Báo Công An Đà Nẵng

Hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran: Những lựa chọn và khả năng

Thứ hai, 22/02/2021 21:00

Duy trì áp lực tối đa sẽ không thể đưa Iran trở lại bàn đàm phán hoặc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tehran.

Hình ảnh được chụp vào cuối năm 2019, cho thấy các công nhân trên một công trường xây dựng tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP

Khi chính quyền tân Tổng thống Joe Biden cân nhắc quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 - hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), hầu hết những tranh cãi tập trung vào việc liệu chính phủ Mỹ có mất đòn bẩy hay không. Một số chuyên gia và quan chức cho rằng, nếu chính quyền ông Biden tái tham gia thỏa thuận, Mỹ sẽ lãng phí đòn bẩy được xây dựng trong những năm gần đây thông qua chiến lược gây áp lực tối đa của cựu Tổng thống Donald Trump.

Mỹ càng bóp chặt, Iran càng vươn vòi

Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ra những thách thức lớn cho nền kinh tế Iran và hạn chế khả năng tiếp cận của quốc gia Hồi giáo với các nguồn tài chính, nhưng Washington cho đến nay cũng không thể khiến Tehran thay đổi chính sách liên quan đến chương trình hạt nhân. Trên thực tế, Iran đã không đưa ra những nhượng bộ bổ sung. Thay vào đó, họ đã tham gia vào chiến lược xây dựng đòn bẩy của riêng mình bằng cách tăng cường các hoạt động hạt nhân, chương trình tên lửa và các hoạt động trong khu vực. Iran không chỉ tiến gần hơn đến khả năng chế tạo bom, mà ngay cả cuộc thảo luận chính trị chủ chốt, các quan chức bàn về việc liệu có nên vượt qua ngưỡng đó hay không.

Đòn bẩy chỉ có ý nghĩa nếu nó có thể được sử dụng hiệu quả để tạo ra các kết quả chính sách mong muốn. Tiếp tục xây dựng đòn bẩy theo chính sách của chính quyền ông Trump chỉ nhằm mục đích gây thêm đau đớn hoặc gây thêm áp lực không phải là chiến lược đàm phán hiệu quả và bền vững. Nó dẫn đến một vòng luẩn quẩn trong việc theo đuổi một thỏa thuận hoàn hảo không tồn tại và bỏ qua các cơ hội tiến bộ ngày càng tăng khi Iran tiến gần hơn đến khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Bằng cách hồi sinh hiệp định hạt nhân, chính phủ Mỹ sẽ không lãng phí bất kỳ đòn bẩy trừng phạt nào, nhưng nếu sử dụng quân bài của mình một cách khôn ngoan, họ có thể nâng cao vị thế đối với các cuộc đàm phán tiếp theo về chương trình hạt nhân của Iran và các hoạt động trong khu vực.

Để đối phó với nỗ lực gây áp lực tối đa, Tehran đã tìm cách tăng đòn bẩy của chính mình. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC) đã tăng cường các hoạt động quân sự hải quân của mình ở Vịnh Ba Tư, nhắm vào các tuyến đường thương mại hàng hải qua eo biển Hormuz để báo hiệu khả năng gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ và của các đồng minh. Ví dụ gần đây nhất là vào đầu tháng 1 khi IRGC bắt giữ một tàu gắn cờ Hàn Quốc rất có thể để phản ứng với khoản tiền 7 tỷ USD của họ đang bị đóng băng do tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Iran đã tăng cường các hoạt động hạt nhân để đưa đến gần hơn với khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân nếu họ muốn làm như vậy. Các quan chức Iran hồi tháng 1 cho biết họ sẽ mở rộng chương trình hạt nhân của mình bằng cách tiếp tục làm giàu uranium lên mức 20%, cao hơn nhiều so với giới hạn 3,67% mà thỏa thuận năm 2015 đặt ra.

Mỹ nên trở lại JCPOA

Theo các chuyên gia, Mỹ nên nhanh chóng cố gắng quay trở lại thỏa thuận vì điều đó có thể ngăn chặn chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của Iran. Động thái này sẽ không làm suy yếu mà càng làm giúp tăng đòn bẩy của Washington.

Nó sẽ cho phép chính quyền ông Biden dừng đồng hồ tích tắc về những tiến bộ hạt nhân của Iran, giảm thiểu khả năng xảy ra đối đầu quân sự giữa Iran và Israel hoặc Mỹ, và khôi phục các nỗ lực ngoại giao đa phương. Quan trọng hơn, việc quay trở lại thỏa thuận sẽ cho phép có thêm thời gian cho các thỏa thuận tiếp theo về các vấn đề khu vực và các lĩnh vực tranh chấp khác. Những vấn đề này rất quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ và các đối tác trong khu vực, và Tehran khó có thể tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào về những vấn đề này trừ khi JCPOA được khôi phục.

Một phần quan trọng của đòn bẩy này là các biện pháp trừng phạt. Với việc cả hai bên đều cam kết tuân thủ, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ không mang lại cho Tehran một động lực kinh tế đủ mạnh trong một đêm, đủ để làm mất tác dụng của các cuộc đàm phán tiếp theo hoặc tài trợ cho các hoạt động gây bất ổn trong khu vực như một số người lo ngại. Các biện pháp trừng phạt không liên quan đến JCPOA sẽ vẫn được áp dụng, và ngay cả khi các lệnh trừng phạt liên quan đến JCPOA được dỡ bỏ trên giấy tờ, khía cạnh thực tế của việc vận hành thương mại và giao dịch sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Nếu Iran vi phạm thỏa thuận, chính phủ Mỹ có thể áp dụng lại các biện pháp trừng phạt không chỉ với sự hỗ trợ của Châu Âu mà còn có khả năng từ Trung Quốc và Nga. Các bên khác trong thỏa thuận ban đầu này đều có chung lợi ích: ngăn chặn Iran có khả năng vũ khí hạt nhân. Lợi ích chung của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu là điều đã tạo nên liên minh này ngay từ đầu. Nếu Iran vượt qua ranh giới đỏ về khả năng của mình, các quốc gia này có lợi ích cố hữu trong việc gây áp lực để theo đuổi các mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân và phản ứng đa phương đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào. Và tất nhiên, họ sẽ chung tay với điều kiện Mỹ quay trở lại thỏa thuận chứ không phải chỉ đứng ngoài cuộc.

KHẢ ANH