hiện các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục với mục tiêu thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV làm nền tảng cho Tầm nhìn ASEAN 2045 tại HNCC ASEAN 43 sắp tới.
Liên quan đến trọng tâm thứ 2 - "ASEAN Tầm vóc" - một số nội dung sẽ được thảo luận và thống nhất bao gồm Quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các HNCC ASEAN. Điều này liên quan đến việc ra quyết định, nhất là trong các tình huống khủng hoảng mà không cần phải thay đổi Hiến chương ASEAN vốn là vấn đề nhạy cảm. Bà Retno cho hay tất cả các nước đều nhận thấy rằng ASEAN cần đẩy nhanh quá trình ra quyết định, nhất là vào những lúc tổ chức này rơi vào khủng hoảng.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng sẽ thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường các hoạt động ngoại giao tại Jakarta- nơi đặt trụ sở chính của ASEAN. Ví dụ, gia tăng quyền ra quyết định cho các Đại sứ, Đại diện thường trực các nước tại ASEAN; tăng cường Ban thư ký ASEAN (ASEC) thông qua việc tổ chức các hội nghị tại trụ sở ASEC ở Jakarta; tăng cường vai trò của Tổng thư ký ASEAN; và gia tăng nguồn kinh phí.
Trọng tâm thứ 3 - "Tâm điểm tăng trưởng" - bao gồm nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, quyền tiếp cận thị trường tự do và công bằng. Một số nội dung đã được nhất trí tại HNCC ASEAN 42 và sẽ được chuyển thành các Kế hoạch hành động, hoặc được thúc đẩy dưới hình thức quan hệ đối tác với các nước đối tác tại HNCC ASEAN 43, ví dụ quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh lương thực, quan hệ đối tác ASEAN+3 (ASEAN cùng 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về hệ sinh thái xe điện...
Liên quan đến trọng tâm thứ 4, theo bà Retno, bên lề HNCC ASEAN 43, Chủ tịch ASEAN năm 2023 sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF), quy tụ các quan chức ra quyết sách và khu vực tư nhân nhằm thảo luận về hợp tác kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là một trong những động thái quan trọng nhằm triển khai thực hiện và cụ thể hóa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (AOIP).
Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Pahala Mansury cho biết thêm AIPF nhằm khuyến khích hợp tác, chuyển từ trọng tâm hợp tác về an ninh trước đây sang hợp tác cụ thể trong lĩnh vực kinh tế. AIPF sẽ tập trung thảo luận 3 lĩnh vực chính, bao gồm cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; số hóa và công nghiệp sáng tạo; và nguồn tài trợ. Trong đó, 2 lĩnh vực đầu tiên được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng của khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong tương lai. ASEAN cần đảm bảo rằng các nguồn tài trợ mang tính đổi mới và bền vững nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Theo ông Pahala, tổng giá trị của các dự án trong khuôn khổ AOIP hiện lên tới 120 tỷ USD. Hiện 93 dự án có thể được xem là đã chín muồi với tổng trị giá 38 tỷ USD. Ngoài ra, còn có các dự án vẫn nằm trong danh mục tiềm năng. AIPF sẽ được Tổng thống Jokowi chính thức khai mạc vào chiều 5/9 và được kỳ vọng sẽ trở thành diễn đàn thảo luận và giới thiệu các dự án đang triển khai hoặc tiềm năng.
Hữu Chiến