Báo Công An Đà Nẵng

Hồn quê xứ Quảng trong thơ lục bát Huỳnh Trương Phát

Thứ hai, 28/10/2024 13:00
Nhà báo, nhà thơ Huỳnh Trương Phát.

Những thập niên gần đây, nhất là sau thời gian văn chương mạng ra đời, thơ Việt hầu như không thể tránh khỏi dòng xoáy của trào lưu thơ hậu đổi mới, thơ tân hình thức (new formalism poetry),thơ thị giác (visual poetry), thơ trình diễn (poetry performance)… với những dòng chữ rối rắm, đánh đố, tối nghĩa, “hiểu chết liền”…. Do vậy, khi cầm trên tay tập thơ “Núm son”, thi phẩm thứ ba của Huỳnh Trương Phát - một tuyển tập thơ đầy đặn, bao gồm những bài lục bát truyền thống, với ngôn ngữ diễn đạt khá hiền hòa, gần gũi, bình dị, tôi không giấu được tò mò, băn khoăn đặt câu hỏi với tác giả: “Tại sao tuyển tập mới này anh lại chọn thể thơ lục bát, khi đây là thể loại dễ làm mà khó hay? Anh có quan tâm, lo lắng khi xu thế hiện nay, nhiều tác giả cho rằng: Thà làm thơ mới dở còn hơn làm thơ cũ hay, và đa phần các tác giả thường muốn tìm vị trí trong thi đàn bằng những tác phẩm chạy theo trào lưu mới?”. Huỳnh Trương Phát bộc bạch: “Lục bát của mình như là duyên tiền định. Rất tình cờ khi có những thanh âm lục bát đẹp chợt đến như có ai đó gieo sẵn cho mình. Bạn bè văn chương thấy được tứ được vần, động viên, góp ý để có bài thơ trọn tình ý. Rứa thôi. Mình cũng chẳng biết mình theo lục bát bắt đầu từ đâu. Chỉ thấy rằng lục bát đã ám ảnh mình mỗi khi đặt bút xuống trang giấy. Một thể thơ khó chơi nhưng không hiểu sao cứ ràng buộc mình, chứ mình mô dám liều…”…

Ngẫm lại thì thấy, sự ra đời “Núm son” của Huỳnh Trương Phát chẳng có gì gọi là “dám liều”, mà trước hết cần ghi nhận, đây là một nỗ lực đáng yêu, góp phần trong sứ mệnh “chuyên chở tâm hồn Việt” cho lục bát – một thể thơ thuần Việt. Và điều đó, tác giả đã xác quyết như một tuyên ngôn: “Đất là thơ - Nước là thơ/ Là hồn Tiếng Việt bên bờ Biển Đông/ Đêm đêm nghe tiếng Trống Đồng/ Hòa âm khúc nhạc Con Rồng Cháu Tiên”(Bản hòa âm đất nước).

Chủ đề bao trùm lên tuyển tập thơ lục bát “Núm son” của Huỳnh Trương Phát là tấm lòng thiết tha tình yêu đất nước, tình yêu quê hương xứ Quảng. Điều đó được thể hiện qua những câu thơ chân chất, gần gũi ca dao và qua những bóng dáng, những thắng cảnh, địa danh cả ba miền: Non Nước, Ba Tơ – ngày tôi đi tìm thơ, Chiều qua Hải Vân quan, Gò Nổi – hỏi ngã, Ngang trời Đại Lãi, Một lần Tam Đảo đã yêu, Phước Sơn vạn dặm, Một thoáng Mê Linh … cùng với những ký ức, hoài niệm riêng tư về những người và việc của một thời trai trẻ. Trong những bài thơ như vậy, có những câu thơ da diết đến quặn lòng: “Về quê đi tắt bờ mương/ Thử nghe cái giọng người thương có còn/ Quảng Nam ăn cục nói hòn/ Một hôm nhớ gọi nghe mòn tiếng quê” (Miếng bã trầu)

Bìa tập thơ "Núm Son" của nhà báo, nhà thơ Huỳnh Trương Phát.

Sẽ thiếu sót khi nói về sự nghiệp văn nghệ của Huỳnh Trương Phát mà không nhắc đến giai đoạn anh lặn lội, xông xáo nhiều năm dài trong hoạt động báo chí ở miền núi Quảng Nam. Hẳn rằng, chính từ nơi đây, đã hình thành nên những câu thơ: “Ngày em vòng đỏ đeo tay/ Là em ràng buộc tháng ngày vào xanh/Vòng đời xanh đỏ long lanh/ Kết vòng nguyệt quế trên vành nôi tre/ Vòng đời róc rách suối khe/ Rừng nằm bên rú đợi nghe gió luồn/ Đợi nghe tiếng hú trên buôn/ Tiếng cồng chiêng chạm vào khuôn ngực Giằng/ Vòng nhau trọn kiếp hồng nhan/Tình xanh duyên đỏ cơ man vuông tròn” ( Hoa nhũ núm son)

Một điều đáng chú ý khác, cùng với việc làm báo, làm thơ, chụp ảnh…, Huỳnh Trương Phát còn có cái thú đam mê sưu tập kỷ vật lịch sử. Anh đã từng tích cóp những bộ sách báo quý hiếm, những kỷ vật chiến tranh giá trị dành tặng cho các bảo tàng địa phương. Và điều này, dường như lại tình cờ đọng lại trong thơ anh qua một số hình ảnh hiện vật cổ xưa, thậm chí có thể đã bị xóa nhòa trong lớp bụi thời gian như: “Thời gian xanh một góc vườn/Rong rêu giọt nước mẹ thường rửa chân/ Cái ảng kê ở góc sân/Trái mít rụng bể mấy phần ảng đau”(Cái ảng nước); “Một đời chẳng có gì hơn/ Cơi trầu của ngoại mẹ còn cất đây/ Cất năm tháng cất đêm ngày/ Miếng trầu còn cất dấu tay của người” (Miếng trầu); “Rong rêu xanh đến bạc đầu/ Dạt vào cả giấc chiêm bao sự đời/ Này xuân này Tết à ơi/ Đựng đầy trong chiếc nón cời mẹ tôi” (Chiếc nón cời).

Không chỉ nâng niu, tìm kiếm, lưu giữ từng mảnh hiện vật nhìn thấy bằng mắt trên những chuyến công tác mọi nẻo đường quê, Huỳnh Trương Phát còn nhặt nhạnh, lắng nghe từng ký ức sống động chỉ còn phảng phất lại trong sâu thẳm ngôn ngữ bình dị đời thường: “Chợ Thơm chỉ còn chữ Thơm/ Người xưa còn đó ngồi ơm nỗi mùa”. Để rồi: “Chợ Thơm chỉ còn câu thề/ Đêm đêm mớ ngủ mơ về chợ Thơm (Chợ Thơm). Hoặc một hình ảnh quen thuộc bên bếp lửa nay đã đổi thay: “Con dùng nước máy bếp ga/ Mẹ còng lưng vét từng ca giếng làng/ Bếp quê nhớ ngọn củi tan/ Cơm sôi như tiếng thở than của mùa”(Lời quê).

Với gần 80 bài thơ lục bát chọn lọc, thi phẩm “Núm son” của Huỳnh Trương Phát lần này như đang mở ra cánh cổng một khu vườn miền quê dân dã, đầy ắp những sắc màu cỏ hoa vui nhộn, mà người thưởng ngoạn được dịp biến thành cánh chim, cánh bướm… tha hồ chao lượn, la đà dừng nghỉ bên triền đất, hoặc có thể vi vút tận bầu trời xanh: “Tôi bay vào giữa câu thơ/ Sợi mây treo cái giấc mơ giữa trời” (Tôi bay).

Trần Trung Sáng

Huỳnh Trương Phát tên khai sinh là Huỳnh Gạch, quê ở Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà Văn Đà Nẵng. Ngoài sáng tác thơ văn, anh còn là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nguyên công tác tại Hội Nhà Báo tỉnh Quảng Nam.