Hôm nay khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Nhân sự cấp cao là nội dung trọng tâm
(Cadn.com.vn) - Chiều 19-7, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra cuộc họp báo trong nước và quốc tế về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông; Phó tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn chủ trì cuộc họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Quốc hội sẽ làm việc trong 8 ngày
Phó tổng Thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20-7 tại Nhà Quốc hội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 8 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 29-7). Là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ nhất có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ nên phần lớn thời gian của kỳ họp lần này dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu. Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Bên cạnh công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Về những trường hợp “đáng tiếc”
Quan tâm của phóng viên liên quan tới việc ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được Hội đồng Bầu cử quốc gia công nhận tư cách đại biểu ngay trước thềm kỳ họp thứ nhất sắp diễn ra, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá rằng đây là việc đáng tiếc. Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có công báo kết luận công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó ông Trịnh Xuân Thanh không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không gương mẫu. Tại phiên họp thứ 7, 100% thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, là đại biểu nữ của Hà Nội. Bà Nguyệt Hường là đại biểu Quốc hội tái cử, đã từng là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ khóa XIV, ngoài ra còn tham gia rất nhiều hội và là doanh nhân thành đạt. Do có sự vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội mà cụ thể là Luật Quốc tịch Việt Nam nên trong phiên họp thứ 8, Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu đối với bà Nguyệt Hường. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, khi nghiên cứu để sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cần có chế tài chặt chẽ hơn nữa. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là do Ủy ban bầu cử Hậu Giang giới thiệu và Mặt trận Tổ quốc Hậu Giang qua 3 vòng hiệp thương giới thiệu lên, là vấn đề mà phải xem xét cụ thể hơn. Còn bà Nguyệt Hường không phải có đơn thư tố cáo, mà qua cơ quan chức năng phát hiện ra có thêm quốc tịch nữa, trái với quy định công dân nước CHXHCN Việt Nam chỉ có một quốc tịch.
Quốc hội nhận trách nhiệm về những sai sót của Bộ luật Hình sự
Vấn đề sai sót dẫn tới Bộ luật Hình sự khi chưa có hiệu lực đã phải dừng lại, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá đây là việc rất đáng tiếc và khẳng định Quốc hội sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, không phải quy trình làm luật không đúng bởi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã ban hành 107 luật, bộ luật, trong đó có Hiến pháp được đánh giá rất cao, chỉ có Bộ luật Hình sự có sai sót nhiều, còn lại một số luật cũng có sai sót nhưng nhỏ, không đáng kể. Bộ luật Hình sự thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũ, còn từ ngày 1-7 sẽ thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới sẽ tốt hơn. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết tới đây, sẽ xem xét, đánh giá cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan một cách công minh, không né tránh.
Nhiều vấn đề phóng viên quan tâm như nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội; nhiều đại biểu Quốc hội mới có ảnh hưởng tới chất lượng làm luật của Quốc hội, các vấn đề trọng tâm của công tác lập pháp... đã được Tổng Thư ký Quốc hội trả lời thấu đáo tại phiên họp báo.
Thu Thủy – TTXVN