Hồng Kông chấp nhận đàm phán
(Cadn.com.vn) - Đàm phán là cánh cửa duy nhất mở ra cơ hội hòa giải cho chính quyền Hồng Kông và người biểu tình.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh tìm cách xoa dịu căng thẳng với người biểu tình khi ngày 16-10 tuyên bố có thể ngồi vào bàn đàm phán vào tuần tới.
Đây là lần thứ hai chính quyền Hồng Kông đề nghị đàm phán với các thủ lĩnh sinh viên biểu tình “Chiếm trung tâm”, chỉ một tuần sau khi bất ngờ hủy các cuộc thảo luận nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình đang hủy hoại vị thế của trung tâm tài chính Châu Á này. “Chúng tôi bày tỏ mong muốn khởi động đối thoại, thảo luận về quyền bỏ phiếu phổ thông ngay khi chúng ta có thể và hy vọng sẽ diễn ra trong tuần tới”, nhà lãnh đạo Hồng Kông tuyên bố như một cách để trấn an người biểu tình trong lúc nước sôi lửa bỏng này.
Đụng độ biểu tình tiếp tục xảy ra ở Hồng Kông vào rạng sáng 16-10. Ảnh: AFP |
Bên cạnh đó, ông Lương Chấn Anh còn cho biết, chính quyền đã liên hệ với Hiệp hội sinh viên – một trong những nhà lãnh đạo biểu tình – thông qua trung gian và nhận được phản hồi tích cực từ phía các sinh viên. Tuy nhiên, trong tuyên bố tại cuộc họp báo trực tiếp trên truyền hình địa phương, nhà lãnh đạo Hồng Kông cũng khẳng định, các cuộc biểu tình kéo dài gần 3 tuần qua không thể tiếp tục. “Chúng tôi không thể cho phép các hoạt động ảnh hưởng bất lợi đến tình hình xã hội Hồng Kông”, Trưởng Đặc khu Hồng Kông tuyên bố, như một tối hậu thư đối với người biểu tình.
Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn căng thẳng bởi làn sóng giận dữ phản đối những hành động bạo lực của cảnh sát nhằm vào người biểu tình. Khu vực Admiralty ở trung tâm Hồng Kông rạng sáng 16-10 tiếp tục chứng kiến nhiều vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Hàng trăm người khác tiếp tục cắm trại quanh địa điểm biểu tình chính ở Admiralty.
Cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay chống người biểu tình ở công viên Tamar và bắt giữ nhiều người. Hơi cay tiếp tục được dùng để ngăn chặn người biểu tình phong tỏa con đường lớn gần Tòa nhà văn phòng Trưởng đặc khu nhằm bày tỏ sự giận dữ về đoạn băng ghi lại cảnh nhóm cảnh sát đang đánh người biểu tình trong vụ dẹp bỏ các chướng ngại vật. Tại trụ sở cảnh sát ở quận giải trí Wan Chai, hàng trăm người tụ tập bên ngoài lên án cảnh sát trong khi hàng chục người xếp hàng nộp đơn kiện chính thức.
Tình hình ở Hông Kông xem ra ngày càng khó xử lý. Mặc dù đã có lời đề nghị đàm phán, nhưng thực tế cho thấy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, hai bên có đủ lý do để hủy bỏ. Thách thức giờ đây không chỉ đè nặng lên vai giới chức Hồng Kông mà còn cả giới lãnh đạo Trung Quốc.
Câu hỏi muôn thuở đặt ra là liệu Bắc Kinh có dùng quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để ngăn chặn biểu tình hay không. Căng thẳng ở Hồng Kông đang làm dấy lên những đồn đoán quanh các trại biểu tình rằng, PLA - hiện đang có một đơn vị đồn trú ở đặc khu này - sẽ được triển khai nếu Bắc Kinh cảm thấy chính quyền ông Lương Chấn Anh không thể giải quyết cuộc khủng hoảng lần này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Trung ương nhận thấy không cần phải triển khai PLA đến Hồng Kông. Bởi lẽ, Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn bày tỏ tin tưởng, chính quyền Hồng Kông có thể xử lý các cuộc biểu tình và bản thân đặc khu này cũng bác bỏ bất kỳ sự giúp đỡ của quân đội Trung Quốc. Nhưng nhiều người vẫn không loại trừ khả năng PLA sẽ can thiệp một khi tiếp tục xảy ra đụng độ biểu tình ở Hồng Kông.
Khả Anh