Báo Công An Đà Nẵng

Hồi sinh vùng đá đỏ (Bài 1: Về nơi cơn bão đá đỏ đi qua)

Thứ tư, 31/10/2018 21:00

Này là đồi Tỷ, kia đồi Triệu - những địa danh có sức hút đầy ma lực đối với dân săn tìm đá đỏ từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đồi Tỷ, đồi Triệu như một “tâm bão” cuốn dòng người ùn ùn đổ về bản Khoang, xã Châu Bình, H. Quỳ Châu (Nghệ An) tìm đá đỏ với mong ước đổi đời...

Ông Lương Văn Đại – Chủ tịch UBND xã Châu Bình nhớ lại thời điểm người dân tứ xứ đổ về tìm kiếm hồng ngọc.

Đổ xô tìm kiếm vận may

Đến bản Khoang vào một ngày đầu tháng 10-2018, trước mặt chúng tôi là đồi keo xanh mướt, ngút ngàn tầm mắt. Theo lời giới thiệu của ông Lang Thanh Hoài- Trưởng CAX Châu Bình, đây chính là đồi Tỷ. Sở dĩ có tên như vậy bởi người dân nơi đây từng tìm thấy những viên đá có giá tiền Tỷ. Kia là đồi Triệu, nơi tìm thấy những viên đá có giá trị thấp hơn. Nơi đây, gần 30 năm về trước, có người đã đổi đời sau 1 đêm nhưng cũng có gần 100 sinh mạng mãi mãi nằm lại chỉ vì đá đỏ. Tất cả như mới diễn ra ngày hôm qua.

Theo người dân địa phương, những năm 90 của thế kỷ trước, có 1 kỹ sư địa chất quê Hà Nam Ninh (nay là Ninh Bình) sau khi thăm dò được đá đỏ đã đưa người nhà vào khu vực rừng của xã Châu Bình đào tìm. Người dân địa phương phát hiện, bắt lại tra hỏi thì người đàn ông này khai đang đi đào đá màu. Đây là loại đá có giá trị rất lớn, được các giới thượng lưu ưa chuộng. Cũng từ đó, thông tin về loại đá quý này được lan truyền khắp nơi. Đi đâu người dân cũng truyền tai nhau những câu chuyện về đá đỏ. Chuyện những người đào được viên đá bằng ngón tay bán được hàng trăm triệu đồng được lan truyền một cách chóng mặt. Đầu năm 1991, người dân khắp nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó nhiều nhất là dân ở vùng Hà Nam Ninh ào ào kéo đến xã Châu Bình để tìm kiếm vận may đào được đá đỏ.

“Hồi đó, khắp các chuyến xe từ miền Bắc vào, người đi nườm nượp, xe cộ, máy móc chồng chất kéo đến bản Khoang, xã Châu Bình. Đi đâu cũng nghe người dân lưu truyền bài hát xẩm “Đi tìm đá đỏ”: Anh đi đào đá đỏ ở vùng mỏ Quỳ Châu/ Anh biết tìm đâu tìm đâu ra đá đỏ/ Trời cho thì người có, muốn có mà được đâu/ Anh ơi chờ mong cầu niềm hạnh phúc mong manh...”, ông Lương Văn Đại - Chủ tịch xã Châu Bình nhớ lại.

Thời điểm đó, những căn hầm ở khu vực đồi Tỷ và đồi Triệu liên tục bị phu đá đào bới nham nhở như những tổ mối dưới lòng đất, khe suối nhuốm một màu vàng, đục ngầu. Bất kể ngày hay đêm, người dân tay cuốc, tay xẻng ào ào vào rừng, quên ăn, quên ngủ lật tung từng mảng đá, gốc cây để tìm đá đỏ. Đêm đến, đèn pin như ánh sao trên bầu trời.

Đồi Tỷ, nơi tìm được những viên đá đỏ có giá trị lớn.

Thiết lập “lãnh địa máu”

Giấc mơ đổi đời từ những viên đá lấp lánh trong lòng đất có ma lực khủng khiếp. Người ta bất chấp nguy hiểm để khoét rừng, đào rú, chui sâu vào đất để tìm đá đỏ. “Cứ chui vào hầm, một là đổi đời, giàu có, hai là bỏ mạng. Đá tìm được không biết là mấy nhưng người chết do sập hầm, do tranh giành lãnh địa, do cướp bóc thì đến gần cả trăm người”, ông Lương Văn Đại kể tiếp.

Cũng từ đây, những băng nhóm xã hội được hình thành. Đó là những Phong “trọc”, Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Đường “mặt rộ”, Hà “lỳ”... Những cuộc thanh trừng, tranh giành lãnh địa, cướp bóc diễn ra ngay trên những miệng hầm. Tệ nạn ma túy, mại dâm, bất ổn về ANTT khiến khu vực này trở thành điểm nóng.

“Thời đó, người ta đồn đại cứ vốc 1 nắm đất mang ra suối đãi là ra đá đỏ. Người dân mang bao tải vào xúc đất, cứ một bì đất đưa ra khỏi đồi Tỷ sẽ được mua với giá 500 nghìn đồng. Bởi vậy, khu vực này trở thành vùng cấm địa, cứ cách 1m là có người cầm dao, kiếm đứng canh, không cho người ngoài vào. Nếu manh động là sẵn sàng đổ máu. Chưa bao giờ “thủ phủ đá đỏ” lại hỗn loạn đến thế”, ông Lang Thanh Hoài - Trưởng CAX Châu Bình nhớ lại.

Sự việc vượt quá tầm kiểm soát của CAH Quỳ Châu. Tháng 7-1991, CA tỉnh Nghệ An quyết định điều 2 đại đội cảnh sát cơ động với gần 150 CBCS phối hợp với CAH Quỳ Châu, CAX Châu Bình, dân quân tự vệ có mặt, lập lại trật tự nơi đây. Một trạm cảnh sát kinh tế đặc biệt cũng được thành lập.

“Thời điểm đó, tôi công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động, có nhiệm vụ bảo vệ khu vực có khoáng sản đá quý kéo dài từ xã Châu Hồng, H. Quỳ Hợp lên Châu Bình, H. Quỳ Châu và đẩy đuổi, trục xuất người dân khai thác trái phép. Nhưng đẩy chỗ này thì họ lại tràn sang chỗ khác, đuổi ngày thì họ làm đêm, cả đồi Tỷ, đồi Triệu đêm xuống như một đại công trường. Dân ùn ùn kéo đến gây ùn tắc cả tuyến đường sắt Vinh – Nghĩa Đàn. Mãi đến tháng 10-1992, tình hình mới được kiểm soát nhưng 1/3 quân số của cảnh sát cơ động vẫn phải để lại, cùng với lực lượng tại chỗ để tiếp tục ổn định ANTT khu vực”, cựu Thiếu tá Đặng Trọng Khánh (thời điểm đó là Trung úy) là chiến sĩ cảnh sát cơ động CA tỉnh Nghệ An kể lại.

Phóng sự: Dương Hóa