Báo Công An Đà Nẵng

Hồng Kông chờ đợi

Thứ bảy, 04/10/2014 07:50

(Cadn.com.vn) - Người biểu tình ở Hồng Kông đang đặt nhiều hy vọng vào cuộc đàm phán với Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh sắp tới.

Nhà lãnh đạo Hồng Kông ngày 3-10 đồng ý mở các cuộc đàm phán với người biểu tình, song khẳng định sẽ không lùi bước khi đối mặt với tình trạng bất ổn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại đặc khu này.

Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cũng bác bỏ tối hậu thư đòi ông từ chức trong khi cảnh sát lặp đi lặp lại cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu người biểu tình cố chiếm các trụ sở chính quyền. Phát biểu với phóng viên chỉ trong vài phút trước khi tối hậu thư hết hạn vào lúc 24 giờ ngày 2-10, ông Lương khẳng định, Tổng thư ký Carrie Lam sẽ sớm gặp gỡ các thủ lĩnh sinh viên để thảo luận cải cách chính trị, song không đưa ra khung thời gian cụ thể.

 Người biểu tình Hồng Kông lục tục trở lại làm việc sau hai ngày nghỉ lễ Quốc khánh. Ảnh: Wochit 

Trong khi ông Lương thực hiện sự nhượng bộ rõ ràng, báo giới ở Trung Quốc đại lục kiên quyết cho rằng, việc duy trì quyết định của Quốc hội là điều cần thiết và đó là quyết định duy nhất. People Daily - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 3-10 khẳng định, chính quyền sẽ không nhượng bộ và rằng, mục đích của cuộc biểu tình không hợp pháp và cũng không hợp lý này “chắc chắn sẽ thất bại”.

Đáp lại, người biểu tình Hồng Kông một mặt đồng ý đàm phán, một mặt tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch “Chiếm trung tâm”. Tuy nhiên, sau đêm dài bao vây quanh Văn phòng Trưởng Đặc khu Hồng Kông, song ông Lương vẫn giữ vững quan điểm, những người biểu tình tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo - với nhiều dự cảm rằng, các nhà chức trách đơn giản chỉ cần chờ đợi các cuộc biểu tình suy yếu dần.

Thực tế đúng như vậy. Hồng Kông trong tuần qua rung chuyển vì biểu tình với hơn 100.000 người tham gia lúc đỉnh điểm. Tuy nhiên, số người biểu tình đang giảm dần khi họ phải trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Quốc khánh. Một số người biểu tình cho rằng, giới chức Hồng Kông đang cố gắng “mua thời gian” bằng lời đề nghị đàm phán để chờ đợi số người biểu tình giảm dần. Một số khác lo sợ, việc thiếu đi bất kỳ lãnh đạo biểu tình nào sẽ làm suy yếu phong trào. “Chúng tôi lo lắng mọi người sẽ trở lại bình thường như không có gì từng xảy ra”, người biểu tình Kenneth Mok, 22 tuổi, cho biết. Nhiều người lại hoan nghênh cuộc đàm phán với chính quyền.

Không khí tạm lắng. Không có dấu hiệu căng thẳng giữa người biểu tình với các nhân viên đang cố gắng trở lại làm việc tại trụ sở chính quyền. “Tôi cần phải đi làm. Các bạn không cần phải kiếm sống nhưng tôi thì khác”, một người phụ nữ cho biết khi cãi nhau với người biểu tình. Tuy nhiên, xảy ra ẩu đả giữa nhóm biểu tình và nhóm ủng hộ Bắc Kinh tại Tsim Sha Tsui - quận mua sắm chủ chốt của Hồng Kông khiến cảnh sát phải lập lá chắn giữa họ.

Sau đó, Văn phòng Thông tin Hồng Kông ra thông cáo cho biết, do các tuyến đường tới trụ sở chính quyền bị phong tỏa nên tòa nhà này tạm thời đóng cửa vào ngày 3-10. Thông báo cũng khuyến cáo các nhân viên không đến nơi làm việc và phải làm theo kế hoạch đối phó với tình huống khẩn cấp của các phòng ban tương ứng. Tất cả các chuyến viếng thăm tới trụ sở này cũng bị hoãn hoặc hủy.

Và mối lo hiện tại đặt lên vai nền kinh tế. Các cuộc biểu tình khiến trung tâm giao dịch của Châu Á rơi vào bế tắc. Một nghiên cứu công bố hôm 3-10 cho thấy, biểu tình khiến các nhà bán lẻ mất đi 2,2 tỷ đô-la Hồng Kông (283,5 triệu USD). Trong đó, các nhà bán lẻ hàng hóa cao cấp, mỹ phẩm và tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hoảng sợ bởi các cuộc biểu tình ở trung tâm, một số ngân hàng và Cty tài chính bắt đầu chuyển nhân viên đến nhiều nơi khác.

Khả Anh