Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Lý do Singapore sẽ được “chọn mặt gửi vàng”
Giới phân tích cho rằng, Singapore là lựa chọn gần như chắc chắn vì nhiều lý do. Đặc biệt, quốc đảo này còn là nơi có lịch sử tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh cấp cao khác, trong đó có cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu vào năm 2015.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ gặp nhau tại Singapore vào giữa tháng 6 tới. Ảnh: Reuters |
Báo SCMP của Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 7-5 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên có khả năng sẽ gặp nhau tại Singapore vào giữa tháng 6 tới.
Các chuyên gia cho rằng, ngày dự kiến của hội nghị thượng đỉnh bị đẩy lùi từ cuối tháng 5 đến tháng 6 như vậy, một phần là do phải chờ Hội nghị Thượng đỉnh G7 - một khối bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ - diễn ra ở Canada vào ngày 8 và 9 -6, kết thúc.
An ninh, danh tiếng
Rất nhiều địa điểm đã được đưa lên bàn cân chọn lựa cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều bởi đây thật sự không phải là vấn đề đơn giản vì nó phụ thuộc rất nhiều vào tính toán và thông điệp chính trị của các bên.
Ngoài làng đình chiến Panmunjom, thủ đô các quốc gia Châu Âu nổi tiếng là “thiên đường sống” như Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng đã được nói đến nhiều. Tuy nhiên, khả năng này sau đó bị loại bỏ vì khoảng cách địa lý quá xa so với Triều Tiên. Mông Cổ - quốc gia có mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và Triều Tiên và có hệ thống đường tàu để ông Kim Jong-un có thể tới bằng đoàn tàu hỏa - cũng là ứng viên nặng ký. Tuy nhiên, Singapore hiện nay được cho là lựa chọn gần như chắc chắn vì nhiều lý do.
Thứ nhất, an ninh trật tự tại quốc đảo này rất tốt. Thứ hai, quốc đảo này còn là nơi có lịch sử tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh cấp cao khác, trong đó có cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu vào năm 2015. Và cuối cùng, cả Bình Nhưỡng và Washington đều có đại sứ quán tại đây.
Thông tin Singapore được “chọn mặt gửi vàng” rộ lên khi vào cuối tuần qua, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ - Triều đã thống nhất được ngày giờ và địa điểm để tổ chức họp thượng đỉnh dù không nói rõ cụ thể. Theo một nguồn tin, Tổng thống Trump là người đưa ra ý tưởng tổ chức các cuộc đàm phán lịch sử tại nơi mang tính biểu tượng sâu sắc: đó là làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự dọc theo biên giới giữa Hàn- Triều. Tuy nhiên, sau đó, hai bên đã chọn “bên thứ ba” là Singapore.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, với khả năng khó đoán định, ông Trump có thể thay đổi địa điểm và quyết định chọn gặp ông Kim Jong-un ở làng Panmunjom.
“Sóng ngầm” trước thềm hội nghị
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được định đoạt sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký Tuyên bố Panmunjom vào ngày 27-4, nhất trí hướng đến “kỷ nguyên hòa bình mới”. Tổng thống Moon Jae-in sẽ đến Washington vào ngày 22-5 để thảo luận về kế hoạch cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, cuộc gặp gỡ lịch sử và đóng một vai trò quan trọng trên con đường chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, cũng tìm cách không bị ra rìa trong các cuộc đàm phán trên bán đảo Triều Tiên.
Vấn đề đặt ra hiện nay là thái độ của “người trong cuộc”. Triều Tiên hôm 6-5 đã cáo buộc Mỹ “lệch lạc” khi tuyên bố, cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng là kết quả của các biện pháp trừng phạt của Washington. Bình Nhưỡng cũng cho rằng, Washington đang cố tình khiêu khích khi triển khai thêm các khí tài chiến lược tới Hàn Quốc, bất chấp sự cải thiện trong mối quan hệ liên Triều. Và chính quyền của ông Kim Jong-un đã kêu gọi Nhà Trắng ngừng gây sức ép và chấm dứt những mối đe dọa quân sự nhằm vào nước này, khẳng định các hành động đó sẽ không giúp ích cho việc giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Và trong diễn biến mới nhất, tờ Rodong Sinmun, nhật báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên ngày 7-5 cho rằng, sự tái thống nhất giữa hai miền Triều Tiên trong tương lai phải dựa trên nguyên tắc độc lập dân tộc, đồng thời bác bỏ mọi sự can thiệp từ bên ngoài.
KHẢ ANH