Báo Công An Đà Nẵng

Hồng Kông - nguy cơ đánh mất "danh tiếng quốc tế"

Thứ sáu, 01/04/2016 09:45

(Cadn.com.vn) - Nhiều thập kỷ qua, những hoạt động thương mại, đầu tư giữa Hồng Kông thuộc Trung Quốc với các đối tác diễn ra rất thuận lợi. Sở hữu nguồn tài chính dồi dào, môi trường pháp lý minh bạch cùng các quy định pháp luật rạch ròi, Hồng Kông là lựa chọn tiên quyết để đặt trụ sở của nhiều Cty xuyên quốc gia. Năm 2001, Hồng Kông được bình chọn là "Thành phố thế giới của Châu Á" năm 2001.  Tuy nhiên, những năm trở lại đây, Hồng Kông đang dần đánh mất danh tiếng như "một trung tâm tài chính toàn cầu". Trong đó, hai sự kiện  dưới đây là một trong số nguyên nhân đẩy Hồng Kông rơi vào tình cảnh trên.

TPP

TPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được chính thức ký kết vào ngày 4-2-2016 giữa 12 nước thành viên. Bên cạnh việc xóa bỏ rào cản thuế và tạo điều kiện cho việc lưu chuyển dòng vốn và lao động được dễ dàng hơn, mục tiêu của TPP là bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn lao động trong khu vực.

Là thành viên của TPP, cả Malaysia và Việt Nam cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế được nêu trong hiệp định. Trong đó, Malaysia đồng ý ban hành quy định hỗ trợ dịch vụ bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người và lao động cưỡng bức. Ngược lại, Hồng Kông đã liên tục phủ nhận sự cần thiết phải ban hành luật cấm cưỡng bức lao động, tuyên bố, vấn đề này không ảnh hưởng đến mình.

Sự "làm ngơ" của Hồng Kông về vấn đề này khiến vị thế của đặc khu này sụt giảm so với các đối thủ trong khu vực, và đây cũng chính là rào cản lớn trong việc thu hút thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài khi TPP được ký kết.

Chủ nghĩa ly khai

Sự kiện thứ hai phải kể đến là cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình tại quận Mongkok đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2016 khi cảnh sát tìm cách dọn dẹp các quầy hàng bán rong bị xem là hoạt động bất hợp pháp.

Ngày 18-2, một bài viết giật tít "Không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào làm xáo trộn Hồng Kông" xuất hiện trên trang nhất tờ báo quốc phòng Trung Quốc. Bài viết này nhằm nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc đại lục đối với Hồng Kông như được nêu trong Đạo luật an ninh quốc gia mới thông qua ngày 1-7-2015. Điều 11 nói rằng "bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là nghĩa vụ chung của tất cả công dân Trung Quốc, bao gồm cả công dân Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan".

Một trong những lý do mà Hồng Kông là địa điểm được lựa chọn làm trụ sở của các Cty đa quốc gia không phải vì đặc khu này nhiều cơ hội kinh tế lớn hơn mà là hệ thống pháp luật nơi đây khá "dễ thở". Tuy nhiên, trong bối cảnh Hồng Kông đang bị nhiều xáo trộn khi chứng kiến nhiều cuộc biểu tình trong suốt thời gian qua, tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới HSBC thông báo trụ sở chính của nó vẫn sẽ ở London (Anh) và bỏ ý định dời đến Hồng Kông. Theo một phóng viên Reuters, "sự hồi chuyển của thị trường Trung Quốc cùng với những lo ngại về nguy cơ an ninh do đụng độ biểu tình ở Hồng Kông là nguyên nhân chính khiến HSBC quyết định ở lại London". Và theo các nguồn tin, nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng tuyên bố cần suy nghĩ lại khi có ý định đến Hồng Kông.

Tuệ Khanh
(Theo Diplomat)