Báo Công An Đà Nẵng

Hồi sinh làng nghề bánh tráng Túy Loan

Thứ ba, 07/11/2017 11:58

Chuyện bánh tráng Túy Loan (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) được mang sang tới tận nước Mỹ xa xôi khiến tôi tò mò. Đến lúc tìm hiểu quy trình làm nên chiếc bánh mang hương vị thơm ngon riêng biệt này, tôi hiểu vì sao bánh tráng Túy Loan “xuất ngoại”!



Bà Phong chuẩn bị bột để thợ tráng bánh
và đóng gói bánh vào bao mang thương hiệu “Bánh tráng Túy Loan”.

KỲ CÔNG BÁNH TRÁNG TÚY LOAN

Gặp bà Đặng Thị Túy Phong (79 tuổi) trú thôn Túy Loan Đông-một trong số ít hộ được Việt kiều đặt hàng để đưa sang Mỹ làm quà với số lượng lớn, tôi được bà  cho biết: “Trước kia, làm bánh tráng chỉ có gạo, đường, mắm, muối và mè thôi. Sau này, theo yêu cầu của khách mới có thêm tỏi, gừng, thậm chí là hành tím. Vì lẽ đó, bánh tráng Túy Loan khác biệt hơn so các loại bánh tráng khác”. Theo bà Phong, cứ 1 ang gạo (30 lon)  cần có 1,5kg đường, nửa lít nước mắm, 1 muỗng muối, mè (khoảng 12 lon), tỏi và gừng (tùy yêu cầu của khách mà nhiều hay ít, nhưng bình quân khoảng 1,5kg cho 2 nguyên liệu này/ang gạo). Điều đặc biệt, gạo làm bánh tráng phải là gạo xiệc 13/2. Việc ước lượng nước khi xay bột cũng đòi hỏi độ chính xác cao. Đặc biệt, công thức và cách thức hòa các nguyên liệu cũng là “bí quyết” của từng hộ sản xuất. Không chỉ khác về nguyên liệu, quy trình tráng, sấy bánh tráng Túy Loan rất công phu, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Bà Phong cho biết, trước đây, lò tráng bánh đắp bằng đất sét. Sau này, để chống lụt, lò được đúc xi- măng. Bánh tráng xong tuyệt đối không được đem hong phơi ngoài nắng như các loại bánh tráng khác mà phải sấy trên lò than củi. “Nếu đem phơi nắng, khi nướng bánh sẽ không xốp, phồng, ăn mất ngon. Hơn nữa, việc sấy trên lò than củi sẽ giúp bánh giữ được lâu hơn, không bị mốc”- bà Phong giải thích. Người sấy và gỡ bánh phải canh chừng lửa lò than, không để già lửa sẽ cháy bánh, hoặc sấy không đúng độ lửa bánh bị chai. “Chỉ cần bọc lại trong một lớp giấy, gói kỹ trong bao ni-lông rồi bỏ vào tủ lạnh, có thể giữ bánh nhiều tháng...”- con gái bà Phong cho biết thêm...

TRĂN TRỞ TRÊN ĐƯỜNG HỒI SINH

Có truyền thống lâu đời, nhưng phải đến đầu thế kỷ XX “thương hiệu” làng nghề bánh tráng Túy Loan mới được nhiều người nhắc đến với những tên tuổi như hộ bà Lê Thị An, Ngô Thị Tự, Ngô The, Nguyễn Văn Trí... Dù là nghề truyền thống nhưng đây là nghề phụ của người dân Túy Loan khi nông nhàn, thường đỏ lửa làm vào dịp Tết, giỗ chạp. Vào những dịp này, nhiều hộ dân trong làng tập trung lại đắp lò tráng và sấy bánh. Không khí mỗi độ xuân về Tết đến ở Túy Loan rất nhộn nhịp. “Nghe nói, bánh tráng do nhà bà làm đã “xuất khẩu” qua tận nước Mỹ với số lượng rất lớn?”- tôi hỏi. “Chuyện bánh tráng Túy Loan có đơn đặt hàng qua Mỹ là thật, nhưng dùng từ “xuất khẩu” thì to tát quá. Chuyện là vầy, một số bà con Việt kiều, đặc biệt bà con Hòa Vang định cư ở Mỹ, mỗi lần về thăm quê hương trước khi sang thường đặt làm bánh tráng để mang sang làm quà. Mới đây, tui đóng thùng 400 cái bánh cỡ lớn sang Mỹ!”. Cũng theo bà Phong, năm 2015, UBND xã Hòa Phong xây dựng và được phê duyệt đề án “Phát triển làng nghề bánh tráng Túy Loan”. Theo đó, gia đình bà và gia đình em gái (Đặng Thị Tùng) được Sở NN&PTNT TP đầu tư, hỗ trợ máy xay bột, máy hút chân không, bao bì mẫu mã, mái che... với tổng trị giá 30 triệu đồng. Dù đã có dự án, nhưng đến nay, làng nghề bánh tráng Túy Loan chỉ thực nhộn nhịp, đỏ lửa thường xuyên vào dịp Tết. Bà  Phong cho biết, vào độ Tết, mỗi ngày bà tráng 2,5 ang gạo, nhưng vẫn cháy hàng vì không làm kịp để phục vụ khách. Trong khi đó, những tháng thường, 2 ngày bà tráng 4 ang rồi nghỉ. Bình quân, chỉ tráng từ 3-4 lần/tháng. Vốn bỏ ra khoảng 40 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, tiền công cho người phụ giúp, bà chỉ lãi khoảng từ 10-15 triệu đồng/năm. “Nghề này cực lắm, phải thức khuya dậy sớm, bởi người phụ làm cùng mình còn phải đồng áng. Các nguyên liệu như bóc tỏi, gọt gừng, băm nhuyễn phải làm từ chiều hôm trước. Sớm hôm sau dậy từ 3 giờ để nhóm lò, xay bột... Tráng đến 11 giờ trưa là nghỉ, để chiều, họ còn đi làm đồng...!”.

 Qua trao đổi với bà Nguyễn Thị Vân- Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, được biết, đề án này ra đời từ chủ trương, chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ bao bì mẫu mã nhãn hiệu, Sở NN&PTNT TP còn tạo điều kiện cho địa phương quảng bá thương hiệu sản phẩm tại 14 cơ sở ở 5 quận: Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ. Dù đã được hỗ trợ nhưng đến nay, bánh tráng Túy Loan vẫn chưa có mặt đại trà trên thị trường. Nguyên nhân do giá thành cao hơn giá bánh tráng thường. Được biết, với sự kỳ công trong khâu chế biến và phụ thuộc nhiều vào sự lên xuống của giá than củi, giá gạo, nên giá thành bánh tráng Túy Loan loại lớn (40cm) từ 120-130 ngàn đồng/chục, 60-70 ngàn đồng/chục với kích cỡ bé (30cm). Đấy chính là lý do vì sao có đến gần 90% sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Trong 20 hộ sản xuất bánh tráng Túy Loan thường xuyên theo đề án 4 hộ gồm: bà Phong, Đặng Thị Tùng, Trần Thị Luyện và Nguyễn Thị Anh là sản xuất nhiều hơn cả; các hộ còn lại chỉ làm vào dịp Tết, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, ra Tết thì sản xuất lai rai theo đơn đặt hàng. “Mong muốn của chúng tôi là làm sao có thể kết hợp giữa việc khôi phục, phát triển làng nghề gắn với các tour du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng nghề. Thông qua đó để quảng bá đặc sản truyền thống thơm ngon của Túy Loan đến với bạn bè du khách gần xa...”-Chủ tịch xã Nguyễn Thị Vân trăn trở.

P.THỦY