Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 16: Nói thẳng để làm được việc
(Cadn.com.vn) - Ngay mở đầu Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 16 sáng qua (1-7), Bí thư Thành ủy Trần Thọ quán triệt toàn thể các đại biểu: “Các anh cứ trao đổi thẳng thắn, nghịch nhĩ cũng là bình thường, tất cả vì mục tiêu phát triển thành phố này”.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: H.Q |
Không có chuyện cấp trên vô can
Trên tinh thần quán triệt của Bí thư Thành ủy, những vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng 6 tháng qua cũng như kế hoạch cho thời gian tới đã được đề cập, thảo luận sôi nổi.
Về vấn đề trọng tâm là thu ngân sách, ông Trần Văn Miên - Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng nói, trong 4/14 khoản thuế thu đạt dưới 50% có thuế thu từ đất, chỉ được 752 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Ông Miên nói tiếp, trong nửa năm qua có 775 doanh nghiệp (DN) nghỉ kinh doanh hẳn, hơn 500 DN tạm nghỉ, tổng số gần 1.300 DN ngừng hoạt động, việc thu nợ thuế từ các DN này rất khó khăn, ước khoản nợ trên 150 tỷ đồng. Mặt khác, quy định phạt nợ thuế quá cao, tính ra tới 22%/năm, nhiều DN thậm chí trả gốc còn không nổi huống gì phạt nợ thuế. Chỉ tiêu giao thu ngân sách của TP năm nay tăng 10%, nhưng thực tế đang phải đối mặt nhiều khó khăn.
Đơn cử như quy định mới bỏ đánh thuế hàng nông thủy sản xuất khẩu chưa qua chế biến, ít nhất từ giờ tới cuối năm nguồn thu của TP cũng mất khoảng 200 tỷ đồng. Để gỡ điểm vướng này, ông Miên đưa ra giải pháp sẽ tập trung vào kiểm soát chặt hóa đơn, đây là lĩnh vực thất thu thuế rất lớn. Mặt khác phải tăng cường thu nợ thuế, đặc biệt phải kiểm soát chặt, tăng thu trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Đây là lĩnh vực lâu nay xảy ra thất thu thuế lớn, vì thế sẽ tăng thu thuế vào mùa cao điểm và điều chỉnh giảm vào mùa thấp điểm. Vừa qua có khách sạn điều chỉnh tăng thuế thêm 50 triệu đồng/tháng. Cục Thuế cũng tính toán trong năm nay sẽ kiểm tra khoảng 2 ngàn DN truy thu thuế khoảng 100 tỷ đồng.
Cũng liên quan tới nợ đọng thuế, ông Nguyễn Tiến Thọ - Cục trưởng Hải quan Đà Nẵng cho biết hiện còn khoảng 90 tỷ đồng nợ từ các DN chưa thu được. Cá biệt như Nhà máy thuốc lá Đà Nẵng nợ cả thuế và tiền phạt thuế nên tới 40 tỷ đồng. Nhiều DN cũng bỏ trốn khỏi địa bàn khiến việc thu nợ thuế cũng rất khó khăn. Cũng theo ông Thọ, trung bình mỗi tuần có 140 chuyến bay quốc tế tới Đà Nẵng nhưng từ giữa tháng 5 sau khi nổi lên vấn đề biển Đông đã giảm 50% số chuyến bay, nhất là các chuyến bay từ Trung Quốc, điều này đã ảnh hưởng nhất định tới nguồn thu từ khách du lịch.
Mặt khác nhiều DN lớn ở Đà Nẵng phải nhập nguyên liệu, máy móc từ Trung Quốc, nhưng cũng từ tháng 5 trở lại số lượng nhập đã giảm tới 82%. Số thu thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu từ Trung Quốc trong 6 tháng cũng giảm 11%. Nhưng vấn đề mới nổi lên khá phức tạp mà ông Thọ đề nghị các ngành chức năng của Đà Nẵng phải nỗ lực quan tâm, phối hợp, đó là việc nhập chất phóng xạ, chất nổ, vũ khí có nguy cơ khủng bố, ảnh hưởng tới an ninh. Ở Đà Nẵng chưa xảy ra nhưng đã xảy ra với một số tỉnh bạn. Riêng việc nhập trái phép bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa qua cảng hàng không vào Đà Nẵng, lực lượng Hải quan cũng đã phát hiện xử lý số lượng lớn.
Đồng chí Bí thư Trần Thọ chỉ đạo phải quyết liệt chống thất thu thuế trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn đừng để tình trạng “Họ gọi điện thoại tới tôi bảo anh ơi thất thu nhà hàng khách sạn lớn lắm”. “Có cách nào chống được tình trạng kinh doanh một nơi nộp thuế một nơi không? Liệu việc nộp thuế của các DN này có sòng phẳng, cần thiết phải công bố công khai các DN đó nộp thuế thế nào” - đồng chí Thọ nói. Việc thu ngân sách là nhiệm vụ lớn mà theo Bí thư Thành ủy không có nói lý do khách quan, nếu thu không đạt thì từ trên xuống dưới đều không hoàn thành nhiệm vụ. Cái này áp dụng từ Bí thư Thành ủy, đến Chủ tịch UBND TP, đến Cục trưởng thuế, Hải quan, người đứng đầu các lĩnh vực đất đai, công thương... “Nếu thu không đạt thì đều không hoàn thành nhiệm vụ, không xét thi đua, không có chuyện dưới thì chịu trách nhiệm còn trên thì vô can, không có đảng viên loại 1 gì cả” - Bí thư Thành ủy Trần Thọ kiên quyết.
Làm đúng thì đừng ngại
Nói về “Năm doanh nghiệp” Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha cho biết, hầu như mình mới nhìn 1 mặt từ phía thành phố, trong khi DN là chủ thể chính lại thụ động cứ chờ xem TP hỗ trợ gì. Thậm chí tới kiểm tra họ còn bảo “Năm doanh nghiệp” mà sao ông kiểm tra tôi. Nhưng thực tế cứ kiểm tra là sai phạm. Chưa bao giờ quản lý thị trường xử lý vi phạm tới 9 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng như năm nay. “Mình bỏ tiền tổ chức hội thảo để giúp cho DN có định hướng chiến lược để kinh doanh hiệu quả, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ một số DN quen thuộc tới dự. Nhiều hội thảo còn không dám giải lao vì sợ DN bỏ về hết. Trong khi ở nước ngoài người ta phải bỏ tiền túi ra để được nghe, được học cách làm ăn”- ông Kha nói. Rõ ràng để “Năm doanh nghiệp” hiệu quả thì phải có sự nỗ lực từ hai phía.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho rằng, việc hỗ trợ DN phải cụ thể và dẫn chứng: Nhà máy bia mỗi năm đứng đầu bảng nộp thuế cho ngân sách TP vậy nhưng khi thi công cầu vượt Ngã ba Huế cắt nước để sửa đường ống đột ngột mà không thông báo để DN chuẩn bị. Hệ quả 2 ngày liền DN “đứng bánh”, thiệt hại không biết bao nhiêu tiền. Nói hỗ trợ DN thì ngay cái việc tối thiểu là cung ứng đảm bảo điện, nước để họ chủ động sản xuất mà làm cũng không xong nói gì điều to tát. Kế tiếp là vụ 7 DN ở KCN Hòa Cầm ký hợp đồng thuê đất với TP tới 40 năm giá chỉ có 4.200 đồng/m2, sau đó Cty cổ phần Hòa Cầm về xây dựng hạ tầng lại đùng đùng “đè cổ” thu 26.000 đồng/m2, DN bức xúc kiện ra tòa, tòa cũng xử DN... thua luôn. Thử hỏi cái này là hỗ trợ DN sao?
Cũng liên quan tới vấn đề kiểm soát, quản lý thị trường, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nói: Ở ngã ba, ngã tư họ bày bán mũ bảo hiểm dỏm tràn lan ra đó thì không thu hết, xử lý hết lại cứ đi “đè đầu” người đội mũ bảo hiểm ra phạt. Phải dẹp hết mũ bảo hiểm dỏm mới tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN. Đơn cử như DN Chí Thành từ TPHCM ra mình cam kết với họ sản xuất mũ tiêu chuẩn mua lại, cuối cùng mua nợ tiền họ, mũ dỏm thì tràn lan mũ đạt chuẩn thì không bán được, rồi cũng đến nước DN phải “bỏ của chạy lấy người”.
Nói đến chung cư là bức xúc
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng thì đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy Đà Nẵng là địa phương có căn hộ chung cư cho thuê nhiều nhất nước với 10.300 căn của Nhà nước và gần 6.000 căn của tư nhân. TP đã bỏ quá nhiều tiền để xây chung cư (nhà ở xã hội) để cho thuê, phục vụ mục đích an sinh là có nhà ở. Tuy vậy, với đòi hỏi thực tiễn, TP đang đề xuất bán thí điểm căn hộ chung cư (hiện cả nước chưa địa phương nào xin ý kiến về vấn đề này). Liên quan vấn đề cán bộ công chức thuê chung cư rồi đem bán, cho thuê lại kiếm lời trong khi nhiều người nghèo có nhu cầu thực sự về chỗ ở lại không được cấp, ông Hùng cho biết hiện còn 116 trường hợp, sau 4 ngày nữa nếu không tự ý giao nộp lại thì sẽ xử lý rốt ráo theo quy định.
Chỉ đạo vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nói: TP bỏ tiền ra xây chung cư nay muốn bán cho người nghèo thì Bộ Xây dựng không cho trong khi TP cho công chức thuê lại thì họ lại bán được với giá 200-300 triệu đồng/căn. Không thể chấp nhận tình trạng này, Bí thư Thành ủy đề nghị phải xử lý rốt ráo, vận động không xong thì kỷ luật, cưỡng chế, không để đảng viên, công chức lại đi làm thế. Bí thư Thành ủy Trần Thọ cũng cho biết ông đã có danh sách hết nhưng ráng chờ thêm 4 ngày nữa, lúc đó mà tình trạng này vẫn không xử lý xong thì Ban Giám đốc Sở Xây dựng tự kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật.
Luôn thẳng thắn, quyết liệt và luôn biết tìm cách đi mới để phát triển đó là đặc trưng của Đà Nẵng. Đơn cử từ vài năm trước Đà Nẵng đã hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn tới 30% giá trị con tàu, trong khi Chính phủ mới có hỗ trợ ngư dân mà cũng chỉ là cho vay đóng tàu công suất lớn lãi suất ưu đãi. Và bằng cách đi đó mà số lượng tàu công suất lớn của Đà Nẵng đã tăng mạnh, từ chỗ khoảng 150 tàu nay đã lên 260 tàu. Trong hội nghị lần này cũng vậy, nhiều vướng mắc đã được đưa ra và thẳng thắn nhìn nhận, tháo gỡ với quyết tâm rất cao, đó cũng là tín hiệu đáng mừng để có thể kỳ vọng vào kết quả khả quan trong phát triển KT-XH của TP thời gian tới.
Hải Quỳnh