Báo Công An Đà Nẵng

Hội nghị cấp cao ASEAN: Trọng tâm biển Đông và RCEP

Thứ bảy, 02/11/2019 13:03

Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhau tại một hội nghị cấp cao thường niên lần thứ 35, sẽ bắt đầu khai mạc vào hôm nay (2-11) tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, với trọng tâm bàn về vấn đề biển Đông và hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

An ninh được thắt chặt tại một địa điểm diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan ở tỉnh Nonthaburi (gần thủ đô Bangkok), Thái Lan.  Ảnh: AP

An ninh đã được thắt chặt trên khắp Thái Lan. Theo AP, hơn 3.000 đại biểu gồm lãnh đạo và đại diện của ASEAN và 13 quốc gia cùng 5 tổ chức quốc tế tham gia hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này.       

Biển Đông tiếp tục chi phối

Biển Đông được đánh giá vẫn là nội dung trọng tâm trên bàn hội nghị cấp cao lần này.

Báo Bangkok Post dẫn các dự thảo văn kiện quan trọng của hội nghị cho thấy, các lãnh đạo ASEAN và đối tác sẽ ra tuyên bố quan ngại trước việc Trung Quốc tuyên bố vô lý chủ quyền cũng như hoạt động phi pháp ở biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Ngoài ra, hội nghị sẽ thúc đẩy cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Trước thềm hội nghị, phía Mỹ hối thúc ASEAN phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về các tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Theo các nguồn tin trên, Washington đã hối thúc các nước thành viên ASEAN “phản đối những tuyên bố chủ quyền bành trướng và trái phép của Trung Quốc” ở biển Đông trước các đại diện Trung Quốc tham dự các cuộc họp ở Thái Lan. Chính phái đoàn Mỹ cũng sẽ nêu vấn đề này tại các hội nghị mà họ tham gia, trong đó có Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bao gồm cả ASEAN và các nước đối tác đối thoại.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump trong những năm gần đây đã tăng cường các nỗ lực để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như phản đối các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông. Tuy nhiên, trong thông báo mới đây, Nhà Trắng khiến Châu Á thất vọng khi cho biết, trong khi Tổng thống Trump dự kiến tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào giữa tháng 11 tới, quan chức cấp cao nhất trong chính quyền của ông, người sẽ đến Bangkok tham dự các hội nghị liên quan là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Trên thực tế, mặc dù báo cáo chiến lược năm nay của Lầu Năm Góc nêu rõ, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với tương lai nước Mỹ nhưng thực tế chính quyền Tổng thống Trump lại đang giảm bớt sự hiện diện của Mỹ tại EAS và các cuộc họp của ASEAN. Tổng thống Trump từng tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Manila (Philippines) hồi năm 2017, nhưng ông lại chưa bao giờ tham dự một cuộc họp EAS trọn vẹn. Tiếp đó, Phó Thổng thống Mỹ Mike Pence đã đại diện nước Mỹ tham dự các cuộc họp ở Singapore năm ngoái. Ngược lại, người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama đã tham dự mọi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Đông Á từ năm 2011. Ngoại trừ hồi năm 2013, ông Obama phải hủy việc tham gia các hội nghị này do chính phủ Mỹ đóng cửa.

Nỗ lực hoàn tất đàm phán RCEP

Sự vắng mặt của Tổng thống Trump ở Bangkok đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược của Mỹ ở Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiện là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - hồi năm 2017. “Tổng thống Trump đang đối phó với những rắc rối chính trị to lớn ở trong nước và điều đó cũng gây lo ngại về vấn đề và cam kết của Mỹ đối với phần này của thế giới”, nhà phân tích chính trị Richard Heydarian nói.

Trong khi đó, ASEAN lại đang đi đến những nỗ lực vào phút cuối với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, để về hoàn tất cuộc đàm phán về RCEP- một trong các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, vốn bắt đầu đàm phán từ tháng 11-2012. Trung Quốc là một trong những nước dẫn đầu các cuộc đàm phán cùng với    các thành viên ASEAN và các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Mỹ, vốn chỉ thích các thỏa thuận thương mại song phương, không tham gia.

Mới đây, các nguồn tin cho biết, các bên đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong tiến trình đàm phán RCEP và hiện chỉ còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cuối cùng. Và nếu thành công, một thỏa thuận cuối cùng sẽ thúc đẩy thương mại tự do trong thời kỳ bảo hộ và hội nhập hơn nữa giữa Trung Quốc với nhiều nền kinh tế sôi động nhất Châu Á. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số 3,56 tỷ người và giá trị thương mại hơn 1.030 tỷ USD (chiếm 29% giá trị thương mại toàn cầu).

Tuy nhiên, một số quốc gia như Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng ký kết khi bày tỏ lo ngại, thỏa thuận có thể khiến thị trường của họ tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc và làm suy yếu các nhà sản xuất trong nước.

KHẢ ANH