Báo Công An Đà Nẵng

Hội nghị Mỹ-Triều: Càng đến gần, càng nhiều hy vọng

Thứ ba, 26/02/2019 06:38

4 ngày trước cuộc gặp được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thực tế những hình ảnh chuẩn bị tại Hà Nội khiến giới quan sát kỳ vọng rất nhiều.

Các nhà phân tích cho rằng, Washington sẽ tìm kiếm các bước cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng sẽ có những chính sách cởi mở hơn để định hình lại ngoại giao nước ngoài thông qua hội nghị lần này. Với Việt Nam chúng ta, đây cũng là cơ hội để thể hiện sự quyến rũ của mình và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Cờ Mỹ và Triều Tiên được bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội.  Ảnh: AP

Vì sao ông Trump “không vội vàng” trong vấn đề Triều Tiên?

Các cuộc đàm phán sau cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim ở Singapore vào tháng 6-2018 đã bế tắc, do sự khác biệt về các vấn đề quan trọng như lộ trình phi hạt nhân hóa, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt và liệu có đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh hay không. Tổng thống Trump mới đây tiếp tục nhấn mạnh, ông muốn thấy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, nhưng đồng thời lưu ý, “không vội vàng” vì các biện pháp trừng phạt vẫn có hiệu lực và Bình Nhưỡng đã kiềm chế thử hạt nhân và tên lửa.

Một quan chức Mỹ hồi cuối tuần qua khẳng định, hai bên sẽ hướng tới một cuộc đàm phán thống nhất về ý nghĩa phi hạt nhân hóa tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Theo chính phủ Mỹ, hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2 sẽ bao gồm cuộc gặp riêng giữa ông Trump-Kim và các cuộc hội đàm mở rộng với các phái đoàn của họ. Một tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp. Kyle Ferrier, nhà phân tích của Viện Kinh tế Hàn Quốc (KEI) có trụ sở tại Washington, nói rằng, Mỹ sẽ tìm kiếm các bước cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa và dường như sẵn sàng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên để có được điều này. Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ hoan nghênh tuyên bố chấm dứt chiến tranh, xem đây là bước đầu tiên để đạt được một nền hòa bình lâu dài hơn trên bán đảo Triều Tiên.

Giữa hoài nghi và chỉ trích về hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singapore, Tổng thống Trump đang hy vọng sẽ đảm bảo có được một số nhượng bộ hoặc cam kết cụ thể từ ông Kim để cho thấy kế hoạch ràng buộc của ông đã và vẫn đang hoạt động.Thực tế là ông Trump đang gặp khó khăn trong nước do chính phủ vừa mở cửa sau thời gian đóng cửa kéo dài nhất trong lịch sử. Vì vậy, nếu ông Trump có thể thành công trong cuộc họp thượng đỉnh lần này và kết thúc với những nhượng bộ lớn từ ông Kim, đó thực sự sẽ là tin tốt cho ông chủ Nhà Trắng.

“Tín hiệu xanh” từ Bình Nhưỡng

Đáp lại mong muốn của ông Trump, ông Kim Jong-un, trong bài phát biểu Năm mới, đã nhấn mạnh sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ mới với Mỹ, tiến đến hòa bình chính thức trên bán đảo Triều Tiên và theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn với điều kiện Mỹ thực hiện các biện pháp tương ứng.

 Triều Tiên đã và đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện quan hệ đối ngoại. Sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 4 mà ông Kim Jong-un đến thăm trong vòng 1 năm qua. Kể từ tháng 3-2018, ông Kim Jong-un đã đến Trung Quốc 4 lần và gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình trong mỗi chuyến thăm. Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau 3 lần vào năm ngoái, và đã nhất trí về các cách để xoa dịu căng thẳng quân sự và ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ.

Thực tế là mối quan hệ liên Triều đang ấm lên hơn bao giờ hết. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hình ảnh của Triều Tiên trong lòng sinh viên Hàn Quốc đã tăng lên tích cực trong bối cảnh tâm trạng hòa bình đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, được tạo ra bởi một loạt các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ-Triều vào năm ngoái cho đến hội nghị lần 2 sắp tới. Bình Nhưỡng cũng đã có lời mời các nước đến thăm.

Hồi tháng 11-2018, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã đến Bình Nhưỡng và gặp ông Kim Jong-un thảo luận về những cách thức sâu sắc để tăng cường hợp tác và trao đổi trong nhiều lĩnh vực. Wang Junsheng, một chuyên gia quan hệ quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết, chuyến thăm Hà Nội của ông Kim Jong-un cho thấy thái độ cởi mở của ông đối với việc xây dựng một chính sách đối ngoại mở, đặc biệt là tăng cường giao tiếp và hợp tác với các nước. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, ông Kim cũng muốn thực hiện chuyến đi Hà Nội như một cơ hội để học hỏi từ sự chuyển đổi kinh tế bước ngoặt của Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á.

Quyền lực mềm của Việt Nam

Nhiều chuyên gia tin rằng, việc trở thành nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này cho thấy sự quyến rũ và vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam, từ đó giúp chúng ta thúc đẩy kinh tế và du lịch.

Tờ Tân Hoa Xã cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore, hàng ngàn phóng viên đã đến quốc đảo sư tử, và điều tương tự cũng đang diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, 2.600 phóng viên nước ngoài đã đăng ký để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh. Và theo các chuyên gia, trong quá trình đưa tin về hội nghị thượng đỉnh, các phóng viên quốc tế sẽ quảng bá hình ảnh của Việt Nam rộng rãi ra thế giới. Chúng ta đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng đầy đủ và hiện đại cho trung tâm truyền thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên nước ngoài đưa tin về sự kiện này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã chỉ đạo các bộ, ngành làm hết sức mình để đảm bảo an ninh và an toàn làm cho hội nghị thượng đỉnh thành công.

 “Một Việt Nam xinh đẹp và thành công về kinh tế sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn, điều này sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đây”, một chuyên gia nhận định.

KHẢ ANH