Báo Công An Đà Nẵng

Hòn Tàu - ngày trở về

Thứ năm, 01/02/2018 10:16

Đứng trên đỉnh Hòn Tàu bây giờ, ngút ngàn trong tầm mắt xanh mướt của những núi đồi trùng điệp, nhìn xuống là những cánh đồng mênh mông, những ngả đường ôm lấy làng mạc yên bình... Trên mảnh đất anh hùng ấy, một thời là căn cứ cách mạng...



Các cựu binh về với căn cứ Hòn Tàu

Trong chuyến đi về căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà (xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), tôi may mắn được gặp rất nhiều cựu cán bộ từng sống và làm việc tại đây - Đặc khu ủy Quảng Đà trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Nay trở lại chiến trường xưa, có người tóc đã bạc trắng mái đầu, sức khỏe đã yếu nhiều với tuổi "xưa nay hiếm", nhưng ký ức về những ngày tháng của một thời hào hùng vẫn còn vẹn nguyên... Dường như ai nấy cũng ngời sáng niềm vui, cả bùi ngùi xúc động khi trở lại nơi đây, chiến trường xưa một thời gian khổ nhưng đầy oanh liệt. Hòn Tàu là dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam. Với vị trí chiến lược chủ yếu rừng rậm bao phủ và nhiều hang đá trú ẩn nên nơi đây đã được Đặc Khu ủy Quảng Đà chọn làm căn cứ cách mạng để quyết định nhiều chủ trương quan trọng và thực hiện chỉ đạo các cuộc tiến công chiến lược, hoàn thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975. Dưới sự lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã liên tục mở nhiều đợt tấn công, đỉnh cao là cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và tiến đến đập tan căn cứ quân sự lớn nhất nhì miền Nam, giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, con đường dẫn lên Khu di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu đã được đầu tư bê-tông hóa. Lối đi lên căn cứ len lỏi giữa những cánh rừng. Nhà bia di tích hôm ấy nghi ngút khói hương, như khắc khoải tưởng nhớ những ai đã gắn bó với từng góc núi, hang đá nơi đây ngày ấy... giờ đã nằm xuống. Hôm nay về đây, ai cũng xúc động khi ngước nhìn lên Hòn Tàu, vẫn ngút ngát một màu xanh núi đồi trùng điệp. Họ đã đi qua bao nhiêu bom đạn của một thời chiến tranh gian khổ, hào hùng với niềm tin sắt son quyết tâm giải phóng quê hương... Tay bắt mặt mừng, cuộc trò chuyện của các cựu chiến binh thật xúc động, ai cũng nhắc nhớ nhiều đến các đồng chí là lãnh đạo Đặc Khu ủy và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Bên cạnh những hy sinh mất mát ấy, Hòn Tàu cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm đáng nhớ của các cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng sinh sống và chiến đấu. Đặc biệt, tuổi cao sức yếu, nhưng ông Trần Thận- nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà đã trở lại Hòn Tàu với nhiều nỗi niềm xúc động. Ông kể: "Tôi vẫn bồi hồi chờ đợi ngày trở lại nơi này, đợi cuộc trùng phùng ở nơi mà tôi đã một thời gắn bó máu xương, chia bùi sẻ ngọt với những người cán bộ. Hòn Tàu là căn cứ có nhiều lợi thế, núi rừng đã che chở chúng tôi dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Sự ác liệt và gian khổ ngày đó chúng tôi đã vượt qua, dưới "mái nhà chung" Hòn Tàu...". Mỗi lời tâm sự chia sẻ của ông như gói ghém tất cả những ký ức, cả niềm tự hào về một thời oanh liệt ở căn cứ này, nay lại dâng trào trong lòng... Bà Nguyễn Thị Vân Lan- Nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng không giấu được những cảm xúc khi trở lại Hòn Tàu - nơi bà trải qua thời thanh xuân nhiệt huyết cách mạng. Bà bộc bạch chân thành: "Đã nhiều lần tôi về lại Hòn Tàu, nhưng lần này có sự đặc biệt hơn. Vợ chồng chúng tôi gặp nhau, cưới nhau và sinh con cũng tại đây trong tình cảm thắm tình đồng đội. Đặc biệt, phải kể đến sự giúp đỡ, che chở của người dân địa phương như dẫn đường, tiếp tế lương thực, chỉ chỗ đặt hầm... và trên hết là tận tình che giấu, bảo vệ cán bộ, một lòng tuyệt đối giữ bí mật cho cách mạng. Vì vậy, đây còn là căn cứ của lòng dân, đó chính là những ân tình về tình quân - dân mà những người cán bộ luôn biết ơn, không bao giờ quên được".

Kể từ ngày thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà đến nay đã ngót nghét hơn 50 năm, nắng mưa nhạt nhòa vơi dần dấu vết thời chiến tranh. Sự đầu tư nhằm phục hồi di tích Hòn Tàu - Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà là công trình có ý nghĩa chính trị - lịch sử rất lớn, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện nay, các hạng mục hoàn thành gồm các hợp phần chính như mở rộng, bê- tông hóa tuyến đường đấu nối với tuyến ĐH8 của huyện Duy Xuyên vào khu di tích; nhà bia tưởng niệm; nhà đón tiếp, trưng bày; phục dựng nhà ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà và nhiều hạng mục quan trọng khác... Để hôm nay, trở lại chiến trường xưa, dưới bóng cây rừng, ăn lại bữa ăn khoai, sắn, muối mè, muối đậu phụng, nhiều cán bộ đọc lên những câu thơ, câu vè vui mà thời ấy họ cùng sáng tác, truyền tai nhau khi cùng hoạt động ở Hòn Tàu.  Trong những phút giây ôn lại kỷ niệm kháng chiến, các cựu chiến binh ai nấy cũng nhắc đến người dân. Họ vừa che giấu, bảo vệ cho cán bộ, vừa tìm cách thông tin tình hình địch, tiếp tế lương thực cho căn cứ... Nhờ đó, trên những ngả đường từ Hòn Tàu đi vùng đông Duy Xuyên, rồi qua Điện Bàn, hoặc lên Đại Lộc luôn được giữ bí mật. Ông Phạm Hữu Phước (hiện ở thôn Phú Nham Tây, xã Duy Sơn) - người từng cầm súng chiến đấu dọc các cánh rừng ở chân núi Hòn Tàu nhớ lại: "Tôi và những người đồng đội đã từng chốt gác nơi cửa rừng, đánh nhiều đợt càn của địch vào căn cứ, cùng với bộ đội chiến đấu giữ từng hang đá, quả đồi...". Rồi nhìn qua một cánh rừng xa, chỉ tay về phía ấy, ông kể về những hồi ức mà giờ lại vun đắp thành niềm tự hào về quê hương, về căn cứ cách mạng này. Ông còn kể thêm những chuyến vượt rừng băng suối, đối mặt với những cơn sốt rét kinh hoàng, những mùa mưa vạch lối rừng đi tìm đọt măng, rau rừng cho no cái bụng...

Với những cựu chiến binh ngày ấy, ai giờ tóc cũng đã bạc trắng màu. Cả sự minh mẫn cũng không còn theo tuổi tác, vậy mà phần ký ức về chiến tranh, về Hòn Tàu - Đặc khu ủy Quảng Đà vẫn được gọi tên bằng hồi ức niềm nhớ không dễ gì nguôi ngoai như một niềm tự hào tất thắng. Chuyến đi về căn cứ Đặc khu Quảng Đà lần này của các cựu chiến binh có ý nghĩa đặc biệt hơn bao giờ hết. Họ đã từng sống và cống hiến tuổi xuân. Bây giờ, những "nhân chứng sống" lại cùng nhau trở về, tìm lại và hồi tưởng một thời đã cùng đồng đội trong những năm khói lửa chiến tranh. Sau những phút giây sôi nổi trong lời nói, ánh mắt, nụ cười và những bước chân hăm hở về lại với mảnh đất này, dường như trong tâm thức các cựu chiến binh hôm ấy là sống dậy những ký ức hào hùng...

Vùng đất ấy đã khởi sắc. Phát huy truyền thống hào hùng của một thời gian khó, xã Duy Sơn hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo khang trang với danh hiệu Xã chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 và đang tiếp tục xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2020. Trên địa bàn xã, Đặc khu ủy Quảng Đà (Hòn Tàu) - Di tích lịch sử văn hóa Đặc Khu ủy Quảng Đà (căn cứ Hòn Tàu) đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2012 và việc đầu tư, phục hồi di tích này bắt đầu từ năm 2015, đến nay đã hoàn thành sẽ mở ra một điểm đến du lịch về nguồn. Cùng với Khu du lịch sinh thái thủy điện Duy Sơn, đồng sen Trà Lý, thành Trà Kiệu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn xã Duy Sơn..., khu di tích Đặc khu Quảng Đà sẽ kết nối làm phong phú thêm các điểm đến du lịch tại Duy Sơn. Từ đó mở ra định hướng đầu tư, phát triển du lịch của huyện Duy Xuyên thêm nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch trong thời gian đến. Hy vọng, từ việc đầu tư, phục dựng Đặc khu ủy Quảng Đà sẽ đánh thức niềm tự hào của "địa chỉ đỏ" này - nơi khơi nguồn giáo dục truyền thống quê hương. Phía núi ấy - Hòn Tàu - sẽ có những bước chân thế hệ trẻ tìm về, như cuộc trở về của các cựu chiến binh hôm nay-về với một thời "hoa đỏ"...

THẢO NGUYÊN