Báo Công An Đà Nẵng

Hồi ức về đường Trường Sơn huyền thoại

Thứ sáu, 10/05/2019 13:28

Những ngày đầu tháng 5, các cựu chiến binh Trường Sơn lại có dịp gặp mặt tại nhà Thượng tá Trần Văn Tuân, Chủ tịch Hội Trường Sơn Nghệ An ở TP Vinh để ôn lại kỷ niệm xưa. Nhiều người lính Trường Sơn năm xưa giờ đã ngoài 60, 70 tuổi nhưng ký ức hào hùng trên tuyến lửa họ vẫn nhớ mãi. Tròn 60 năm trôi qua, những cô gái, chàng trai xứ Nghệ tuổi mười tám, đôi mươi trên tuyến lửa Trường Sơn năm xưa giờ tóc đã điểm bạc. Họ là những dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, bộ đội chủ lực, lái xe vận tải… chiến đấu và làm việc trên đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) huyền thoại.

Thượng tá Trần văn Tuân, Chủ tịch hội Trường Sơn Nghệ An gặp gỡ các cựu binh Trường Sơn năm xưa. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Ngày 19-5-1959, Bác Hồ quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn với đơn vị đầu tiên là Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn). Điểm xuất phát tại thị trấn Lạt (H. Tân Kỳ, Nghệ An) được đánh dấu bằng cột mốc số 0. Từ đây, qua nhiều năm, tuyến đường bộ Trường Sơn được xây dựng nối đến tận Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước bây giờ), là tuyến mạch máu cung cấp hậu cần, góp phần giúp quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thượng tá Trần Văn Tuân (73 tuổi), có 10 năm phục vụ ở đường Trường Sơn, qua những cao điểm đánh phá ác liệt. Năm 1966, thủa còn là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Nông nghiệp I, Tuân xin nhập ngũ khi mới 20 tuổi và được phân công làm việc ở E30, Sư đoàn 471, phục vụ, chiến đấu tại khu vực Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng). Thượng tá Tuân kể: “Đường Trường Sơn là chiến trường ác liệt. Lúc đó tôi là công binh mở đường. Bên trên máy bay Mỹ thả bom liên hồi, mặt đất rung chuyển. Có những đoạn đường ta vừa làm xong, bị đánh phá nặng lại phải làm lại từ đầu. Cứ ngớt đợt đánh phá, các đơn vị dưới mặt đất lại tỏa ra làm việc như một đại công trường. Không ai bảo ai, mỗi người một nhiệm vụ mong sao cho thông đường để xe qua”.

Còn cựu lính lái xe vận tải Lữ Đức Ngọ, Đại đội 33, Sư đoàn 473 cho biết: ông là lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn từ Khe Xanh (Quảng Trị) vào đến Lộc Ninh. Phải nói đèo Lò Xo (Kon Tum) là một trong những điểm bị đánh phá ác liệt nhất. Lính vận tải cho xe chạy qua những đoạn mưa bom là chuyện thường. Sự sống, cái chết khi đó không còn nghĩ trong đầu mà chỉ nghĩ đến xe, hàng hóa. Với khẩu hiệu “Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi” của lính Trường Sơn, suốt 16 năm (1959-1975), bộ đội Trường Sơn đã cùng quân, dân các chiến trường từng bước xây dựng con đường thành một lưới giao thông liên hoàn, vững chắc xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ ba nước, với tổng chiều dài 20.000 km đường ô-tô, 600 km đường sông, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500 km đường dây thông tin, tổ chức vận chuyển hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường, hơn một triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước Việt Nam chịu 8 triệu tấn bom thì đường Trường Sơn đã hứng 4 triệu tấn. Mỹ đã đánh phá ác liệt đường Trường Sơn để ngăn chặn miền Bắc tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Ngay sau khi thành lập tuyến vận tải chiến lược, Nghệ An và Hà Tĩnh là địa phương được tuyển nghĩa vụ đầu tiên cho đường Trường Sơn. Đợt 1 vào tháng 5-1961 là 500 người thì Nghệ An có 300 người, đợt 2 vào tháng 10-1961 có 800 người, Nghệ An chiếm tới 600 người. Thị trấn Lạt, H. Tân Kỳ trước thời kỳ chiến tranh là khu vực hoang vu nhưng có vị trí thuận lợi như có đường giao thông chiến lược 15A, 15B chạy qua. Từ đây, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực như: Sư đoàn 316, 224, 304, 312... hay hàng hóa, đạn dược, thuốc men lương thực sẽ tập kết tại Tân Kỳ, Nghĩa Ðàn trước khi hành quân vào miền Nam chiến đấu. Vì thế, đây là cao điểm bị đánh phá rất ác liệt. Là những người lính Trường Sơn, nhiều chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Nghệ An trở thành AHLLVTND như: Nguyễn Viết Sinh, Hồ Sỹ Tư, Hoàng Hữu Thanh, Lê Văn Lẫm, Hồ Thị Thu Hiền…

Những cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa như ông Trần Văn Tuân, Đoàn Quang Trung, Phan Bá Trì, Thái Thị Ẩn… không khỏi bồi hồi khi thăm lại nơi khởi đầu cung đường huyền thoại - cột mốc số "0", họ chỉ từng tên đồng đội, kể lại nhiều kỷ niệm hào hùng một thời... Thắp nén hương thơm để tưởng nhớ về những người đã hy sinh trên tuyến lửa ngày ấy, cựu chiến binh Đoàn Quang Trung nói: “So với nhiều đồng đội, chúng tôi còn rất may mắn được trở về với gia đình, vợ con. Lính Trường Sơn phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát của những người ngã xuống”. Hiện nay, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An có gần 28.000 hội viên. Những năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Xây mới, sửa chữa 85 Nhà tình nghĩa cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo công tác nghĩa tình đồng đội với số tiền lên đến gần 9 tỷ đồng. Nhiều cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa hiện là điển hình về sản xuất giỏi tại địa  phương. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân của hội viên đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương…

Ngày nay, đường Trường Sơn đã được nâng cấp, mở rộng. Nhiều xã ở dọc tuyến đường này qua các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn của Nghệ An đang đổi thay từng ngày. Thị trấn Tân Kỳ giờ là thị trấn sầm uất, dân cư đông đúc ở miền Tây xứ Nghệ, đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Nguyễn Oanh