Báo Công An Đà Nẵng

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sụp đổ

Thứ sáu, 25/05/2018 12:17

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, thời điểm này "không thích hợp" để tổ chức họp thượng đỉnh.

Nhiều bất trắc lộ diện liên tục khiến bàn đàm phán hội nghị thượng đỉnh lịch sử đang rất được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị sụp đổ hoàn toàn. Ông Trump cuối cùng đã quyết định sẽ không gặp lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12-6 tới như kế hoạch để hoàn thành "sứ mệnh" của một hội nghị thượng đỉnh ngoại giao lịch sử.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang có nguy cơ bị hủy bỏ dù Bình Nhưỡng tuyên bố phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri nhằm chứng tỏ thiện chí với Washington. Ảnh: Yonhap

"Cơ hội bị bỏ lỡ"

Vào cuối ngày 24-5 (giờ Việt Nam), Nhà Trắng công bố bức thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong thư, Tổng thống Trump cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un sẽ không diễn ra. Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng sẽ được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào… một ngày nào đó. "Vì vậy, tôi gửi lá thư này như cách để thông báo, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra tại Singapore, vì lợi ích của cả hai bên, sẽ không diễn ra".

Và ông chủ Nhà Trắng cũng giải thích nguyên nhân đi đến quyết định này. Theo đó, ông đưa ra quyết định hủy cuộc gặp quan trọng này "dựa trên thái độ tức giận khủng khiếp cùng thái độ thù địch công khai" trong những phát biểu gần đây của ông Kim Jong-un. Ông Trump cho rằng, thời điểm này không thích hợp để tổ chức cuộc gặp đã được lên kế hoạch với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Theo Tổng thống Trump, việc cuộc gặp không được diễn ra là "một cơ hội bị bỏ lỡ" và là "một thời khắc buồn trong lịch sử". Trong thư, ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo Bình Nhưỡng về kho vũ khí hạt nhân "khổng lồ và uy lực" của Washington.

Tuyên bố hủy hội đàm thượng đỉnh của ông Trump được đưa ra ngay trong ngày bãi thử hạt nhân Punggye-ri, bãi thử duy nhất được biết tới của Triều Tiên  chính thức bị phá dỡ, đánh dấu bước đầu tiên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia ban đầu cho rằng, việc phá bỏ bãi thử sẽ giúp củng cố bầu không khí tích cực, hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh đang được kỳ vọng. Tuy nhiên, bước đi này của Triều Tiên cuối cùng cũng không thể cứu vãn tình hình.

Không quá bất ngờ

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên kế hoạch gặp nhau tại Singapore vào ngày 12-6, đánh dấu cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Cả thế giới háo hức chờ đợi thời khắc lịch sử này. Nhưng trước thềm hội nghị, đã có quá nhiều bất trắc xảy ra. Đầu tiên là Triều Tiên dọa hủy hội nghị này vào hôm 16-5. Và mới nhất, chỉ vài giờ trước quyết định của ông Trump, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ xem xét lại cuộc hội đàm này nếu Washington tiếp tục có những "hành vi bất hợp pháp và thái quá" sau khi Mỹ hôm 23-5 dọa hủy hội nghị thượng đỉnh song phương này. Trong tuyên bố hôm 24-5, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cũng chỉ trích Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, phản đối cách tiếp cận của ông về giải trừ hạt nhân theo kiểu Libya hay việc ông đề cập lựa chọn quân sự đối với Triều Tiên khi trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 22-5. "Tôi không thể kìm nén sự bất ngờ trước những bình luận ngu ngốc và thiếu suy nghĩ từ Phó tổng thống Mỹ", bà Choe tuyên bố.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 22-5 ám chỉ chính quyền Triều Tiên có thể bị lật đổ nếu ông Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận với ông Trump. "Chúng ta từng đề cập tới việc giải giáp Triều Tiên theo mô hình Libya. Tổng thống Trump nói rõ rằng sẽ chỉ có kết cục giống như Libya nếu ông Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận. Tôi nghĩ đây là thực tế", ông Pence nói.

Bình Nhưỡng từng nhiều lần khẳng định việc phát triển vũ khí hạt nhân là để đối phó với hành động hung hăng của Washington ở Trung Đông và các quốc gia khác. Tổng thống Trump ngay sau đó đã lập tức "sửa sai", tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra cam kết bảo đảm cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un nếu ông đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và khẳng định, ông không xem xét việc áp dụng mô hình Libya đối với Triều Tiên nếu đàm phán thành công.

Năm 2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi chấp thuận từ bỏ chương trình hạt nhân để được Mỹ và phương Tây dỡ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tới năm 2011, ông Gaddafi bị quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn lật đổ và bị sát hại. Từ đó đến nay, Libya liên tục chìm trong tình trạng bạo loạn và bất ổn. Chính vì vậy, phía Bình Nhưỡng dường như cũng bày tỏ lo ngại về việc trở thành "Libya thứ hai" nếu theo đuổi thỏa thuận phi hạt nhân với Mỹ.

T.LINH - A.BÌNH