Hơn 24.000 tỷ đồng phát triển sâm Ngọc Linh
Ngày 9-6, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3826/VPCP-KGVX gửi các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, cho ý kiến về Đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam về Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045.
Hạt sâm Ngọc Linh sau khi được thu hoạch sẽ ươm giống cho cây mới. |
Sự cần thiết của chương trình phát triển
Trước đó ngày 31-5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh có Tờ trình số 3212/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ Về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045. Nội dung tờ trình trên thể hiện: Nhận thức được tầm quan trọng của Sâm Ngọc Linh, Chính phủ đã thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030 tại Văn bản số 7168/VPCP-KGVX ngày 11-9-2015; Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 24-9-2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại tỉnh Kon Tum.
Trên cơ sở đó, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã bố trí nguồn lực địa phương và xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn; đến nay đã đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền núi 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, cơ sở hạ tầng vùng sâm được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, để phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian đến, ngang tầm với ngành sản xuất sâm Hàn Quốc, cũng như khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên của quốc gia; UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng và trình phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng thông tin thêm, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách, để bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được xác định khoảng 16.000ha, đến nay diện tích thực tế trồng được gần 10.000ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đặt hàng, khuyến khích các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến Sâm Ngọc Linh. Qua đó tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tạo giống, nhân trồng và chế biến để mở rộng phát triển cây dược liệu có giá trị này trong thời gian tới.
Còn đối với tỉnh Kon Tum, vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh trải dài trên địa bàn 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei với diện tích gần 17.000ha. Tỉnh Kon Tum quy hoạch trên 31.700ha diện tích trồng sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích vùng lõi có khả năng trồng sâm gần 17.000ha. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt 1.000ha. UBND tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng đối với 10 doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu. Ngoài ra, Kon Tum đã làm việc và giới thiệu cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tiến hành khảo sát thực tế để lập Dự án đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp với quản lý, bảo vệ rừng…
Phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Với tiềm năng và hiệu quả kinh tế đem lại, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; trong đó có Tiểu dự án phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu quý. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Do vậy, việc xây dựng “Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045” là rất cần thiết.
Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) thành ngành công nghiệp sản xuất sâm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây sâm Việt Nam.
Đến năm 2045, đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc; hằng năm sản xuất ra được từ 500 - 1.000 tấn; gìn giữ, bảo tồn 750.00ha rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng phòng hộ, đặc dụng); trồng 1.250.000ha rừng, trong đó trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng 150.000ha và trồng lại rừng sau khai thác 600.000ha; nâng che phủ của rừng lên 65% vào năm 2045.
Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045 là 24.200 tỷ đồng từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước; tự chủ của doanh nghiệp; các nguồn vốn hỗ trợ và tài trợ hợp pháp.
Trước đề xuất trên của UBND tỉnh Quảng Nam, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị các Bộ, cơ quan nghiên cứu cho ý kiến, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 30-6-2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
TRẦN TÂN