Báo Công An Đà Nẵng

Hôm nay, bão số 3 đổ bộ vào khu vực Hải Phòng - Hà Tĩnh

Thứ tư, 18/07/2018 07:30

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Bão số 3 (tên quốc tế là bão Son Tinh) đang di chuyển nhanh và sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Dự kiến, đến 13 giờ hôm nay (18-7), vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh khoảng 150-180km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 8, giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo đường đi bão số 3, tên quốc tế là Son Tinh.

Đề phòng mưa lũ, sạt lở đất

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có mưa dông mạnh; gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày 18-7 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4-6m. Biển động mạnh.

Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; khoảng chiều và tối nay (18-7), vùng tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 1 giờ ngày 19-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.

Dự báo trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, suy yếu và tan dần trên khu vực Thượng Lào.

Trong khi đó, đến chiều 17-7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã suy yếu thành một vùng áp thấp ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới 40km/giờ. Vùng áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu thêm và tan dần. Tuy nhiên, ảnh hưởng của áp thấp, mưa ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang rất to, nước ngập sâu ở các tuyến đường đô thị ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống người dân. Lũ trên các sông ở Hà Tĩnh lên nhanh nên chính quyền và người dân cần đề phòng sạt lở đất, lũ quét.

Tình huống thiên tai diễn biến rất nhanh

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 cho biết: Tình huống thiên tai diễn biến rất nhanh, đề nghị các địa phương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng theo dõi chặt chẽ, tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Trần Quang Hoài yêu cầu Tổng cục Thủy sản hướng dẫn địa phương bảo vệ sản xuất, nhắc nhở người dân sơ tán khu vực lồng bè, ven bờ khi bão đổ bộ, đặc biệt đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai kiểm tra hệ thống đê biển, công trình đang thi công dang dở yêu cầu hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn, chuẩn bị sẵn sàng vật tư hộ đê. Đối với khu vực miền núi, theo dự báo có khả năng xảy ra mưa lớn, các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ để người dân, các cấp chính quyền chủ động các phương án sơ tán, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản.

“Việc vận hành liên hồ chứa, đề nghị Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai kiểm tra, tính toán kỹ và thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tùy theo thực tế để hạ thấp mực nước hồ về cao trình đón lũ chính vụ. Đối với khu vực miền trung, theo dự báo, khu vực từ Nghệ An đến Hà Tĩnh sẽ mưa rất to, hiện nhiều nơi đã có ngập lụt cục bộ trong đô thị”, vì vậy cần tính toán, tham mưu cho Ban chỉ đạo khi cần thiết, Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài nhấn mạnh. 

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Bộ Tư lệnh BĐBP, hiện đã triển khai công tác kiểm đếm và hướng dẫn được 41.042 phương tiện tàu thuyền trên biển. Tùy tình hình thực tế của áp thấp nhiệt đới và bão để thực hiện việc kêu gọi tàu thuyền, vì vậy, đề nghị Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi sát tình hình áp thấp nhiệt đới, tăng cường bản tin để chủ động chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ.

BIÊN THÙY – TTXVN

Mất liên lạc với 17 ngư dân

Thông tin từ xã Quỳnh Long, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, đến 17 giờ ngày 17-7, địa phương và gia đình vẫn chưa liên lạc được với tàu cá số hiệu NA 96588 do anh Trần Ngọc Biển (xã Quỳnh Long, H. Quỳnh Lưu) làm thuyền trưởng, trên tàu có 17 ngư dân. 

Hiện có 2 phương án đang được chính quyền địa phương và các ngành chức năng đưa ra đó là nếu tàu đang ở vùng biển an toàn thì khẩn trương liên lạc với địa phương và cơ quan chức năng yêu cầu tàu vào bờ tránh trú an toàn. Trong trường hợp tàu có sự cố về máy móc, cần liên hệ với Trung tâm cứu hộ cứu nạn để lực lượng chức năng có biện pháp đưa tàu vào, hạn chế tối đa các tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với tàu và các ngư dân. 

Nghệ An có hơn 4.000 phương tiện đánh bắt thủy sản các loại, tập trung ở thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc. Tại những địa phương này, ngư dân đã có nhiều kinh nghiệm đi biển, ứng phó với các tình huống phức tạp của bão lũ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh vẫn thiếu nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền; cơ sở hạ tầng phục vụ việc neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền còn hạn chế...  

B.T