Báo Công An Đà Nẵng

Hội thảo Khoa học quốc tế về Công nghệ xanh và Phát triển bền vững lần thứ 6

Thứ bảy, 30/07/2022 16:54

GTSD 2022 là chuỗi hội thảo được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, lần đầu vào năm 2012. Đây là diễn đàn trao đổi học thuật dành cho các học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế thông qua các phiên toàn thể, báo cáo trên phần mềm keynote và các phân ban theo từng chủ đề với mục đích đẩy mạnh giao lưu, hợp tác và phát triển khoa học công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt lĩnh vực công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Hội thảo diễn ra với 12 phân ban, thu hút các giảng viên, nhà khoa học đến từ 27 nước thuộc 5 châu lục gồm châu Á, Mỹ, Úc, Âu và Phi trình bày tham luận, báo cáo đề tài. Nội dung các tiểu ban báo cáo gồm: Những tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng; Trí tuệ nhân tạo và máy học; Kỹ thuật tự động hóa và điều khiển; Mô hình cơ học tính toán; Mạng nơron và hệ thống mờ; Giáo dục 4.0; Kỹ thuật thông tin và truyền thông; Giải pháp bền vững về môi trường; Khoa học thực phẩm và kỹ thuật hóa học; Kinh tế xanh và kỹ thuật công nghiệp; Năng lượng tái tạo và bền vững; Cơ khí và ô tô - A; Cơ khí ô tô - B.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng các đại biểu tham dự hội thảo sẽ nắm được lý thuyết, thành tựu, kiến thức thực tế của các công trình nghiên cứu khoa học mới nhất, từ đó giúp đại biểu tiếp cận thêm kiến thức để phát triển bền vững hơn công nghệ xanh. Xuyên suốt Hội thảo sẽ có 6 bài phát biểu quan trọng từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam về công nghệ xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0.

Với chủ đề "Nghiên cứu gần đây về trí tuệ nhân tạo (AI) cho truyền thông xã hội", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan) đã đưa ra một số thống kê của truyền thông xã hội và phân tích tác động của AI đến truyền thông xã hội. Hệ thống AI giúp con người phân tích, phát hiện lập trường và phát hiện tin tức giả mạo, có những định hướng, chiến lược phát triển bền vững.

Giáo sư, Tiến sĩ Gottfried Vossen Đại học Munster (Đức) trình bày về nội dung AI, machine learning (ML) và dữ liệu lớn (Big Data) đã cách mạng hóa một số ứng dụng trong những năm gần đây. AI, ML và Big Data đã vượt xa những hứa hẹn mà AI ban đầu khi nó cất cánh vào những năm 1960. Các ứng dụng của AI và ML ứng dụng trong y học, thương mại điện tử, chơi game hoặc thể thao. Giáo sư, Tiến sĩ Gottfried Vossen đã khảo sát các lĩnh vực của AI và ML và nhận thấy khoa học công nghệ đang tiến bộ theo hướng tương lai "xanh".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang tham luận về vòng tròn kinh tế từ phế liệu tôm đến các sản phẩm giá trị. Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn trên thế giới, ngành công nghiệp chế biến tôm đã tạo ra một lượng lớn chất thải của tôm bao gồm cả vỏ và đầu tôm, có chứa hoạt tính sinh học, các hợp chất như protein, kitin, lipid, sắc tố và khoáng chất. Khi nghiên cứu, đánh giá và tận dụng chất thải này để chế tạo thành các sản phẩm hữu ích, đặt đúng giá trị của nó sẽ mang lại một tiềm năng, hiệu quả kinh tế rất cao. Vì vậy, cần ứng dụng khoa học công nghệ xanh để nghiên cứu, phát triển, tiếp cận chủ đề phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung, nuôi tôm và chế biến tôm nói riêng.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-7. Ngoài các báo cáo tại Hội thảo, Ban tổ chức còn triển lãm một số gian hàng về các sản phẩm khoa học công nghệ của giảng viên và sinh viên trường Đại học Nha Trang.

PHAN SÁU