Báo Công An Đà Nẵng

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Saudi Arabia: Tập trung đại dịch Covid-19

Thứ bảy, 21/11/2020 11:02

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đang thật sự thu hút sự chú ý trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức, từ dịch bệnh Covid-19 cho đến nền kinh tế bị suy yếu nghiêm trọng.

Mọi người xét nghiệm Covid-19 ở Sân bay quốc tế Minneapolis-St. Paul.   Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo sẽ “gặp nhau” theo hình thức trực tuyến từ ngày 21 đến 22- 11 và do Quốc vương Saudi Arabia - Salman bin Abdulaziz Al Saud chủ trì. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hội nghị này. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các chủ đề vượt quá trình đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm; xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu.

Giải quyết những khó khăn trong đại dịch

Hội nghị lần này đang thật sự thu hút trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức, từ dịch bệnh Covid-19 cho đến nền kinh tế bị suy yếu nghiêm trọng.

Cũng vì do Covid-19, hội nghị năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến. Và vì vậy, các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có và đang phát triển trên thế giới sẽ không có cơ hội tiến hành ngoại giao thân mật trong các cuộc họp kín hoặc tạo ra những bức ảnh đáng nhớ. Không có sự xuất hiện của thảm đỏ, đây sẽ không phải là dịp để đội chủ nhà Saudi Arabia thu hút giới truyền thông thế giới. Và cũng không có nhiều kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ tìm được phản ứng thống nhất trên toàn cầu đối với đại dịch tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Chính phủ Saudi Arabia cho biết, với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”, hội nghị lần này sẽ tập trung vào việc bảo vệ cuộc sống và khôi phục tăng trưởng bằng cách giải quyết những khó khăn trong đại dịch Covid-19 và đặt ra nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đến nay, các nước thành viên G20 đóng góp hơn 21 tỷ USD để hỗ trợ tài trợ cho y tế toàn cầu. Số tiền cam kết hỗ trợ trên sẽ được sử dụng cho các công tác chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển vaccine, điều trị Covid-19, những hoạt động nghiên cứu và phát triển khác.

Saudi Arabia, nước Chủ tịch luân phiên của G20 hiện nay, đã cam kết hỗ trợ 500 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại đại dịch. Sau đó, Saudi Arabia sẽ phân bổ 150 triệu USD cho Liên minh ứng phó và sáng tạo đẩy lùi dịch bệnh toàn cầu; 150 triệu USD cho Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu; 200 triệu USD cho các tổ chức và chương trình y tế khác. G20 cũng đã đầu tư 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu và đưa ra sáng kiến giãn nợ 14 tỷ USD trong năm nay cho những quốc gia kém phát triển nhất.

Quá nhiều thách thức

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ trích rằng, trong khi cam kết chi hàng tỷ USD cho thuốc và vaccine chống Covid-19, các nước G20 chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung cấp của chính họ.

Ngoài việc gây khó khăn trong các kế hoạch của Saudi Arabia, đại dịch một mặt mang đến cho G20 cơ hội chứng minh cách các cơ quan này có thể tạo điều kiện hợp tác quốc tế trong các cuộc khủng hoảng - nhưng cũng nhấn mạnh những thiếu sót của họ. G20 - nơi các nước thành viên đại diện cho khoảng 85% sản lượng kinh tế thế giới và 3/4 thương mại quốc tế - được thành lập vào năm 1999 như một cách để các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương thảo luận về nền kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 3, khi các lệnh đóng cửa biên giới giúp làm chậm sự lây lan của virus, ảnh hưởng đến 1/4 dân số thế giới, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã triệu tập hầu như các nhà lãnh đạo G-20. Vào thời điểm đó, con số tử vong toàn cầu được ghi nhận do virus này vừa vượt qua con số 22.000. Các nhà lãnh đạo G 20 cam kết chia sẻ thông tin và tài liệu cần thiết cho nghiên cứu, trao đổi dữ liệu dịch tễ học và lâm sàng cũng như củng cố hệ thống y tế. Họ cũng hứa sẽ bắt tay để tăng tài trợ cho nghiên cứu vaccine.

Nghiên cứu nhanh chóng và chia sẻ thông tin khoa học để phát triển các thử nghiệm Covid-19 và vaccine đã được thực hiện. Công việc về vaccine mới chỉ bắt đầu trong năm nay, và đang cho thấy những thành công. Nhưng liệu hệ thống y tế có được củng cố hay không vẫn còn tranh cãi; ngay cả ở những quốc gia giàu có nhất như Mỹ và những quốc gia ở Châu Âu, các bệnh viện đã trở nên quá tải và các chương trình xét nghiệm và truy vết đã gặp khó khăn.

KHẢ ANH