Báo Công An Đà Nẵng

Hồi sinh vùng đá đỏ (Bài 3: Đổi thay thủ phủ đá đỏ)

Thứ sáu, 02/11/2018 19:40

Trong chuyến trở lại “thủ phủ đá đỏ” lần này và tận mắt chứng kiến những đồi keo xanh mơn mởn, ngút ngàn, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay ở những “đồi tử” này. Mô hình trang trại nuôi bò của công ty sữa, mô hình trồng rừng của người dân trong bản đang từng bước giúp cho vùng đất đỏ này hồi sinh.

Khu vực đồi Tỷ nay đã hồi sinh với những rừng keo xanh mướt. 

Hồi sinh “đồi tử”

Ở xã Châu Bình, nhiều người kiếm được chút “lộc trời” lại tìm cách tiêu pha hoang phí. Cờ bạc, rượu chè, thậm chí là sa vào ma túy, mại dâm. Thế nhưng cũng không ít người đổi đời nhờ đá đỏ đã trở về xây dựng nhà cửa, khai hoang đất rừng và đầu tư vào kinh doanh, buôn bán. Thỉnh thoảng, thông tin người này nhặt được viên đá bán hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ lại râm râm trong những câu chuyện của người dân.

“Cuối năm 2017 vừa qua, anh Quảng đi kiếm củi ở khu vực Trại Bò, khi xuống suối rửa chân thì thấy có 1 vật màu đỏ dính vào đế giày. Ban đầu cứ ngỡ là mảnh vỡ của đèn pha xe máy nhưng sau đó cạy ra mới biết là 1 viên hồng ngọc, bán được 1,1 tỷ đồng. Người mua đá sau đó bán qua tay cho lái buôn được 5 tỷ đồng. Trước đó, anh Lang Văn Sơn cũng nhặt được một viên đá đỏ ở khu vực này, bán được 1,8 tỷ đồng”, Trưởng CAX Châu Bình Lang Thanh Hoài kể.

Sau khi cuộc chiến giành lãnh địa đá đỏ kết thúc cũng là lúc người dân bản Khoang, xã Châu Bình nhận lại mảnh đất tan hoang, cằn cỗi. Môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các loại tài nguyên bị cạn kiệt, trong đó tài nguyên đất và tài nguyên nước bị xâm lấn nghiêm trọng. “Thời điểm đó, đồi Triệu bị đào bới nham nhở, cây cối gãy đổ khắp nơi. Ruộng đồng bị vùi lấp, giếng nước của người dân cũng cạn kiệt. Lương thực thiếu thốn, cuộc sống người dân rơi vào cảnh đói kém. Một cuộc chiến giành giật lại đất rừng đã diễn ra”, ông Lang Viết Đàng- Trưởng bản Khoang kể.

Đứng dưới chân đồi Triệu chỉ tay về phía trang trại bò sữa mới được chuyển đến đây chừng 20 ngày, ông Đàng cho biết: “Trước đây, khu vực đồi Triệu được gọi là Tổng My. Khu vực này là cánh đồng Kẻ Khoang trồng lúa màu mỡ nhất bản. Đây được xem là vựa lúa của xã Châu Bình. Thế nhưng, khi cơn bão đá đỏ quét qua, đất sản xuất của người dân không còn. Vựa lúa này bị cày xới tan hoang, hình ảnh lúa chín vàng trĩu bông, chắc hạt chỉ còn tồn tại trong ký ức”.

Ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình, cho hay, hiện xã có khoảng 3.000ha rừng keo nguyên liệu và keo lấy gỗ. Bình quân mỗi hộ trồng 6 ha, nhiều hộ trồng hơn 50ha. Xã có gần 200 trang trại thì đã có gần 100 trang trại trồng rừng nguyên liệu. Mỗi héc-ta rừng cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng. Riêng bản Khoang, năm 2014, đất ở mới được bàn giao lại cho dân. Có 96 ha đất được cấp giấy chứng nhận và được bàn giao cho 24 hộ dân để trồng rừng. Hiện tại rừng đã thu hoạch ở lứa thứ 2,3 trung bình mỗi héc-ta thu được 24 triệu đồng. Trong số này có 3 hộ cận nghèo, 21 hộ khá, thậm chí có hộ còn mua được xe hơi để đi.

Mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa mới được đầu tư xây dựng trên đồi Triệu.

Phủ xanh vùng đá máu

Có được một khoản tiền kha khá từ đá đỏ, anh Lang Văn Sơn bắt đầu xây dựng một cơ ngơi nho nhỏ rồi lao vào trồng rừng. Sau khi cải tạo đất, huy động sức người đào hố, từng bầu keo dần dần được trồng xuống khỏa lấp đi màu đỏ au của đồi trọc, của những hố đất bị đào bới lởm chởm. Những năm tháng vợ chồng anh Sơn “đổ mồ hôi sôi nước mắt” ấy đã được đền đáp. Giờ đây, anh Sơn đã sở hữu diện tích 6ha đất trồng keo cho thu nhập 24-25 triệu đồng/ha. Tiền trồng keo đã giúp vợ chồng anh nuôi được 4 người con học đại học, mua được 1 chiếc ô-tô và có được một căn nhà tầng thuộc hàng nhất nhì bản. Những thành quả đó là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, sử dụng tiền đúng mục đích. 

“Hồi đó nhiều người nhặt hay buôn bán đá đỏ có được chút tiền thì họ lao vào cờ bạc và các tệ nạn xã hội như một chiếc xe không phanh.  Rồi một đống tài sản kếch xù cũng bị trôi theo kiểu “của thiên trả cho địa”. Cầm chút “lộc trời” trong tay, tôi bắt đầu nghĩ cách sử dụng nó. Tôi quyết định trồng rừng. Sau ý nghĩ lóe lên ấy, tôi lên xã xin cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, mua sách kỹ thuật ươm giống cây và lao vào trồng keo. Bây giờ, cuộc sống gia đình của cũng tạm gọi là đủ, có tiền để nuôi 4 đứa con học đại học”, anh Sơn khiêm tốn nói.

Còn anh Phan Bá Giang (trú xã Châu Bình) từng là một trong những đầu nậu mua bán đá đỏ. Có thời điểm, khối tài sản của anh lên tới chục tỷ đồng. Ban đầu, với tài sản kếch xù, anh lao vào cờ bạc như con thiêu thân rồi biết chọn điểm dừng đúng lúc khi kịp nhận ra hậu quả của trò chơi đen đỏ. Khi ý nghĩ trồng rừng lóe lên trong đầu, anh Giang lên UBND xã làm thủ tục xin cấp đất và mua sách kỹ thuật trồng keo về nghiên cứu. Thấy “đại ca” Giang “râu” làm chuyện mà cả vùng quê này chưa ai làm, nhiều bạn bè không tin liền ra giá rằng họ sẽ đưa cho anh 1 triệu đồng và thách đố “nếu trồng được rừng thì biếu không luôn, còn không thì trả lại cho họ gấp 10 lần”. Anh Giang nhận lời trước sự lo lắng của người thân. Rồi vợ chồng anh Giang lao vào trồng rừng, ban đầu là số lượng ít, rồi 10ha rừng keo dần dà mọc lên xanh mướt khiến bạn bè hết sức ngỡ ngàng, khâm phục.

Theo ông Lang Viết Đàng, hiện bản Khoang có 138 hộ dân với 97 hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài những hộ khá có đất trồng rừng, vấn đề căn bản là người dân ở đây vẫn còn thiếu đất sản xuất. “Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là đã qua thời điểm khai thác khoáng sản rồi người dân chỉ mong được trả lại đất để sản xuất, canh tác để trồng rừng, trồng lúa... Để cho những cánh đồng lúa bạt ngàn, trĩu bông, nặng hạt sẽ không còn trong ký ức” - ông Lang Viết Đàng hy vọng.

DƯƠNG HÓA