Báo Công An Đà Nẵng

Hồng Kông lại dậy sóng

Thứ năm, 13/06/2019 11:27

Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 12-6 đã hoãn phiên họp thảo luận về dự luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ nghi phạm tới Trung Quốc Đại lục, khi mà hàng ngàn người biểu tình bao vây trụ sở của chính quyền.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng để giải tán người biểu tình ở Hồng Kông.   Ảnh: AFP

Ngày 12-6, người biểu tình phong tỏa 2 tuyến đường huyết mạch ở trung tâm Đặc khu hành chính Hồng Kông khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch gây tranh cãi vốn nhằm cho phép dẫn độ các nghi phạm tới Trung Quốc Đại lục.

Cuộc họp về dự luật dẫn độ bị trì hoãn

Theo AFP, những người biểu tình mặc áo đen, hầu hết là những người trẻ tuổi và sinh viên, đã bao vây các văn phòng chính quyền, khiến giao thông tê liệt. Họ cũng học theo chiến thuật từng được phong trào Chiếm Trung tâm sử dụng trong năm 2014, theo đó phong tỏa các điểm giao cắt trong nhiều tháng.

Hàng loạt cảnh sát chống bạo động đã nỗ lực kiểm soát những người biểu tình - nhiều người đeo mặt nạ, đội mũ bảo hiểm hoặc đeo kính bảo hộ - chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc thảo luận theo lịch trình về dự luật trên tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán dòng người biểu tình ngày càng đông và giơ cao những tấm biển cảnh báo người biểu tình về việc chuẩn bị sử dụng vũ lực nếu họ không chịu lùi bước.

Trước áp lực từ dòng người biểu tình, hội đồng trên đã buộc phải hoãn lại cuộc họp thảo luận dự luật. Báo SCMP của Hồng Kông cho biết, cuộc họp dự kiến diễn ra lúc 11 giờ  ngày 12-6 (giờ địa phương) (với một cuộc bỏ phiếu cuối cùng dự kiến vào ngày 20-6) đã bị hoãn lại mà không rõ khi nào sẽ được nối lại. Trong khi đó, theo AFP, cơ quan này chỉ thông báo cuộc họp “được dời sang một ngày sau”. AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hồng Kông Lương Quân Ngạn thông báo cuộc họp dự kiến diễn ra vào sáng 12-6 sẽ được sắp xếp “vào một ngày khác” sau khi đám đông người biểu tình tràn ra trung tâm thành phố và phong tỏa các tuyến đường lớn.

“Hồng Kông sẽ bị tổn thương”

Thông tin về việc hoãn thảo luận dự luật không ngăn được đám đông người biểu tình hoan nghênh. “Việc trì hoãn cuộc họp là không đủ”, sinh viên Charles Lee, 23 tuổi, nói. “Đây không phải là mục đích cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi cần họ xem xét việc loại bỏ hoàn toàn dự luật đó... Đụng độ là không thể tránh khỏi nếu họ áp dụng thái độ này đối với công dân của họ”, một người biểu tình khác nói.

Những người biểu tình, trong một nhóm nhắn tin trên Telegram, đã đe dọa gây ra loạt hậu quả - bao gồm “gây bão” các tòa nhà Hội đồng Lập pháp, làm tê liệt giao thông công cộng, xung quanh tư dinh của các thành viên nội các và tiếp tục chiếm giữ các con đường - nếu dự luật không được rút lại vào lúc 3 giờ ngày 13-6. Tuy nhiên, theo giới phân tích, dự luật này chắc chắn sẽ được thông qua trong bối cảnh Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga kiên quyết bác bỏ mọi lời kêu gọi về việc rút hoặc trì hoãn thông qua dự luật và cảnh báo chống lại “hành vi cực đoan”. Các nhà lãnh đạo của Hồng Kông nói rằng, dự luật đề xuất là cần thiết nhằm ngăn chặn việc thành phố này trở thành nơi ẩn náu lý tưởng cho tội phạm và khẳng định không bị Bắc Kinh chi phối trong vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều người Hồng Kông không tin tưởng vào tuyên bố của chính quyền Hồng Kông. Theo SCMP, một số người không rõ danh tính đã dọa giết nữ Đặc khu trưởng này cùng trưởng cơ quan tư pháp và người thân của họ, nếu như không rút lại dự luật trong vòng 24 giờ tới. Cảnh sát hiện đang điều tra các lời đe dọa này. Theo Nghị sĩ Fernando Cheung, “bởi vì tình hình rất căng thẳng, nếu bà ấy buộc phải thông qua và yêu cầu cảnh sát sử dụng bạo lực, tôi sợ trẻ em Hồng Kông sẽ bị tổn thương, sẽ bị chảy máu”.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm hơn 1,8% trong bối cảnh hỗn loạn trên toàn đặc khu, khiến nó trở thành vụ khủng hoảng tồi tệ nhất ở Châu Á hiện nay.

KHẢ ANH