Báo Công An Đà Nẵng

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử: Nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thứ bảy, 27/07/2019 12:18

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) lần thứ 16 năm 2019 với chủ đề Phát triển cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) khai mạc tại TP Huế vào ngày 26-7.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trò chuyện cùng các đại biểu bên hành lang hội thảo.

Tham dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Thành Hưng; Tổng giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Lê Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh TT-Huế Lê Trường Lưu cùng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia về CNTT trong nước và quốc tế.

Khoảng 67% dân số Việt Nam sử dụng Internet

Theo thông tin từ Văn phòng chính phủ, năm 2018, trên Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển CPĐT mới nhất của Liên hợp quốc, Việt Nam mới chỉ tăng một bậc so với năm 2016, xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Cả 3 nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống CPĐT của Việt Nam là hạ tầng viễn thông, sự sẵn sàng của các dịch vụ công trực tuyến và trình độ dân trí đều có sự tiến triển, cụ thể: Về cơ sở hạ tầng viễn thông, mạng cáp quang FTTH hiện đang phủ sóng 97%, sóng 4G phủ sóng 95% diện tích quốc gia. Tốc độ đường truyền (tính trung bình) đạt 5,46 Mb/s – thuộc mức trung bình khá của thế giới. Có khoảng 64 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 67% dân số (theo kết quả khảo sát của We are social). Điểm thuận lợi là cơ cấu dân số Việt Nam là nhìn chung cơ cấu trẻ, dễ dàng tiếp cận Internet, tính trong vòng một năm qua, số lượng người sử dụng Internet tăng 27%, thuộc top đầu thế giới. Về trình độ dân trí, theo số liệu thống kê, 98% dân số Việt Nam biết chữ, theo lý thuyết thì đủ năng lực sử dụng những dịch vụ công trực tuyến. Về số lượng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2018, số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp 3 và 4 được triển khai thành công là khoảng 47.000 dịch vụ và đang tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt và ban hành văn bản định hướng phát triển CPĐT như Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến hết năm 2020, Chính phủ tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên: một là, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển CPĐT. Hai là hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng. Ba là thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ. Bốn là rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người. Năm là phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho rằng, hội thảo sẽ là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, DN. Tỉnh TT-Huế trong thời gian vừa qua đã triển khai một bước chuyển đổi quan trọng đó là phát triển dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM). “Với thời gian rất ngắn, mô hình này đã phát huy hiệu quả, qua đó thúc đẩy, điều chỉnh ngược trở lại việc hoàn thiện quá trình xây dựng CQĐT tại địa phương từ nền tảng công nghệ và tư duy mới. Hội thảo Quốc gia CPĐT được tổ chức trong bối cảnh làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu có tác động mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực mới cho ngành thông tin và truyền thông trong việc nâng cao năng lực quản trị, tự động hóa quy trình nghiệp vụ”- ông Phan Ngọc Thọ cho hay.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc triển khai CPĐT là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Đảng, Nhà nước luôn coi việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng, trở thành nền tảng cho việc triển khai xây dựng CPĐT. Đến nay, các cơ quan Nhà nước đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho DN và người dân, một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức.

Nhằm tạo bước phát triển đột phá trong việc phát triển CPĐT góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, tạo đà phát triển cho nền kinh tế, gia tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.  Với quan điểm, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính. Chính phủ xác định mục tiêu hướng tới là hoàn thiện nền tảng CPĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN; phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp quốc đến năm 2025.

HẢI LAN