Báo Công An Đà Nẵng

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nguy cơ đổ vỡ

Thứ năm, 24/05/2018 10:31

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều dự kiến diễn ra ngày 12-6 tại Singapore đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa hủy bỏ cuộc gặp này nếu điều kiện của các bên không được đáp ứng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp tại Nhà Trắng.   Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ-Triều có thể không diễn ra theo đúng kế hoạch", CNN dẫn phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng ngày 22-5.

Ông Trump tuyên bố, Mỹ vẫn tích cực chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nhưng sẵn sàng dời cuộc gặp sang thời điểm khác hoặc thậm chí hủy bỏ, nếu như không đạt được một số điều kiện nhất định. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, một trong những điều kiện tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, đó là Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. "Có những điều kiện chắc chắn chúng tôi mong muốn. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có những điều kiện đó. Nếu không, cuộc gặp sẽ không diễn ra", ông cho biết.

Ông Trump cũng một lần nữa đưa ra những cam kết nếu Triều Tiên giải trừ hạt nhân hoàn toàn. "Ông ấy sẽ được an toàn. Ông ấy sẽ vui vẻ. Đất nước của ông ấy sẽ giàu có", ông Trump nói và khẳng định thêm rằng Mỹ, Nhật, Hàn và Trung Quốc sẽ đầu tư vào Triều Tiên để giúp nước này trở nên "vĩ đại".

Những bình luận trên của Tổng thống Trump đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều trở nên không chắc chắn sau khi Triều Tiên hồi tuần trước bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp cấp cao đã được lên kế hoạch từ trước với Hàn Quốc, đồng thời để ngỏ khả năng dừng hội nghị thượng đỉnh với Mỹ vào tháng sau. Bình Nhưỡng viện dẫn lý do cuộc tập trận không quân của Mỹ-Hàn là hành động khiêu khích để chuẩn bị cho kịch bản xâm lược Triều Tiên.

Những dấu hiệu rạn nứt

Dự đoán về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đang dần chuyển sang bi quan, vì tính phức tạp của sự kiện này, sự phân chia rõ rệt giữa Washington và Bình Nhưỡng, cũng như những mâu thuẫn trong cách tiếp cận cuộc gặp của Nhà Trắng đang ngày càng trở nên rõ ràng. Bầu không khí lạc quan, hưng phấn khi ông Trump chào đón 3 tù nhân Mỹ trở về từ Triều Tiên cách đây 2 tuần đã chuyển sang nghi ngờ và không chắc chắn.

Vậy những gì đứng sau sự bùng phát đột ngột những dấu hiệu bi quan về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Dấu hiệu bi quan đầu tiên xảy ra khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến Trung Quốc hồi đầu tháng này để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và nói rằng ông đang hướng tới một quá trình "theo giai đoạn và đồng bộ" để cung cấp cho Triều Tiên từng bước phát triển chương trình hạt nhân của mình.

Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo chung với ông Moon Jae-in ở Nhà Trắng hôm 22-5, Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un không còn sẵn sàng bước vào bàn đàm phán với Mỹ sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng. "Tôi nhận thấy thái độ thay đổi của ông Kim Jong-un sau cuộc gặp của ông ấy với ông Tập Cận Bình. Đã có sự thay đổi sau khi ông Kim Jong-un rời Trung Quốc lần thứ hai. Tôi không thích điều đó". Khi được đặt câu hỏi rằng, liệu ông có tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un không còn hứng thú để gặp Tổng thống Mỹ, ông Trump cho biết ông không có ý định "đổ lỗi cho bất kỳ ai". Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo giới quan sát, lời cảnh báo hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Trump là nhằm giữ thể diện cho Mỹ trước việc Triều Tiên dọa sẽ hủy cuộc gặp này. Bởi nếu Mỹ im lặng có nghĩa là nước này đang đứng ở thế yếu trước Triều Tiên, do đó ông Donald Trump bắt buộc phải lên tiếng. Thêm vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng gián tiếp gửi thông điệp đến Trung Quốc, rằng không nên can thiệp quá sâu vào vấn đề của riêng Mỹ và Triều Tiên bởi Trung Quốc nhiều lần lo ngại sự xích lại gần nhau giữa hai quốc gia này sẽ làm giảm vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cùng ngày khẳng định Washington sẽ không nhượng bộ. Trả lời phỏng vấn Đài Fox News, ông Pence nói Triều Tiên không nên tìm kiếm sự nhượng bộ của Mỹ bằng những lời hứa suông. "Sẽ là một sai lầm lớn nếu ông Kim Jong-un nghĩ rằng có thể giở trò với Tổng thống Donald Trump", ông Pence nhấn mạnh, đồng thời thẳng thừng tuyên bố "không nghi ngờ gì" về khả năng Tổng thống Trump có thể hủy bỏ cuộc gặp nói trên. Ông Pence cảnh báo cuộc đối thoại giữa Washingon và Bình Nhưỡng có thể dẫn tới kết cục như tiến trình phi hạt nhân hóa của Libya nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không chịu hợp tác.

Trong khi đó, phía Triều Tiên cũng có những động thái thể hiện sự "lơ là" với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 23-5 cho biết, chính quyền Triều Tiên không mời các quan chức Mỹ tới sự kiện đóng cửa bãi thử hạt nhân tại Punggye-ri. "Tôi chỉ có thể nói với các bạn rằng chúng tôi không nhận được một lời mời nào". Theo tôi biết thì các phóng viên được mời, và tôi không biết gì hơn. Chúng tôi chắc chắn hoan nghênh thông báo về những kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân. Đó là một bước quan trọng trong việc phi hạt nhân hóa đối với Triều Tiên và chúng tôi mong đợi sẽ biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này", nữ phát ngôn viên cho biết.

"99,9% sẽ diễn ra"

Nhiều nhà quan sát nhận định, bất chấp màn đối đáp cứng rắn qua lại giữa các bên, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ vẫn diễn ra bởi cả hai nhà lãnh đạo đều rất kỳ vọng vào cơ hội "nghìn năm có một này".

Jung Pak, cựu quan chức CIA, đồng thời là thành viên của Viện Nghiên cứu Brookings cho biết: "Tổng thống Donald Trump đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nhỏ từ thế hệ đi trước trong đối thoại với Triều Tiên ngày cả trước khi ông gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un". Sự linh hoạt của ông về thời gian và cách thức Bình Nhưỡng giải trừ chương trình hạt nhân được coi là ý tưởng tiến bộ.

Bình luận về triển vọng cuộc gặp sắp tới, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong khẳng định, "99,9% cuộc hội đàm sẽ diễn ra như kế hoạch". Ngoài ra, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết, hội đàm cấp cao liên Triều có thể được nối lại sau ngày 25-5.

AN BÌNH

Phóng viên Hàn Quốc đến Triều Tiên, không phải trả 10.000 USD phí thị thực

Yonhap ngày 23-5 cho biết, đoàn phóng viên của Hàn Quốc gồm 8 người sử dụng một máy bay số hiệu VCN0235 của chính phủ xuất phát từ sân bay Seongnam ở thủ đô Seoul vào lúc 12 giờ 30 (giờ Hàn Quốc) bay thẳng tới thành phố Wonsan của Triều Tiên để đưa tin sự kiện Bình Nhưỡng đóng bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Trước đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên chấp nhận một danh sách các phóng viên Hàn Quốc tới đưa tin. Và một nguồn tin trong Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên không yêu cầu các phóng viên Hàn Quốc phải trả 10.000 USD lệ phí cấp thị thực. Theo kế hoạch, Triều Tiên có thể bắt đầu dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri từ ngày 23 đến 25-5 tùy theo điều kiện thời tiết. Triều Tiên đã mời phóng viên của nhiều hãng truyền thông quốc tế khác nhau tới để đưa tin về sự kiện.

B.N