Báo Công An Đà Nẵng

Hồn Tết Việt!

Thứ tư, 07/02/2018 09:00

1. Bọn trẻ bắt đầu ngóng Tết bằng câu hỏi đầu tiên: năm nay nhà mình có làm món chi khác, lạ không hè? Người lớn nhìn nhau, hỏi quanh: làm món gì cho đỡ ngán đây? Hỏi thì hỏi vậy, nhưng cuối cùng món đầu tiên đụng tay vào làm lại là món dù muốn hay không vẫn phải làm: dưa món! Thế nên, dù trời cứ ủ ủ, rầu rầu, trên đường đi làm về, tôi tạt vào chợ Tam Giác (quen miệng vậy thôi, chớ giờ chẳng còn họp chợ đông đúc như xưa) mua 2 ký kiệu, cặm cụi cắt râu đem ngâm qua nước tro trước khi phơi. Có người biết chuyện bảo: "Làm gì kỹ thế. Cứ rửa sạch đem phơi là được rồi. Kiệu vốn thơm mà!". "Xưa làm nay bắt chước", biết cắt nghĩa sao cho phải. Nhưng nói "mê tín", củ kiệu  ngâm qua nước tro vài tiếng trước khi phơi, làm dưa món có mùi thơm rất đặc biệt. Tết đến, giữa ê hề thịt cá, bánh mứt, món dưa món ăn kèm bánh tét, bánh chưng vẫn...là nhất xứ. Trộm nghĩ, nếu Tết mà bỏ luôn món ăn dân dã này, e hương vị Tết ít nhiều... bay đi! Đời sống xã hội ngày càng được nâng lên, nên chẳng đợi đến Tết, nhiều gia đình thành phố hiện nay vẫn làm những món ăn trước đây phải đợi đến Tết mới có. Trẻ thành phố giờ thấy mứt, bánh kẹo, mắt chẳng còn sáng rỡ như trẻ ngày xưa. Nhiều người bảo, thích thì cứ mua về ăn, sao cứ đợi đến Tết làm chi để ngán? Không chỉ mang cái mệt vào thân mà còn lãng phí tiền của, bởi Tết cái gì cũng lên giá! Cái lý ấy đưa ra thật chẳng ai cãi được vì quá đúng. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bởi trong quan niệm về văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, ngày thường thiếu chút đỉnh chẳng sao, nhưng Tết phải đủ đầy. Ngoài ý nghĩa cầu mong một năm no đủ, khi làm đầy đủ các loại bánh mứt, dự trữ thật nhiều thịt cá, thức ăn, còn bởi một quan niệm nữa là để ăn dần qua mùng mới xuất, chi tiền... Những quan niệm, phong tục, tập tục ngày Tết cổ truyền tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, được ông cha giữ gìn, truyền từ đời này qua đời khác. Tết khác ngày thường là vậy!

Cuối năm, các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng thường tổ chức Ngày hội Văn hóa dân gian với nhiều hoạt động lễ hội, ẩm thực, các trò chơi dân gian ngày Tết, thu hút đông đảo HS, giáo viên tham gia. Ảnh: P.T

2. Rằm tháng chạp, ra chợ nghe mấy cô, mấy chị bán quần áo, chăn ra nệm than: "Trời đất! Tết đến nơi rồi mà răng ế ẩm ri không biết?". Dạo quanh, thấy đúng thế thật. Lục tung quầy hàng bán ra nệm, mặt gối để tìm mua vài bộ ra mới về trải ngày Tết, thấy chẳng có kiểu dáng nào bắt mắt. Lầm bầm nói chị chủ bán hàng, sao không lấy thêm mẫu mã? Năm nào cũng mấy mẫu này, chán quá đi! Rồi định bỏ sang hàng khác. "Ui trời! Hàng chị là nhất rồi đó. Không tin, em thử một vòng quanh chợ xem có hàng nào có nhiều mẫu ra nệm như chị không? Nếu không, nhớ quay lại mua giúp chị vài bộ nghe!"- chị chủ hàng tìm cách níu chân bằng câu quảng bá...xưa như trái đất, vậy mà nghe vẫn bùi tai. Một khách hàng đi qua, chẳng quen biết chi, rất tự nhiên ghé vào góp lời: "Đi mua áo quần, ra nệm ngày Tết, nên mua trước nô-en, mẫu mã vừa lấy về, tha hồ chọn. Chừ mới đi mua, sao còn nhiều hàng đẹp để lựa nữa! Kinh nghiệm mua sắm đó em!". Chợt thần người nhớ hôm chở đứa cháu đi sắm đồ Tết. Vào shop hẳn hoi, lục tìm được một mẫu áo quần đẹp vừa mắt mà mướt cả mồ hôi. Cô bé bán hàng vui vẻ nói: "Đáng lý, chị nên dẫn cháu đi sắm trước nô-en. Lúc đó, hàng về nhiều lắm, tha hồ chọn!".

Chợt phát hiện, người tiêu dùng thời nay thông minh thật. Họ đón đầu, lo mua sắm đồ Tết đúng thời điểm hàng đổ về đầu mùa. Thời điểm đó, hàng vừa có nhiều mẫu mã đẹp, giá cả cũng phải chăng. Bỗng thấy thương cho công nhân, tiền thưởng phải đến cận Tết mới có. Nếu không chịu khó để dành hoặc "giật gấu, vá vai" ai đó để mua sắm trước, thì đến cận kề Tết chạy vội, chạy vàng vào chợ mua với giá đắt đỏ, hoặc vào siêu thị may chăng trúng hàng giảm giá. Trộm nghĩ, sao cứ đến cận Tết, sau tết, tiểu thương lại tìm cách tăng giá. Bao giờ mới hết quan điểm "bán buôn chỉ được mấy ngày Tết chớ mấy"? Năm nào cũng thế, thông tin ra rả bình ổn giá, nhưng thực tế vào chợ mới biết, mặt hàng nào cũng "leo thang". Người tiêu dùng than thì người bán bảo, đến giá giữ xe còn tăng huống hồ gì hàng Tết! Sao không bán như ngày thường để những người không có điều kiện kinh tế khá giả vẫn có thể mua sắm đầy đủ hàng Tết, người bán cũng bán được nhiều hàng? Bán buôn lấy số đông làm lời, chẳng phải thế sao?...

3.  Tết là thời điểm để gia đình đoàn viên, sum vầy. Trong thời buổi hội nhập, sự đoàn viên ấy lại càng có ý nghĩa hơn khi có rất nhiều gia đình con cái đi làm ăn xa, một năm mới có dịp về sum vầy bên gia đình. Ý nghĩa Tết cổ truyền thiêng liêng là vậy, chỉ vì sự biến tướng của xã hội hiện đại với việc "đẻ" ra nhiều lễ, nghĩa gây ra lãng phí cho xã hội và ngân sách quốc gia, biến những phong tục đẹp như lì xì trở nên thực dụng, trở thành căn bệnh xã hội khó chữa- bệnh "đút lót" lì xì; rồi tệ nạn từ cờ bạc, rượu chè kèm theo hủ tục biếu xén, quà cáp quan chức ngày Tết..., ít nhiều làm mất đi bản sắc, hồn cốt đẹp đẽ vốn có của Tết Nguyên đán cổ truyền. Thế nên mới xôn xao ý kiến sáp nhập giữa Tết ta, Tết tây làm một. Trong quá trình hội nhập, sự giao lưu giữa các nền văn hóa là điều tất yếu. Nhưng hội nhập đâu có nghĩa là hòa tan? Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa khác nhau, tạo nên hồn cốt riêng của dân tộc đó. Có người nói, bất kỳ một nền văn hóa nào muốn tồn tại cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với thời đại, nhất là trong thời đại internet chiếm hữu hiện nay. Theo đó, trong dòng chảy phát triển của xã hội, văn hóa không thay đổi sẽ là một nền văn hóa thiếu sức sống...Chỉ cần biết chắt lọc, gìn giữ những nét đẹp truyền thống của Tết cổ truyền, biết dung hòa giữa cái cũ cái mới sao cho phù hợp với thời hiện đại, biết tiết kiệm, loại bỏ "phú quý sinh lễ nghĩa" cùng những hủ tục và dư âm kéo dài sau tết..., thì hồn Tết cổ truyền càng được tôn lên hơn, đẹp lên hơn không chỉ trong mắt con dân đất Việt mà còn níu chân khách nước ngoài đến sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Tết là cái hồn của đất nước. Đã là hồn cốt dân tộc thì phải được gìn giữ, không nên để mất đi...

P.Thủy