Báo Công An Đà Nẵng

Hồi ức tháng Ba (4)

Thứ hai, 28/03/2016 09:40

* Kỳ cuối: DẤU ẤN ĐÀ NẴNG SAU 41 NĂM

(Cadn.com.vn) - 41 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng vươn mình phát triển, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước. Nhớ lại thời khắc lịch sử ngày 29-3-1975, “Khi lá cờ Cách mạng xanh như ước mơ, đỏ như tấm lòng son chung thủy của ta đã được cắm lên nóc tòa thị chính thành phố” (trích tùy bút “Đà Nẵng trái tim son” của Nguyễn Trung Thành), những người lính có mặt tại Đà Nẵng ngày ấy dường như vẫn tràn ngập niềm xúc động khi ôn lại chặng đường có cả Máu và Hoa...

Chiến sỹ gốc Hà Nội Phạm Xuân Quý cùng đồng đội khi vừa đặt chân đến chiến trường Quảng Đà.

Đà Nẵng hôm nay  đổi khác rồi

Đại tá Lê Công Thạnh (nguyên Phó Chính ủy mặt trận 4 Quảng Đà Nẵng) là một trong những “nhân chứng sống” của những ngày tháng 3 lịch sử. Đã gần 90 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng tinh thần, trí tuệ của ông vẫn sôi nổi, minh mẫn. Suốt cuộc trò chuyện, những hồi ức về thời gian, mốc sự kiện lịch sử ông như thuộc nằm lòng, chính xác đến từng chi tiết. Tôi không hỏi ông nhiều về cuộc đời chinh chiến, về những trận đánh, mà chỉ nói đến sự đổi thay trên quê hương, nơi ông và đồng đội đã góp phần cùng nhân dân giành lại từ tay giặc. Ông bảo: “Không thể tưởng tượng nổi! Ngày xưa, khi chúng tôi xả thân vì độc lập, chẳng ai nghĩ, hoặc có chăng cũng không thể phác họa được thành phố 30, 40 năm sau. Chỉ có điều, ai cũng tin tưởng sẽ có một ngày thay da đổi thịt, nhưng không nghĩ nó lại đến nhanh đến vậy”.

Nói về quá trình phát triển của Đà Nẵng, theo Đại tá Thạnh, có thể chia làm 3 thời kỳ: Thời kỳ đang còn chiến tranh, Đà Nẵng là căn cứ quân sự khổng lồ, đứng thứ 2 ở miền Nam của Mỹ, ngụy. Dân số ít, nên bộ máy chính quyền của ngụy, quân đội Mỹ và chư hầu trở thành lực lượng chủ yếu. Thời kỳ thứ hai là những năm đầu sau giải phóng. Đại tá Thạnh cho rằng, lúc đó thành phố vẫn nguyên vẹn nhưng là cái nguyên vẹn của... sự đổ nát, của một xã hội lôi thôi, nhếch nhác..., “di sản” Mỹ, ngụy để lại.

“Có thể nói, Đà Nẵng những năm đầu giải phóng được ví như những vết thương chiến tranh còn mưng mủ. Cực khổ, thiếu lương thực, thiếu cơ sở hạ tầng. Ngay cả cán bộ cấp cao như chúng tôi lúc bấy giờ cũng phải ăn bo bo, bắp, khoai sắn qua ngày”, Đại tá Thạnh nhớ lại. Thời kỳ thứ 3, đó là thời kỳ đổi mới cho đến hôm nay. Đây có thể xem là một bước ngoặt của sự thay chuyển, một sự “lột xác” hoàn toàn. Bộ mặt đô thị khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và phát triển. Một trong những điều mà ông tâm đắc nhất, đó là Đà Nẵng đã tạo dựng cho mình nhiều cách làm đặc biệt, độc đáo.

Theo ông, chính nhờ đội ngũ cán bộ, những người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm; lại được sự đồng thuận của lòng dân nên không khó để Đà Nẵng vươn mình. Văn hóa văn minh đô thị được triển khai và thu nhiều kết quả, con người sống với nhau có tình có nghĩa hơn; ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, trong xây dựng thành phố được nâng cao. “Không có ăn xin cơ nhỡ, mấy ông đánh vợ cũng được lãnh đạo thành phố mời lại nói chuyện, khuyên răn; trẻ con hư hỏng thì tập trung giáo dục, cho đi du lịch Bà Nà và đưa qua trại giam để biết đường mà lựa chọn tương lai... Cái được thì nhiều lắm. Đến bây giờ, thành phố đã thay đổi gấp cả trăm lần”, Đại tá Thạnh nhìn nhận.

Đại tá Lê Công Thạnh (bên trái) cùng đồng đội hào hứng kể lại kỷ niệm một thời.

Đại tá Phạm Xuân Quý (bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa.

“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

Đại tá Nguyễn Vũ Quế (1943), sinh ra và lớn lên ở Thành Kim, Thạch Thành (Thanh Hóa), nhưng lại là người con gốc Hà Nội. Năm 1963, ngay khi vừa có giấy trúng tuyển vào Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cũng là lúc “Đơn tình nguyện vào Nam” chiến đấu của ông được gửi về. Gác bút nghiên, tạm biệt người thương bên dòng sông Mã, chàng trai trẻ lên đường “Giữa lúc sân trường phượng đỏ sắc hoa” để tham gia vào cuộc trường chinh chống Mỹ. Hơn 3 tháng trời ròng rã “Sáng ra tráng miệng dăm cái dốc/Chiều về giải khát mấy trận mưa”, cuối cùng người con đất Bắc trong đoàn quân ấy cũng đến được chiến trường. 1

2 năm công tác, chiến đấu trên “mảnh đất kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, những tưởng hoàn thành xong nghĩa vụ của một người lính, ông sẽ trở lại quê nhà, trở lại mái trường đại học để tiếp tục ước mơ còn dang dở. Nhưng rồi duyên số đã gắn ông với cuộc đời binh nghiệp bằng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Sau đó ông trở lại Quảng Đà- mảnh đất một thời từng vào sinh ra tử và lấy đây làm quê hương thứ hai của mình.

Không chỉ Đại tá Nguyễn Vũ Quế, còn rất nhiều những người con đất Bắc trong đoàn quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng trong ngày 29-3-1975 lịch sử năm xưa, họ đã không trở lại miền Bắc, mà ở lại nơi đây góp phần mình dựng xây thành phố. Đại tá Phạm Xuân Quý, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 1 anh hùng (R20 - Quảng Đà) quê ở Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội. 18 tuổi là chiến sĩ của Sư đoàn 350 bảo vệ thủ đô. Năm 1967 ông vào chiến trường miền Nam, mặt trận Quảng Đà. Tham gia nhiều trận đánh, 11 lần bị thương, trong đó có lần ông bị thương ngay khi vừa cùng đồng đội tiến vào cửa ngõ giải phóng Đà Nẵng tháng 3-1975.

Sau ngày giải phóng, ông cùng đồng đội tiếp quản thành phố, khắc phục hậu quả chiến tranh và bảo vệ chính quyền. Tháng 11-1978, ông cùng đơn vị tiếp tục sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá. Hay như “bộ 3” đặc công nước Quảng Đà: Đại tá Phạm Xuân Sanh (Đội trưởng), quê ở Quảng Bình; Đại úy Nguyễn Xuân Thành, quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng) và Trần Sông Thao (1953), người con của vùng biển Cẩm Thành, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)... Tất cả họ đều có quá trình sống, chiến đấu và hiến một phần xương máu của mình cho đất nước, cho thành phố. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ cao cả của người lính, họ đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, dành hết tâm sức, tình cảm và gắn bó cuộc đời mình cho mảnh đất này.

“Được sống đến ngày hôm nay, được chứng kiến cảnh đất nước, thành phố đổi thay từng ngày từng giờ, chúng tôi cảm thấy những hy sinh, đóng góp của mình và đồng đội được đền đáp xứng đáng”, Đại tá Phạm Xuân Quý vui mừng nói.

Doãn Hùng