Báo Công An Đà Nẵng

Hội nghị khí hậu COP26: Thực tế và kỳ vọng

Thứ hai, 01/11/2021 13:01

Các lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Glasgow, Scotland để dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11 giữa bối cảnh các nước thắt chặt những chính sách về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do Trái đất đang báo động hơn bao giờ hết.

Biểu tình ở Đức yêu cầu nhà lãnh đạo các nước hành động để chống biến đổi khí hậu trên khắp thế giới trước thềm COP26. Ảnh: Getty

Hội nghị COP26 tại Glasgow quy tụ khoảng 20.000 nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạt động quốc tế cùng hàng chục nguyên thủ các nước. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm lãnh đạo Mỹ tham dự COP. Giới quan sát kỳ vọng Tổng thống Joe Biden sẽ giữ vai trò đáng kể ở vòng đàm phán này. Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu được kỳ vọng đạt bước tiến cho quy định mua bán khí phát thải carbon và tương lai từ bỏ hoàn toàn điện than đá.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không hiệu quả?

Biến đổi khí hậu đang gây nên những thiên tai, thảm họa chưa từng có tiền lệ trên khắp thế giới từ những trận cháy rừng kinh hoàng ở Nam Mỹ cho đến những trận lụt “nghìn năm có một” ở Trung Quốc và các nước Châu Âu. Trên thực tế, thế giới đã nóng lên 1,1°C và tiến nhanh đến giới hạn báo động đỏ. Đánh giá vừa qua của Liên hợp quốc dự đoán mức tăng nhiệt độ sẽ vượt mốc 1,5°C trong hai thập kỷ tới.

6 năm trước, gần như mọi quốc gia trên thế giới đã đặt bút ký vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cam kết giảm khí thải nhà kính với những lộ trình riêng. Dù vậy, khí thải gây nóng lên toàn cầu vẫn tăng nhanh hơn dự kiến, đạt mức kỷ lục trong năm nay bất chấp đợt giảm ngắn ngủi trong năm 2020 vì đại dịch. Hiệp định Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Tại COP26, lần đầu tiên từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước phải đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ từng đặt ra. Hơn 100 thành viên đã đề xuất mục tiêu mới, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC). Vì vậy, giới chuyên gia, chính trị gia và công chúng quốc tế quan tâm đến môi trường hồi hộp dõi theo COP26, kỳ vọng bước tiến mới trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, các chuyên gia không còn nhiều lạc quan như trước, nhất là sau bài học từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Họ cho rằng những NDC mới vẫn không đủ sức ngăn chặn cơn ác mộng nóng lên toàn cầu vượt tầm kiểm soát.

G20 nhất trí tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C

Hội nghị COP26 tại Glasgow được coi là cơ hội để đoàn kết cả thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Nhưng ngay tại bàn hội nghị G20 trước thềm COP26, một không khí khó khăn bao trùm. Trong ngày họp thứ 2, ngày 31-10, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Rome, Italia phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vượt qua bất đồng về đưa ra cam kết về cách thức ứng phó với tình trạng ấm lên trên toàn cầu trước thềm hội nghị COP26. Lượng phát thải carbon của các nước G20 chiếm gần 80% lượng phát thải trên toàn thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, việc đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 1,5 độ C - mục tiêu tham vọng nhất trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - đồng nghĩa với việc giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và về 0 vào năm 2050.

Sau nhiều giờ căng thẳng, G20 đã nhất trí khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cũng như cách thức đưa mức phát thải ròng về 0. Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong số những người thúc đẩy hành động ở Rome cho dù bản thân chính sách khí hậu đầy tham vọng của ông cũng đang “gặp khó” ngay trong nội bộ đảng Dân chủ.

Phát biểu với tờ Week Journal du Dimanche, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome phải nỗ lực hết sức để đảm bảo thành công của Glasgow. Trước đó, ông Mario Draghi, Thủ tướng Itaia- nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, chủ nhà hội nghị, hối thúc các nhà lãnh đạo G20 phải hành động chống biến đổi khí hậu.

Ở bên ngoài hội nghị G20, Trung Quốc và Ấn Độ từng đặt tham vọng chuyển dịch sang năng lượng xanh, trở thành đầu tàu cắt giảm khí thải cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đợt mất điện diện rộng nghiêm trọng vài tuần qua đã buộc họ đổi ý, ít nhất là trong tương lai gần. Bắc Kinh vào giữa tháng 10 đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh sản xuất than đá phục vụ nhiệt điện, nguồn cung năng lượng chủ lực cho guồng máy công nghiệp quốc gia.

KHẢ ANH