Báo Công An Đà Nẵng

Hồng Kông báo động lạm dụng người giúp việc

Thứ hai, 05/05/2014 08:32

(Cadn.com.vn) - Hồng Kông (Trung Quốc) là điểm đến hấp dẫn cho người lao động vì mức lương khá cao, được nghỉ ngơi mỗi tuần và được pháp luật bảo vệ tốt hơn những nơi khác. Tuy nhiên, gần đây, đã xảy ra nhiều trường hợp người giúp việc bị lạm dụng hoặc bị đánh đập tàn nhẫn, động thái đang có nguy cơ xóa dần hình ảnh tốt đẹp mà đặc khu này xây dựng bấy lâu nay.

Giống như hàng triệu phụ nữ trẻ nghèo khó khác Rohyati, 26 tuổi, đến Hồng Kông làm giúp việc. Là con gái của một nông dân trồng lúa ở Java, Indonesia, cô từng làm việc trong 2 năm tại Singapore.

Nhưng khi cha qua đời, phải nuôi 3 em trai, cô quyết định thử vận may của mình tại thủ đô tài chính quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, Rohyati cho biết, chỉ hai tuần làm việc, cô bị mẹ của chủ nhà tát vào mặt vì cô không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ. Trong 2 tháng tiếp theo, cô bị ông chủ đánh và bóp cổ đến nghẹt thở.

Hiện, Rohyati đang sống an toàn tại một nơi trú ẩn của một tổ chức từ thiện. Trước đó, cả thế giới từng chấn động khi người giúp việc Indonesia Erwiana Sulistyaningsih bị lạm dụng và tra tấn dã man. Hình ảnh cô gái Sulistyaningsih, 23 tuổi, hai mắt thâm tím vì bị đánh nhiều lần và đôi bàn tay, bàn chân bị hóa chất đốt cháy trở thành tiêu đề chính của các tờ báo trên toàn thế giới. Hiện, người chủ, Law Wan-tung đang bị xét xử về tội lạm dụng.

Ai biết “vâng lời hơn”?

Vụ việc khiến công chúng chú ý đến 325.000 lao động trong nước của Hồng Kông, những người chủ yếu đến từ Indonesia và Philippines.

Người đứng đầu Sở cảnh sát Andy Tsang cho biết, các trường hợp lạm dụng người giúp việc là rất hiếm, nhưng các nhà hoạt động, các tổ chức từ thiện và các học giả không đồng ý như vậy. Họ cho biết, người giúp việc Indonesia đặc biệt là đối tượng bị hành hạ nhiều nhất.

Trong báo cáo hồi tháng 11-2013, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, hàng ngàn phụ nữ Indonesia bị bán sang Hồng Kông phải đối mặt với điều kiện làm việc như “nô lệ”, và chính quyền Jakarta và Hồng Kông đã không bảo vệ họ.

Hans Ladegaard, giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Kông, người tiến hành nghiên cứu tình trạng lạm dụng người giúp việc từ năm 2008, nói rằng, vấn đề này càng nghiêm trọng và phổ biến. Ông cho rằng, các lao động từ Indonesia có nguy cơ hơn so với Philippines, vì họ trẻ hơn, ít học hơn và không nói thông thạo tiếng Anh.

Cũng theo ôngLadegaard, một số gia đình thích thuê người giúp việc Indonesia vì họ chấp nhận mức lương thấp hơn so với người Philippines, và được cho là “biết vâng lời” hơn.

Trường hợp Erwiana Sulistyaningsih đưa vấn đề lạm dụng người giúp việc ra ánh sáng. Ảnh: BBC

“Hãy kiên nhẫn”

Những lao động mới từ Indonesia thường được trả số tiền thấp hơn  mức lương tối thiểu hàng tháng theo quy định của pháp luật là 4.010 HKD (517 USD), cho đến khi họ chứng tỏ bản thân làm tốt công việc.

Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ trích các cơ quan giới thiệu việc làm tại cả Indonesia và Hồng Kông không bảo vệ người lao động, và trong một số trường hợp, người lao động còn bị lừa. Trước khi đến Hồng Kông, Rohyati được đào tạo 3 tháng tại một trung tâm ở thành phố Semarang, Java.

Cô được học nấu ăn, chăm sóc trẻ sơ sinh và người cao tuổi, và một số tiếng Quảng Đông cơ bản. Cô được trả 3.920 HKD/tháng, ít hơn mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, cô phải trả 2.543 HKD/ tháng cho cơ quan giới thiệu việc làm tại Hồng Kông trong 6 tháng.

Rohyati báo cáo với nhà tuyển dụng khi mình bị đánh nhưng được khuyên là phải kiên nhẫn, tiếp tục làm việc trong 6 tháng, cho đến khi trả đủ toàn bộ chi phí. Không giống như người Philippines và một số quốc gia khác, người Indonesia chỉ được nhập cư thông qua các cơ quan tuyển dụng đã đăng ký với chính phủ. Theo Tổ chức Ân xá, nỗi sợ hãi bị chấm dứt hợp đồng và phải trả phí tuyển dụng khiến nhiều người di cư Indonesia chấp nhận công việc dù bị lạm dụng và bóc lột.

An Bình

(Theo BBC)