Báo Công An Đà Nẵng

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nghiên cứu kỹ các phương án giới thiệu nhân sự

Thứ ba, 06/10/2015 08:22

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-10, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn về các nội dung: Tình hình kinh tế- xã hội năm 2015, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số vấn đề để Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2015; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Việc đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội đất nước từ đầu năm đến nay, dự báo cả năm 2015 sẽ là tiền đề quan trọng để đánh giá chuẩn xác kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội do Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết Trung ương đã đề ra; làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà và bảo đảm cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010-2020.

Tổng Bí thư lưu ý các đại biểu chú ý phân tích, đánh giá tác động của những diễn biến bất thường trên thế giới và trong khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta; dự báo tình hình những tháng cuối năm 2015 và năm 2016, đặc biệt là xu hướng biến động của thị trường thế giới và thực tế đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến tích cực về chất, có tính chất đột phá cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và các năm tiếp theo.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến về những đề xuất, kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về các cân đối lớn của nền kinh tế; đổi mới việc phân bổ vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn phù hợp với Luật Đầu tư công mới được ban hành; về thu - chi, bội chi ngân sách Nhà nước; về định mức và thời hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; về chủ trương dùng một phần tiền thu được từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào một số công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng và xây dựng nông thôn mới.

Hoàn thiện các phương án nhân sự

Về công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đến đầu tháng 7-2015, đã có 63 tỉnh, thành phố và 162 ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương thực hiện xong việc giới thiệu nhân sự vòng 1. Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã nghe báo cáo kết quả giới thiệu vòng 1 và cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nhân sự để giới thiệu vòng 2; về phương pháp, cách làm và việc triển khai thực hiện giới thiệu vòng 2. Trong tháng 8-2015, tất cả các tỉnh, thành phố và ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương đã hoàn thành việc giới thiệu nhân sự vòng 2.

Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương ở vòng 1, vòng 2 đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự; các tổ công tác làm nhiệm vụ theo dõi, chứng kiến việc lấy phiếu tín nhiệm đã thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, trách nhiệm cao. Trên cơ sở Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, thảo luận kỹ dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, các phương án lựa chọn, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện.

Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự qua 2 vòng của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ các phương án giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thảo luận và đóng góp ý kiến. Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường hợp cụ thể, hoàn thiện thêm các phương án về nhân sự để Trung ương xem xét, quyết định vào các hội nghị tiếp theo.

Cũng tại Hội nghị này, lần đầu tiên, Bộ Chính trị trình Trung ương Báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Trên cơ sở tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ Đại hội VI đến Đại hội XI, cả về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, độ tuổi, quy trình giới thiệu, lựa chọn, kết quả bầu cử các khóa, việc phân công các chức danh chủ chốt, Báo cáo của Bộ Chính trị đã rút ra một số kinh nghiệm, phương pháp, cách làm và kiến nghị với Trung ương những vấn đề cần áp dụng cho khóa này.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo.

Xem xét, quyết định phương hướng bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp

Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sắp tới sẽ là lần thứ hai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một thời điểm, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở những nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; ngày bầu cử dự kiến...

Nhấn mạnh nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Thu Thủy – TTXVN

Một số kết quả đại hội 22 Đảng bộ trực thuộc Trung ương

Tính đến ngày 1-10, đã có 22 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, 21 Đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ Quân đội Trung ương tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2015-2020. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả đại hội các Đảng bộ và ý kiến tổng hợp của các đoàn công tác, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội được thực hiện nghiêm túc, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên, tạo được không khí phấn khởi, dân chủ, đoàn kết trước, trong và sau đại hội.

22 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tiến hành đại hội đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình; hoàn thành tốt các nội dung theo quy định, phát huy dân chủ, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm, đạt mục đích yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương. Hầu hết đại biểu dự đại hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng vào báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành nhiệm kỳ 2010-2015, văn kiện của cấp trên và thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm trong bầu cử.

Đại hội của 21 Đảng bộ tỉnh, thành phố đã bầu ra 1.123 ủy viên ban chấp hành (thiếu 5 đồng chí so với Đề án nhân sự ban đầu). Độ tuổi bình quân cấp ủy 21 Đảng bộ là 50,05 tuổi, trong đó 2 Đảng bộ Ninh Bình và Hà Giang có tuổi bình quân cấp ủy thấp nhất lần lượt là 47,5 tuổi và 48,44 tuổi. Số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là 146 đồng chí, đạt 13%. Số lượng cán bộ trẻ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là 79 đồng chí, đạt 7,03%. Đội ngũ cấp ủy 21 Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 có trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ cao: Có 85 tiến sỹ và 9 phó giáo sư.

21 đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bầu ra 21 bí thư cấp ủy, trong đó có 1 bí thư là nữ. Độ tuổi bình quân của 21 bí thư là 51,79 tuổi. Tổng số phó bí thư được bầu là 48 đồng chí (thiếu 1), trong đó có 6 phó bí thư là nữ. Độ tuổi bình quân của 44 phó bí thư là 50,08 tuổi.Việc bầu đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc được thực hiện đúng quy chế; bầu đủ số lượng được phân bổ, đảm bảo về tiêu chuẩn, cơ cấu, tỷ lệ trúng cử đạt cao. 22 đại hội đã bầu 449 đại biểu chính thức và 37 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

TTX