Hội thảo khoa học “Xuân Diệu - tác gia và di sản văn học”
(Cadn.com.vn) - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (2-2-1916 – 2-2-2016), sáng 20-2, tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp khoa Sư phạm Ngữ văn - Đại học Vinh tổ chức Hội thảo khoa học “Xuân Diệu - tác gia và di sản văn học”. Báo cáo đề dẫn Hội thảo của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Biện Minh Điền cho biết, Hội thảo khoa học “Xuân Diệu - tác gia và di sản văn học” nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn học nước nhà; đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản Xuân Diệu để lại. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, giảng viên và sinh viên khoa Ngữ văn đến từ các trường đại học. Nhà thơ Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê ở làng Trảo Nha, xã Đại Lộc nay là thị trấn Nghèn, H. Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra tại làng Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, H. Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Con đường sáng tạo thơ ca của Xuân Diệu đi qua suốt nửa thế kỷ. Ông có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền văn học hiện đại nước nhà cả trước và sau Cách mạng tháng Tám; là đại diện tiêu biểu nhất cho dòng thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Ông được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”, “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị lâu dài ở nhiều thể loại như thơ, văn xuôi, phê bình nghiên cứu, báo chí, dịch thuật... Ở thể loại nào ông cũng giành được những thành tựu lớn, mang đậm dấu ấn riêng.
Các nhà văn Hà Nội viếng mộ nhà thơ Xuân Diệu. |
Tham gia Hội thảo “Xuân Diệu - tác gia và di sản văn học” có 43 tham luận của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu. Các tham luận đã đề cập đến nhiều vấn đề, cả về sáng tác, nghiên cứu, phê bình và dịch thuật của Xuân Diệu như: “Xuân Diệu, người anh cả của báo chí văn nghệ Việt Nam” của nhà thơ Phạm Đình Ân, “Cái tôi trong thơ Xuân Diệu giai đoạn Thơ Mới 1932 - 1945” của nhà văn Đức Ban... Việc nghiên cứu Xuân Diệu - tác gia, tác phẩm và các vấn đề liên quan đến con người, quê hương, thời đại của Xuân Diệu cũng được trình bày, thảo luận sôi nổi tại Hội thảo lần này qua các tham luận: “Xuân Diệu với quê nội” của nhà nghiên cứu Phạm Quang Ái, “Toàn cảnh người đương thời Thơ Mới bàn về thơ Xuân Diệu” của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn hay tham luận “Từ tuyên ngôn sống của Xuân Diệu qua bài thơ Vội vàng, nghĩ về lý tưởng sống của thế hệ trẻ hôm nay” của tác giả Trần Thị Thu Hiền (chuyên viên viên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh)...
Tối cùng ngày, tại Nhà văn hóa Xuân Diệu, H. Can Lộc, diễn ra chương trình nghệ thuật “Quê mình quê thơ” với sự biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng và Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Chương trình nghệ thuật gồm những tác phẩm đặc sắc về quê hương Hà Tĩnh và Bình Định, những câu hò ví giặm, điệu bài chòi đã một lần nữa khẳng định mối lương duyên và nghĩa tình sâu nặng giữa hai địa phương, hai miền văn hóa hòa quyện tạo nên nhân cách thơ Xuân Diệu. Nhiều bài thơ của Xuân Diệu đã được phổ nhạc như “Chiều”, “Vội vàng” cũng được các ca sĩ trình diễn.
Hội LHVHNT Hà Tĩnh cũng phối hợp H. Can Lộc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14. Hà Tĩnh là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, có truyền thống yêu chuộng và sáng tạo văn chương, từng được mệnh danh là “quê thơ”, góp phần tạo nguồn mạch nuôi dưỡng, làm nhuần thắm nền văn chương của cả nước. Hà Tĩnh cũng chính là quê hương, nuôi dưỡng nên hồn thơ Xuân Diệu.
Với 15 tác phẩm thơ, nhạc được trình bày, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 đã giới thiệu tới công chúng những thành quả sáng tác thi ca của các văn nghệ sĩ; là nhịp cầu nối tác giả, tác phẩm với công chúng, bạn đọc; khơi gợi nỗi khát khao vươn tới cái chân-thiện-mỹ.
Trong khuôn khổ Ngày thơ còn có hoạt động thả bóng thơ. Trước đó, các nhà thơ, người yêu thơ đã đến dâng hương tại Nhà thờ Ngô Phúc Vạn và nhà lưu niệm Xuân Diệu.
Hoàng Ngà