Hồi ức tháng Ba
* Kỳ 1: Thần tốc giải phóng Quảng Nam
(Cadn.com.vn) - Với những người từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thì những ngày tháng Ba luôn gợi nhớ về những ký ức của một thời hoa lửa. Một thời cả dân tộc dốc sức cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Lực lượng pháo binh tham gia trận đánh giải phóng Quảng Nam (ảnh tư liệu). |
Với Đại tá, AHLLVT Lê Hải Lý–nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam, ký ức về những ngày giải phóng Quảng Nam vẫn tươi rói trong tâm trí. Ông Lý kể, đầu năm 1975, trên chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Vùng căn cứ miền núi được củng cố và xây dựng vững chắc. Hệ thống đường giao thông đã nối liền với đường chiến lược 559 và vươn dài xuống các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Hòa Vang, Duy Xuyên...Vùng giải phóng chiếm đến 70%, các đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đứng chân vững vàng trên các địa bàn trọng yếu... thời cơ giải phóng tỉnh lỵ Quảng Nam chưa bao giờ thuận lợi hơn thế.
Đầu tháng 2-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định lấy thị xã Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu cho trận then chốt mở màn chiến dịch tổng tiến công, Quân khu 5 đảm nhận ở chiến dịch Tiên Phước-Tam Kỳ nhằm phối hợp với hoạt động tiến công của chủ lực Bộ Tư lệnh ở Tây Nguyên. Lúc bấy giờ việc giải phóng quận lỵ Tiên Phước–Phước Lâm là “nút thắt” khó nhất, bởi nơi đây đối phương bố trí phòng thủ dày đặc. Nhiệm vụ khó khăn đó được giao cho người chỉ huy Sư đoàn 2 là tướng Nguyễn Chơn.
Nhớ lần trò chuyện với cố Thượng tướng Nguyễn Chơn, ông kể- “Ta chọn Tiên Phước - Phước Lâm để mở màn chiến dịch vì đây là căn cứ địch cắm sâu vào vùng ta. Lúc đó Quân khu 5 tổ chức họp để lên kế hoạch đánh, anh Võ Chí Công và Chu Huy Mân giao nhiệm vụ này cho Sư đoàn 2. Nhiều ý kiến nói đánh căn cứ địch ở Tiên Phước – Phước Lâm khó, phải cần 7 ngày. Nhưng tôi nói chỉ cần 24 tiếng đồng hồ là đánh xong. Đến giờ ăn cơm trưa, anh Chu Huy Mân gọi ra hỏi nhỏ “nói có chắc không”, tôi trả lời “chắc thắng”.
Với quyết tâm như thế nên chưa đến 24 tiếng đồng hồ, tướng Chơn đã chỉ huy quân ta tấn công và làm chủ căn cứ Tiên Phước – Phước Lâm. Mất căn cứ trọng yếu, địch tung lực lượng cố tái chiếm Tiên Phước – Phước Lâm nhưng đều bị quân ta đánh tan vì thế việc giải phóng tỉnh lỵ Quảng Tín chỉ còn là thời gian. Và khi thời cơ đến, nhiều cánh quân ta bắt đầu tiến công. “Lúc đó tôi được giao chỉ huy 3 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo đánh xuống vùng đông Thăng Bình để không cho địch ở Quảng Nam rút quân về Đà Nẵng. Chiều 20-3-1975 tôi nhận được điện tối khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung: “Điện cho đồng chí Lê Hải Lý–Tỉnh đội trưởng Quảng Nam chuẩn bị tấn công thần tốc. Chỉ đồng chí và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết”. Tôi nhanh chóng triệu tập cuộc họp khẩn với các chỉ huy tiểu đoàn, chuẩn bị tấn công giải phóng Quảng Nam”–ông Lý kể.
Đại tá Lê Hải Lý vẫn nhớ như in những ký ức về ngày giải phóng Quảng Nam. |
Các cánh quân của ta phát triển về hướng Nam, áp sát thị xã Tam Kỳ. Vào đêm 21 rạng 22-3, các lực lượng của ta nổ súng tấn công toàn bộ các mục tiêu của địch ở vùng đông thị xã, phá trận địa pháo Nông Thị (Núi Cấm), đánh sập cầu Kỳ Phú, bao vây, truy bức địch, giải phóng hoàn toàn 3 xã vùng đông Tam Kỳ, khép chặt tỉnh lỵ Quảng Tín trong vòng vây. Lúc này lực lượng đối phương ở tỉnh lỵ Quảng Tín còn rất mạnh, nhưng trước thắng lợi liên tiếp của quân ta, chúng mất tinh thần. Tỉnh trưởng và tiểu khu trưởng Quảng Tín phải lên máy bay về Đà Nẵng. Chiều 23-3, toàn bộ các cơ quan đầu não của địch ở Quảng Tín đều tê liệt. Quân lính như chim vỡ tổ, nhanh chóng tan rã. Rồi đúng 10 giờ ngày 24-3-1975, tỉnh lỵ Quảng Tín được giải phóng.
Quảng Nam được giải phóng có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thế bao vây, cô lập căn cứ chiến lược ở Đà Nẵng. Tuy nhiên để làm nên chiến tích giải phóng Quảng Nam nhanh chóng, rất nhiều người lính đã ngã xuống, khi mà quê hương sắp được hòa bình. “Khi chúng tôi đánh xuống vùng đông Thăng Bình thì pháo của địch dội xuống như mưa, khiến đường dây liên lạc bị đứt nên đồng chí Bút – phụ trách thông tin lao ra khỏi hầm để nối dây thì trúng đạn hy sinh. Thấy anh Bút ngã xuống, chị Phiên–giao liên, chạy ra tiếp ứng cũng trúng đạn. Sau này tôi mới biết anh Bút và chị Phiên yêu nhau, hẹn hòa bình sẽ làm đám cưới”-Đại tá Lê Hải Lý rưng rưng khi nhớ về những đồng đội hy sinh khi tấn công giải phóng Quảng Nam.
Hoàng Anh (ghi)
(còn nữa)