Báo Công An Đà Nẵng

Honda và "cuộc chinh chiến" trên đất Mỹ (Kỳ cuối: Khẳng định thương hiệu)

Thứ ba, 09/07/2019 12:58

Vào những năm 1980, Mỹ "tấn công" các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản bằng cách đưa ra mức hạn ngạch nhập khẩu cũng như tăng mức thuế quan, với mục đích đưa ngành sản xuất ô-tô trong nước phát triển trở lại. Tuy nhiên, những biện pháp đó lại giúp các thương hiệu Nhật Bản như Honda phát triển mạnh.

Nhà máy sản xuất ô-tô của Honda tại Marysville, Ohio.   Ảnh: CNN

Chiến tranh thương mại những năm 1980

Khi suy thoái kinh tế xảy ra ở Mỹ vào những năm 1980, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhiều người Mỹ sợ rằng, họ sắp bị Tokyo qua mặt. Sau khi Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức năm 1981, Washington bắt đầu gây sức ép buộc Tokyo mở cửa thị trường cho các Cty Mỹ và giảm sự mất cân bằng thương mại giữa các nước.

Cuộc chiến thương mại bắt đầu giữa Washington và Tokyo khi chính quyền Washington đưa ra các Hạn chế xuất khẩu tự nguyện (VER), trong đó giới hạn số lượng xe nhập khẩu vào Mỹ. Năm 1981, các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản chỉ được phép xuất khẩu 1,68 triệu xe sang Mỹ. Trước khi hạn ngạch được đưa ra, họ đã xuất khẩu 1,82 triệu vào năm 1980. Người tiêu dùng Mỹ, bị cuốn vào cuộc chiến giành quyền thống trị kinh tế toàn cầu, phải gánh chịu khoản chi phí bằng cách trả nhiều tiền hơn cho ô-tô Nhật Bản.

Để tránh hạn ngạch, nhiều nhà sản xuất ô-tô ở Nhật quyết định chuyển địa điểm sản xuất sang bờ biển Mỹ và thiết lập liên minh với các nhà sản xuất ô-tô trong nước. Nissan đã thành lập nhà máy sản xuất ô-tô đầu tiên vào năm 1983 tại Tennessee và Toyota thành lập cửa hàng tại Fremont, California, hợp tác với General Motors vào năm 1986. Đối mặt với những hạn chế nhập khẩu, các nhà sản xuất ô-tô Nhật cũng chuyển sang bán những loại xe sang trọng, béo bở hơn, như Honda Acura và Toyota Lexus, cạnh tranh với những chiếc xe cỡ trung bình vốn là nguồn thu chính của các thương hiệu Mỹ.

Khi các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản đã thích nghi với môi trường chính trị, họ đã phát triển mạnh mẽ. Vào năm 1991, gần 1/3 số xe hơi được bán tại Mỹ được sản xuất bởi một Cty thuộc sở hữu của Nhật Bản. Đến năm 2007, Toyota đã vượt qua General Motors trở thành nhà sản xuất ô-tô hàng đầu thế giới. Theo các nguồn tin, kể từ khi mở nhà máy tại Mỹ, Honda đã vượt qua nhiều cột mốc quan trọng. Cty đã sản xuất chiếc xe thứ 25 triệu tại Mỹ vào năm 2018 và sử dụng hơn 31.000 lao động tại Mỹ cho việc sản xuất các sản phẩm gồm xe hơi, xe tải, xe tải nhẹ, SUV, xe máy, xe cắt cỏ và thậm chí cả robot.

Mỹ tự đánh mất cơ hội

Năm 2019, các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản một lần nữa nằm dưới họng súng.

Trong khi các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản tuyên bố chế tạo 1/3 số xe tại Mỹ và mua 61,2 tỷ USD phụ tùng ô-tô Mỹ trong năm 2018, nhiều chiếc trong số này sử dụng phụ tùng nhập khẩu của Nhật Bản trị giá 16 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump coi đó là một vấn đề. Hồi tháng 5-2019, ông tuyên bố phụ tùng ô-tô và xe nhập khẩu là mối đe dọa an ninh quốc gia và dọa sẽ áp mức thuế lên tới 25% đối với các mặt hàng này.

Các chuyên gia cho rằng, chiến thuật của Tổng thống Trump có thể là một đòn giáng mạnh vào người tiêu dùng và người lao động Mỹ. Thomas J Prusa, giáo sư kinh tế tại Đại học Rutgers cho biết: "Những gì từng xảy ra trong lịch sử cho thấy, một hạn ngạch chặt chẽ đối với ô-tô hoặc phụ tùng ô-tô được sản xuất tại Nhật Bản sẽ làm tổn thương không chỉ người tiêu dùng Mỹ mà cả các Cty Mỹ. Đó là bởi vì nhiều việc làm của Mỹ gắn liền với chuỗi cung ứng đến từ Nhật Bản".

Không chỉ việc làm là lĩnh vực bị ảnh hưởng duy nhất. Hiện tại, các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản đang tài trợ cho nghiên cứu sản xuất và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo tại các trung tâm công nghệ như Thung lũng Silicon. Manny Manriquez, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản tại Mỹ cho biết, chi phí thuế tăng cao có thể làm giảm ngân sách cho các sáng kiến như vậy. "Ngành công nghiệp ô-tô Mỹ không thể hoạt động và phát triển mạnh nếu tách rời khỏi thương mại quốc tế. Hạn chế thương mại và sự không chắc chắn không chỉ làm suy yếu toàn bộ ngành công nghiệp ô-tô, mà nó có thể khiến Mỹ mất đi cơ hội", ông Manriquez nói thêm.

Năm ngoái, nhằm củng cố chiến lược "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và 11 quốc gia khác. Kể từ đó, Tokyo đã dẫn đầu một hiệp ước sửa đổi với các bên ký kết còn lại. Và vào năm 2019, hiệp định thương mại tự do của Nhật Bản với Liên minh Châu Âu cũng có hiệu lực. Những thỏa thuận như vậy giúp Nhật Bản mở rộng hoạt động kinh doanh với các đối tác bên ngoài nước Mỹ.

Toyota cho rằng, động thái của ông Trump đã "gửi thông điệp tới Toyota rằng các khoản đầu tư của chúng tôi không được hoan nghênh và những đóng góp từ mỗi nhân viên của chúng tôi trên khắp nước Mỹ không được coi trọng". Cty cho biết, họ hy vọng các cuộc đàm phán thương mại được xúc tiến nhanh chóng.

AN BÌNH