Báo Công An Đà Nẵng

Hồng Kông - quá khứ, hiện tại và tương lai

Thứ bảy, 01/07/2017 10:58

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (1-7), Hồng Kông sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm chính thức trở về với Trung Quốc. Đây là một ngày trọng đại ở Hồng Kông khi đặc khu này lần đầu tiên đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự lễ kỷ niệm cũng như chứng kiến lễ nhậm chức Trưởng đặc khu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. 20 năm! Hồng Kông giờ đây vẫn là một trung tâm tài chính khu vực trong khi đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi đáng kể. Và trong tương lai, đặc khu này cũng được kỳ vọng sẽ tiếp bước phát triển như 20 năm qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễu hành cùng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA)
ở Hồng Kông hôm 30-6, như là một phần của loạt sự kiện
kỷ niệm 20 năm đặc khu này trở về Trung Quốc.

Nửa đêm ngày 1-7-1997, bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hồng Kông, Hội đồng Lập pháp đã báo cáo về việc bàn giao đặc khu này cho Trung Quốc sau 150 năm cai trị của Anh.

Ông Martin Lee - Chủ tịch sáng lập đảng Dân chủ ở Hồng Kông - đã ở trên ban-công, kêu gọi Trung Quốc đại lục giữ gìn chế độ dân chủ non trẻ của đặc khu này. “Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc để thực hiện ý tưởng tuyệt vời về “một quốc gia, hai chế độ”, ông Lee nói.

Hồng Kông trở về với Trung Quốc vào ngày 1-7-1997 theo một thỏa thuận được ký kết giữa Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và nhà lãnh đạo Trung Quốc Triệu Tử Dương từ năm 1984 trong Tuyên bố chung Trung - Anh. Hồng Kông được đưa vào Khu hành chính Đặc biệt (SAR) của Trung Quốc theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” trong 50 năm sau khi bàn giao - vốn bảo đảm sự độc lập pháp lý và tự trị của hòn đảo này.

Vẫn là trung tâm tài chính lớn

Từ khi còn ở với Anh, Hồng Kông đã là trung tâm tài chính của Châu Á và cả thế giới. Đây là nơi đặt trụ sở của hàng loạt tập đoàn, ngân hàng lớn trên thế giới. Hồng Kông đáng phải ghen tị với nền kinh tế bùng nổ lớn mạnh.

Theo Diplomat, việc áp dụng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”  - mang đến cho Hồng Kông lợi thế cạnh tranh trên con đường phát triển kinh tế, xã hội. Cho đến nay, luật pháp, thị trường tự do cùng tính chất toàn cầu của Hồng Kông vẫn được bảo đảm và phát triển. Và trong 20 năm qua, Hồng Kông vẫn luôn giữ vững vị thế trung tâm tài chính quan trọng của thế giới. Dù chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tài chính cùng với đại dịch SARS năm 2003, kinh tế Hồng Kông vẫn tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,3%/năm suốt 20 năm qua.

Hồng Kông là thành phố được nhắm đến của các tập đoàn cũng nhờ vị trí chiến lược là cửa ngõ dẫn vào Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Người dân Hồng Kông mừng kỷ niệm 20 năm trở về Trung Quốc.          Ảnh: Reuters

Xã hội nhiều thay đổi

Trước khi bàn giao, nhiều người Hồng Kông lo lắng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ diễu hành trên các đường phố nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự. Bắc Kinh đã không can thiệp quá sâu hoặc đề ra một chương trình quân sự mạnh mẽ nào ở Hồng Kông. PLA chỉ giới hạn trong các doanh trại của họ. Tuy nhiên, Hồng Kông đang ngày càng trở nên phân cực về xã hội và chính trị, giữa một bên là những người ủng hộ chính quyền trung ương Bắc Kinh và một bên là phe ủng hộ dân chủ.

Pháo hoa rực trời. Các chương trình hội lễ diễn ra khắp nơi. Các cuộc diễu hành quân sự. Đây là một trong những sự kiện chính thức được lên kế hoạch cho ngày kỷ niệm Hồng Kông về với Trung Quốc lần này. Trước ngày kỷ niệm, Đài Truyền hình Trung ương Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) liên tục đưa tin, phát các chương trình biểu dương quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong các lĩnh vực từ thể thao đến quân sự và nghệ thuật.

Tuy nhiên, theo AP, bên dưới mặt hồ phẳng lặng, một số người dân Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ sinh viên, đang quyết liệt đấu tranh đòi hỏi đặc khu hành chính này có quyền tự quyết lớn hơn. Các cuộc biểu tình đường phố khổng lồ được gọi là “Cách mạng dù” kích hoạt vào năm 2014 sau khi Trung Quốc bác bỏ việc cho phép đề cử Trưởng đặc khu mở rộng để mọi người dân Hồng Kông có thể trực tiếp bầu lãnh đạo của họ.

Nhiều người lo ngại chính sách “một quốc gia, hai chế độ” có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, trong chuyến đi đến Hồng Kông lần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông, được ghi nhận trong thỏa thuận bàn giao từ Anh, luôn được đảm bảo. “Chính sách này đang trên con đường ổn định và lâu dài”, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố.

Những thách thức

Vào ngày 1-7, khi đánh dấu 20 năm trở về Trung Quốc, Hồng Kông cũng sẽ có nhà lãnh đạo mới. Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ tuyên thệ nhậm chức trong ngày trọng đại này trước sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bà Lâm tiếp nối di sản của ông Lương Chấn Anh – nhân vật đã chọn cách không tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai và rời nhiệm sở với một tỷ lệ ủng hộ thấp nhất dành cho một nhà lãnh đạo Hồng Kông. Theo Chương trình về Ý kiến Công chúng của Đại học Hồng Kông (HKUPOP), bà Lâm nhậm chức với mức điểm tương đối cao - 54 điểm - cao hơn so với ông Lương tại thời khắc ông nhậm chức. Nhưng vấn đề đặt ra là bà đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề vốn liên tục ám ảnh những người tiền nhiệm.

Đầu tiên là cải cách chính trị theo yêu cầu của phe chống đối. Bà Lâm không nói liệu chính quyền của bà có theo đuổi cải cách chính trị trong tương lai hay không. Nhưng hồi tháng 2, bà cảnh báo làm như vậy có thể “đẩy Hồng Kông vào hàng loạt các vấn đề khác, và đây không phải là điều thuận lợi cho sự phát triển của thành phố”.

Nhiệm vụ thứ hai là giải quyết vấn đề nhà ở và sự bất bình đẳng đang gia tăng. Hồng Kông đang phải đối mặt với những vấn đề bất bình đẳng nghiêm trọng, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và giá nhà đất đang ngày càng vượt quá tầm với khi luôn là một trong những nơi đắt đỏ nhất trên thế giới. Bà Lâm từng cam kết sẽ nỗ lực hành động để “đa dạng hóa nền kinh tế Hồng Kông”, tạo nhiều cơ hội cho những người trẻ tuổi và “tư vấn càng nhiều sáng kiến càng tốt” vào thị trường nhà ở. Bà cũng tuyên bố sẽ đưa vấn đề sở hữu nhà ở như là một mục tiêu chính sách quan trọng của chính quyền và “cố gắng để mọi người có cơ hội có nhà ở”. Không rõ hành động của bà là gì nhưng những tuyên bố mạnh mẽ như thế này đang mở ra nhiều hy vọng cho người dân Hồng Kông.

Và gánh nặng quan trọng cuối cùng là mối quan hệ với Trung Quốc đại lục. Trong bối cảnh bùng nổ những yêu cầu đòi quyền tự quyết lớn hơn cho Hồng Kông, đây rõ ràng là nhiệm vụ khó khăn cho nhà lãnh đạo mới của đặc khu này. Bà Lâm đã bày tỏ mối quan tâm về xu hướng phát triển đáng lo ngại này, kêu gọi các trường học cần dạy trẻ em hiểu rõ: “Chúng ta là người Trung Quốc”. “Điều quan trọng là... dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, chúng ta có niềm tự hào về việc trở thành người Trung Quốc và cảm thấy tự hào về những tiến bộ của đất nước. Nhưng đồng thời, chúng ta vẫn giữ được cái đặc trưng của Hồng Kông”, CNN dẫn lời bà Lâm nhấn mạnh.

KHẢ ANH